Quan niệm sai lầm về nguồn gốc Tết Đoan Ngọ

18/06/2018 07:39
THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN
(GDVN) - Tết Đoan Ngọ xưa là do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo. Nó là thành quả từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp phương Nam của các bộ tộc Bách Việt.

Tết Đoan Ngọ là một phong tục lễ tết gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm của cư dân trồng lúa nước. Một số người dân cho rằng, nguồn gốc Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ Trung Quốc. Tuy vậy, các công trình nghiên cứu văn hóa cho thấy Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc khác hoàn toàn với suy nghĩ của một số người dân…

Cách hiểu sai lầm về nguồn gốc ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa của người dân mỗi nước.

Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương; vì chữ “Đoan” có nghĩa là chính, là thăng, là mở đầu; còn Ngọ là tháng 5. Ở Trung Quốc còn gọi là Tết Trùng Ngũ vì có hai con số 5 trùng nhau, mồng 5 tháng 5.    

Theo Thầy Nguyễn Văn Hiệu, Đại học khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh: "Đoan Ngọ tức là ăn Tết ngày đầu tháng 5, vì theo cách tính ngày xưa, tháng 11 là tháng đầu năm vì thế tính theo 12 con giáp thì Ngọ là tháng 5 chứ không phải Ngọ là buổi trưa”.

Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ. Ảnh đăng trên Báo giadinh.net.vn.
Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ. Ảnh đăng trên Báo giadinh.net.vn.

Về ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, thầy Hiệu cho rằng: "Ngày xưa, người dân gọi mồng 1 tháng 5 gọi là Sơ Ngọ, mồng 2 là Nhị Ngọ, mồng 3 là Tam Ngọ, mồng 4 là Tứ Ngọ và mồng 5 là Ngũ Ngọ.

“Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Đoan Ngũ (tức ngày 5 trong tháng 5) nên người dân lấy ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch làm ngày để tổ chức Tết Đoan Ngọ”. [1]

Quan niệm xưa cho rằng, Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Quốc, gắn liền với câu chuyện Khuất Nguyên – làm quan chức Tả Đồ dưới thời vua Sở Hoài Vương, vì khuyên can vua không nên nghe lời xu nịnh của bọn gian thần không được, ông đã tự tận, hôm đó là ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch.

Để tưởng nhớ vị quan trung thần, nhân dân Trung Quốc đã làm cỗ cúng linh đình, lấy chỉ ngũ sắc ném xuống các dòng sông để tưởng nhớ Khuất Nguyên.

Phải chăng Tết Đoan Ngọ được bắt nguồn từ Trung Quốc ?

Tác giả Nguyễn Ngọc Thơ trong “Lại bàn về nguồn gốc tết Đoan Ngọ” giải thích: “Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng 5 rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm khẳng định: "Tết Đoan Ngọ Việt Nam có cùng một khởi nguồn với vùng đất Bách Việt ở Nam Trung Hoa (vùng hạ lưu Dương Tử trở xuống) và Bắc Đông Dương.

Theo đó, từ ngàn xưa đây vốn là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gây dựng nên. Do nằm dọc hai bên chí tuyến bắc, mùa hè ở đây oi bức, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. 

May mắn, người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại;

Nhờ vậy phong tục tết Đoan Ngọ hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng của chu kỳ tuần hoàn thời tiết [2].

Như vậy, Tết Đoan Ngọ xưa là do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo, cùng hưởng thành quả và không ai là tác giả cụ thể. Nó là thành quả từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp phương Nam của các bộ tộc Bách Việt.

Về sau, cùng với việc xâm lấn và mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam sông Dương Tử, Tết Đoan Ngọ được người Hán – Trung Quốc tiếp nhận và hưởng ứng.

 Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam

Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã hơn: “Tết giết sâu bọ”, Tết Nửa năm (hay còn gọi là Tết Giữa năm).

Đây được xem là tên gọi của riêng người Việt, không lẫn với tên gọi của các quốc gia khác.

Theo quan niệm xưa, tháng 5 là giai đoạn chuyển giao mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh; trong người, nhất là trong bộ phận tiêu hóa, thường có sâu bọ. Nếu dịch bệnh không bị trừ sẽ sinh sản ngày càng nhiều và gây hại cho con người.

Vào ngày này, dân gian thường có tục trừ trùng phòng bệnh.

Hàng vạn người đi “tắm tiên” trong ngày tết Đoan Ngọ

Xét về khía cạnh tiết thời, đây là khởi đầu của quá trình vạn vật bắt đầu đơm hoa kết trái; nên nhân dân tổ chức ngày Tết để cúng tổ tiên để mong mùa màng được bội thu.

Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ “Tết giết sâu bọ” là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân… vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.

Vào ngày này, cả làng nhộn nhịp hẳn lên, nhà nào cũng dậy từ sớm chuẩn bị phẩm vật cúng tổ tiên và hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. 

Theo lệ, đúng giữa trưa, người dân rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời toả ánh nắng tốt nhất trong năm.

Lá cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.

Tại các vùng thành thị, phố phường; dịp này, những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá bày bán.

Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, đúng ngọ ngày mồng 5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.

Theo truyền thống, ngoài hoa quả, người dân từng miền lại làm những món ăn khác nhau trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Với người dân miền Bắc, rượu nếp, rượu nếp cẩm là món ăn không thể thiếu. Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được.

Duy chỉ có ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.

Với người miền Trung, món ăn không thể thiếu trên mâm cúng là bánh ú tro. Mỗi nhà thường làm hoặc đặt mua vài chục cái để thưởng thức.

Đối với người miền Nam, thịt vịt là thứ không thể thiếu vào ngày này, ngoài ra còn có heo quay và các đồ ăn khác trên mâm cỗ.

Như vậy, có thể nói Tết Đoan Ngọ là “Tết giết sâu bọ”, Tết Giữa năm , trước là tưởng nhớ tổ tiên, sau là ước mong chữa bệnh, cầu sức khoẻ. Nó đã gắn với tín ngưỡng của cả cộng đồng, trở thành một lễ tết truyền thống. [3]

Tài liệu tham khảo:

1. http://danviet.vn/tin-tuc/vi-sao-55-am-lich-duoc-chon-la-tet-doan-ngo-774603.html

2. https://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/hieu-dung-ve-nguon-goc-tet-doan-ngo-cua-nguoi-viet-n20120623095151439.htm

3. http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/255/0/9531/Nguon_goc_y_nghia_cua_Tet_Doan_Ngo_5_5

THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN