Sinh viên ngành Tâm lý đi dạy trẻ tự kỷ

25/07/2011 09:22
(GDVN) - “Nhiều khi mệt mỏi, stress lắm nhưng khi thấy học trò bập bẹ được tiếng “ba”, “mẹ” hoặc phân biệt được con bò với con mèo mà rơi nước mắt hạnh phúc.

(GDVN) - “Nhiều khi mệt mỏi, stress lắm nhưng khi thấy học trò bập bẹ được tiếng “ba”, “mẹ” hoặc phân biệt được con bò với con mèo mà rơi nước mắt hạnh phúc, chỉ mong các em có thể lớn và trưởng thành”.

Bài 1: "Ước gì, con được về quê nghỉ hè như bạn bè!"
Bài 2:
Nghỉ hè, SV ở lại phố để... ngủ nướng, rượu chè, gái gú
Bài 3:
Sinh viên nghỉ hè đi làm “phi công trẻ”
Bài 4:
Nữ sinh đi bán thuốc lá: Phải xinh, bản lĩnh và biết... lả lướt!

Không phải là những công việc kiếm được nhiều tiền, nhàn hạ, nhưng lại là những công việc mà các bạn sinh viên có thể sử dụng được kiến thức học ở trường.

Đó là tâm sự chân thành của bạn Nguyễn Thị Ly, sinh viên năm thứ hai, khoa Tâm lý, trường Đại học KHXH&NV Hà Nội.

Lớp học 1 trò - 1 cô

Cũng như các bạn sinh viên khác, Ly tìm đến công việc gia sư để tăng thu nhập, trang trải cho cuộc sống sinh viên của mình. Và cũng rất tình cờ, Ly tìm được việc dạy thêm trẻ tự kỉ ở lớp học tư trên đường Lê Văn Lương cùng với cô bạn thân.

Công việc không quá nhiều áp lực nhưng rất mệt mỏi và vất vả, chẳng mấy chốc cô bạn kia phải bỏ cuộc. Không muốn mất uy tín với người đã giới thiệu, công việc cũng khá lạ lẫm và mới mẻ khiến Ly quyết tâm thế chỗ cô bạn thân, thử sức mình với vai trò của một cô giáo dạy trẻ.

Cô giáo Ly (bên phải) trong chương trình đi bộ vì trẻ tự kỷ
Cô giáo Ly (áo xanh) trong chương trình đi bộ vì trẻ tự kỷ

“Lúc đầu mình cũng băn khoăn lắm, không biết có dạy được không. Vì mình chưa tiếp xúc với trẻ tự kỉ bao giờ. Tuy nhiên với những kiến thức đã học ở trường thông qua các môn như Tâm lí học nhân cách, Tâm lí học phát triển, Tâm lí học thần kinh, tâm bệnh… mình nghĩ rằng mình có thể áp dụng phần nào vào giảng dạy”.

Chứng tự kỷ là một trong những hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em, biểu hiện qua ba hành vi: khiếm khuyết về quan hệ xã hội, khiếm khuyết về sử dụng ngôn ngữ và chơi tưởng tượng.

Chính vì vậy các em nhỏ đến đây đều chưa biết nói, chỉ biết nhảy và la hét, không biết mình là ai, không thích tiếp xúc với mọi người. Chính vì vậy mỗi lớp học chỉ có 1 cô và 1 trò.

Công việc của Ly bắt đầu từ 5 giờ chiều và kết thúc lúc 8 giờ tối. Mỗi ngày sẽ có 4 đến 5 cô giáo, mỗi giờ các cô phụ trách 1 em và sau đó hoán đổi cả cô và trò.
Đối với trẻ tự kỷ, giáo viên phải dạy tất cả mọi thứ, từ những thứ tưởng như là đơn giản nhất như thè lưỡi, liếm môi, thổi, chỉ tay, cầm nắm đồ vật.

Khi bắt đầu nhận dạy một trẻ nào đó, Ly phải dạy cho em biết cách chơi với đồ chơi, sau đó dạy những từ đơn giản. Khi trẻ có thể bập bẹ “ba, mẹ” thì cho bé tập nhận biết bản thân, các bộ phận trong cơ thể, các thành viên trong gia đình. Khi trẻ đã có sự nhận thức nhất định mới cho trẻ học kiến thức như vẽ, viết, đếm số…

Tuy nhiên có những em bé bị nặng, không nhận thức được gì, chỉ biết la hét và lăn lộn thì không thể dạy bé ngay lập tức được. “Với những em bé như vậy, giữ cho bé ngồi im, không la hét đã là một thành công rất lớn rồi”.

 “Với những bé quá cứng đầu như thế em thường lờ đi, cho bé la hét thêm 1 chút. Sau đó em lôi đồ chơi ra, chơi một mình. Bé nhìn thấy đồ vật lạ sẽ rất hứng thú và quên ngay chuyện cũ, quay ra chơi cùng mình”.

Quá bực tức nên đã đánh HS

Ly chia sẻ, lần đầu tiên mình đã mất kiên nhẫn và sự bĩnh tĩnh: “Hôm đó, mình nhận dạy bé Đức, bé đi được 1 năm rồi nhưng chưa biết gì, vẫn chưa biết nói, chỉ la hét và lăn lộn, thậm chí là dứt tóc, cào cấu, đấm đá mình. Lúc đó mới dạy mình chưa có nhiều kinh nghiệm, bực quá mình quát bé và đánh vào lòng bàn tay. Đột nhiên bé ngừng la, mắt thất thần nhìn mình rồi lại tiếp tục la hét. Thực sự lúc đó mình rất hối hận, bé đáng thương hơn là đáng trách”.

Niềm vui lớn đối với bất kì thầy cô giáo nào là được thấy học sinh của mình trưởng thành. Đối với Ly cũng như các thầy cô dạy trẻ tự kỷ khác, thấy các bé biết nói một tiếng “ba”, về nhà “ạ” một tiếng, biết phân biệt đồ vật, con vật…. đã là niềm vui lớn lao, là hạnh phúc vô bờ bến rồi.

Hành trình đi tìm sự đồng cảm của trẻ tự kỷ.

Hành trình đi tìm sự đồng cảm của trẻ tự kỷ.

Ly vui vẻ chia sẻ câu chuyện về bé Bảo: Lúc mới nhận dạy, Bảo chưa biết nói, chưa biết giao tiếp, sau hơn 1 tháng dạy, bé đã bập bẹ nói “ông – bà – ba – mẹ”. “Bố mẹ bé gọi điện đến lớp thông báo mà mấy chị em nhảy cẫng lên vui sướng” – Ly chia sẻ về cảm xúc của các thầy cô giáo tại lớp học.

Tuy nhiên, bé lại mắc chứng hay quên, bởi vậy, bắt đầu vào phần dạy tranh cho bé rất khó. Đưa ra ba bức tranh con bò, con chó, con mèo, chỉ cho bé thì bé biết. Tuy nhiên khi cất tranh đi, hỏi lại thì bé không nhớ.

Lúc đó mình cảm thấy rất bực, tại sao nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần mà vẫn cứ quên, rồi mình quyết tâm buổi học đó chỉ dạy cho bé biết phân biệt 3 con chó – bò và mèo.

Khi bị hỏi đi hỏi lại, hỏi quá nhiều, bé cảm thấy bức tranh rất quen nhưng lại không thể bật lên tiếng. Cuối cùng bé òa khóc nức nở. Đến buổi học hôm sau, rất mừng là khi đưa ra ba bức tranh, bé thốt lên đâu là con bò, đâu là con chó và đâu là con mèo.

 Không ngờ là buổi học trước lại đem đến cho bé sự hiệu quả đến như vậy. Cả ngày mình cứ lâng lâng sung sướng, hạnh phúc của nghề này là vậy, nếu không có chữ tâm và lòng yêu trẻ thì chẳng thể nào theo được.

Đỗ Hoa

 

 Đón xem kỳ 6: "Chỉ mong dịp hè con kiếm được 3 -5 triệu đỡ bố mẹ tiền học!"