ĐD Nguyễn Hữu Phần: Được đặt hàng làm phim nhà nước là... "trúng mánh"

22/09/2014 13:58
Lê Phương
(GDVN) - "Chúng tôi vẫn hay đùa nhau rằng, hãng phim nào mà được nhà nước đặt hàng làm phim thì giống như "trúng mánh" vậy".

Là đạo diễn của một trong những phim vừa ra rạp nhưng chỉ bán được vài vé (phim Mộ gió), đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn dành cho Báo Giáo dục Việt Nam một buổi trò chuyện thẳng thắn về vấn đề này.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

- Cảm giác của đạo diễn thế nào khi một trong những bộ phim của mình ra rạp chỉ bán được vài vé?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Tôi là một trong những thành viên của Hội đồng duyệt phim, có rất nhiều phim kể cả phim nước ngoài mình thấy hay đấy nhưng mình biết chắc chắn nếu nó ra rạp sẽ không có khách. Vì sao? Vì tất cả các rạp chiếu phim hiện nay của chúng ta đều là chiếu phim thương mại. Tức là họ chỉ lo chiếu phim cho giới trẻ và gần như chỉ giới trẻ đi xem phim thôi.

Khán giả bây giờ cũng coi cái việc xem phim là trò giải trí. Họ đến đấy chỉ để vui cười một lúc, thử cảm giác mạnh một lúc sau đó quên đi và đi về. Phim gì phải suy nghĩ, nghĩ ngợi và thưởng thức sâu sắc một chút ra rạp sẽ thất bại.

Trong khi đó, các rạp phim Việt đang chứa tất cả các phim khác kể cả dạng phim Oscar. Ví dụ phim truyền hình Ma làng của tôi được khán giả thích nhưng giả dụ, tôi làm gọn cái đó thành 1 tập rồi mang ra rạp chiếu thì chắc chắn cũng chẳng ai xem cả.  Đấy là một đặc điểm của rạp phim Việt Nam bây giờ.

Tôi sang một số nước khác thì thấy, họ có nhiều rạp như: Rạp chiếu phim điện ảnh kinh điển; rạp chiếu phim nghệ thuật; rạp chiếu phim chính trị; rạp chiếu phim tài liệu... Mỗi rạp đều có những đối tượng riêng của nó. Nhưng điều này tôi mới chỉ thấy ở lĩnh vực truyền hình của nước ta đã phân ra được nhiều kênh phù hợp với từng đối tượng khác nhau còn điện ảnh thì không.

Với phim Mộ gió của tôi, hôm khai mạc tôi chiếu cho một số đối tượng khán giả phù hợp xem thì rất nhiều người đã khóc và xúc động. Nhưng khi ra rạp chiếu, tôi biết chắc là chẳng ai xem cả vì đến cái tên phim cũng chẳng ai muốn xem rồi.

Nói thêm về chuyện làm phim nhà nước, các phim đều do Bộ VH-TT&DL, Cục điện ảnh đặt hàng cho các hãng phim làm và người thực hiện cũng chỉ biết làm cho xong và trả lại cho bên đặt hàng. Cho nên họ cũng chỉ biết là làm đúng chứ không cần làm hay bởi vì trong hợp đồng không có yêu cầu hãng thực hiện làm phim phải bán được bao nhiêu vé. Và họ cũng không có nhiệm vụ phát hành phim vì làm xong là phải giao lại cho bên đặt hàng cơ mà.

Bên cạnh đó, việc kiểm toán cho quá trình làm phim của bên đặt hàng rất chi tiết, từ công nhân đến thuê bối cảnh là bao nhiêu tiền nhưng lại chẳng hề có phần quảng bá cho bộ phim. Đấy là cái khiến khán giả không biết đến phim chứ không phải là đi xem hay không đi xem.

Đó cũng là nghịch lý đáng buồn vì phim chính trị mà không có khách thì phổ biến cho ai, cải tạo được ai. Nên theo tôi, phim chính trị cũng phải đặt ra yếu tố có khách và muốn có khách thì phải có việc điều tra thị trường để xem thị trường đang thích cái gì, thích đề tài nào, thích đặt vấn đề như thế nào... Tất cả các đơn vị làm phim tư đều có nhận định đó, nhưng tôi tin tất cả các phim nhà nước thì không.

- Vậy bản thân ông có thấy "xót xa" khi phim đầu tư 21 tỷ như Sống cùng lịch sử mà không thể bán nổi một cái vé không?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Phim Mộ gió của tôi được đầu tư 400 triệu đồng nhưng sử dụng làm phim thì được hơn 300 triệu đồng thôi vì phải trừ thuế. Đến cả 300 - 400 triệu đồng còn không thu được tiền nữa là...

Tuy nhiên, tôi không nói đầu tư như thế là đắt hay rẻ. Một triệu USD cho một bộ phim nhựa là không đắt ở nước ngoài, còn tư nhân trong nước ta hiện nay họ cũng đầu tư đến 1 triệu USD rồi, ví dụ như phim Lửa phật chẳng hạn.

Số tiền đó không đắt, chỉ có cái là làm như thế nào để có hiệu quả và có khách dù chỉ cần có 50% khách đến xem thôi. Cụ thể như mình bỏ ra 10 tỷ nhưng thu được 5 tỷ đồng thì mình đã thấy mình được bao nhiêu người xem và hiệu quả chính trị nó sẽ tốt hơn. Còn không có người xem như hiện nay, hiệu quả chính trị chẳng có gì cả và vì thế việc đầu tư nó trở thành sai...

Nói chung có nhiều vấn đề nhưng quan trọng nhất là trình độ xem phim của khán giả hiện nay không đồng đều và quan niệm xem phim hiện nay là một trò chơi giải trí như chơi game.

- Theo ý kiến nhiều độc giả, nên cho tư nhân tham gia đấu thấu vào việc sản xuất các bộ phim nhà nước để chất lượng nâng cao hơn. Quan điểm của ông thế nào?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Trước đây, tôi cũng có một ý kiến đóng góp cho Cục điện ảnh nhưng họ trả lời là không được.

Ý kiến của tôi như thế này, ví dụ năm sau chúng ta có 5 ngày lễ chúng ta phát đề tài cho tất cả các hãng nhà nước để họ tự thực hiện bộ phim với nội dung như vậy. Sau đó anh nào làm thành công thì nhà nước sẽ cho các anh tiền.

Cơ quan đặt hàng sẽ xét trên cơ sở sản phẩm phim của các hãng chứ không trên cơ sở lý thuyết như trước đây. Sau đó sẽ đánh giá chất lượng phim để cho 30%, 50% hay 70% kinh phí để bù vào cái việc anh làm phim. Với cách như vậy chúng ta không phải xét kịch bản gì cả, chúng ta chỉ cần vận động người ta sản xuất như kiểu tham gia một cuộc thi để có sự cạnh tranh. Dần dần họ sẽ cố làm để thu được ít nhất nửa số tiền, rồi sau đó xin nhà nước một nửa sau.

Còn hiện nay qui trình làm phim nhà nước như thế này, chúng ta duyệt một kịch bản mang tính lý thuyết, mang tính văn học sau đó chúng ta cấp cho các hãng tiền và sau đó chẳng biết họ tiêu tiền thế nào cả. Chúng ta chẳng quản lý khâu sản xuất gì cả, sau đó đến thời hạn thì phía thực hiện phim mang đến trả và khi duyệt thấy được, thấy đúng là xong.

Nói về phim chính trị, ở nước ngoài có rất nhiều phim có khách chứ không phải không ví dụ như phim về lãnh tụ của Ấn Độ chẳng hạn. Đó là phim khó xem nhưng lại rất có khách. Nên những người làm phim nhà nước tài trợ tiền phải quan tâm đến việc làm sao để có yếu tố có khách trong phim chính trị.

- Nhưng việc đổ lỗi cho khán giả chỉ thích xem phim thương mại, giải trí mà bỏ qua phim lịch sử, chính trị có ổn không thưa ông?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Việc gì cũng cần phải có một quá trình giáo dục nếu bây giờ bảo thanh niên nó đang thích xem phim Get up chẳng hạn mà bảo nó đi xem phim lịch sử thì làm gì nó chịu. Nên chúng ta cũng cần nâng thẩm mĩ của khán giả lên, không phải ngay bây giờ nhé mà dần dần chúng ta sẽ có khán giả tốt.

Như từ hồi tư nhân vào làm phim thì chúng ta thấy có anh Victor Vũ đã làm phim thu được đến 90 tỷ. Mà phim anh này không đến nỗi nhảm đâu, có tính giáo dục rất được. Thế thì những thành công như Victor Vũ và một số người khác đang làm có nghĩa là trình xem của khán giả cũng đang dần nâng lên.

Ví dụ trước đây trong miền Nam có rất nhiều phim hài nhảm như Hello Cô Ba cách đây mấy năm vẫn còn nhưng bây giờ đang mất dần đi. Thậm chí sân khấu hài trong Nam cũng đang ế khách, có nghĩa là trình độ xem của khán giả đang có xu hướng đi lên, nên làm thế nào để mỗi lần nâng được một tý lên thì điện ảnh Việt Nam sẽ sôi động hơn. Chứ chúng ta không đòi hỏi hôm nay phải xem được Sống cùng lịch sử.

Chúng ta cũng nên phân các loại rạp như trên tôi nói. Có thể lúc đầu khán giả đến xem vì sang, vì thích thể hiện nhưng dần dần chúng ta sẽ có một đội ngũ khán giả "sang" đúng nghĩa. Nói chung là phải có chiến lược nâng cao tầm thưởng thức của khán giả chứ không phải là chợ tự nhiên.

- Nhưng theo ông những người làm phim có phải chịu trách nhiệm không vì phim mình chưa có chất lượng tốt nên ít khán giả bởi hiện nay giới trẻ vẫn rất thích và yêu quí những phim về lịch sử của Hàn Quốc, Trung Quốc?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Những phim lịch sử hiện nay phần lớn là phim đặt hàng cho nên chúng tôi vẫn hay đùa nhau rằng, hãng phim nào mà được nhà nước đặt hàng làm phim thì giống như "trúng mánh" vậy. Vì người ta có thể bớt xén khá nhiều số tiền đầu tư vào việc nuôi quân, nuôi cả một hãng phim chẳng hạn. Vì việc kiểm soát phim chỉ cần đúng thôi mà đâu có cần hay nên chỉ cần làm có mức độ thôi.

Nếu làm phim lịch sử mà cũng có sự cạnh tranh, ví dụ như làm phim Trần Thủ Độ và Huyền sử thiên đô, hai phim đó cùng sản xuất 1 năm để ra rạp thì chắc chắn hai anh đó sẽ phải cạnh tranh nhau để phim mình có khách hơn. Và sự cạnh tranh sẽ khiến người ta làm cẩn thận hơn cũng như tìm ra yếu tố câu khách hơn. Nhưng chúng ta không có những cuộc thi đua như vậy thì làm sao mà nâng lên được.

Mà có thể nói thế này các hãng phim nhà nước miền Bắc hiện nay chỉ ngồi chờ đơn đặt hàng thôi chẳng ai dám làm phim có khách. Còn trong Nam đã bỏ kiểu làm như vậy mà phải đi làm phim có khách.

Lê Phương