Bỏ công chức, viên chức giáo viên thì phải kiểm soát được quyền lực Hiệu trưởng

24/05/2017 06:09
THỤY DU
(GDVN) - "Đây không phải là vấn đề mới, nhưng là xu thế tất yếu không chỉ riêng trong ngành giáo dục", ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Bỏ biên chế là xu hướng tất yếu

Về thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông tin, sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức và thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên, một số ý kiến cho rằng, đây là điều cần thiết, nhưng phải có lộ trình thực hiện lộ trình phù hợp.

"Cần nhận thức rõ, viên chức được tuyển dụng ở các đơn vị sự nghiệp công lập từ khi có luật viên chức thì không còn biên chế nữa mà là hình thức hợp đồng.

Điều này có thể hiểu tất cả viên chức trước đây và những viên chức được tuyển dụng sau khi có luật viên chức đều chuyển sang dạng hợp đồng. 

Nhiều người vẫn quen gọi viên chức hiện nay là người được biên chế là cách hiểu chưa đúng.

Thậm chí hiện nay chúng ta đã bàn đến vấn đề chuyển công chức sang dạng hợp đồng chứ không phải riêng viên chức đâu. 

Đây không phải là vấn đề mới, nhưng là xu thế tất yếu không chỉ riêng trong ngành giáo dục.

Việc chuyển công chức, viên chức sang dạng hợp đồng trong cơ chế quản lý hiện nay là cách làm rất mềm mại.

Bởi nó sẽ gắn trách nhiệm của người lao động với chất lượng đào tạo trong môi trường giáo dục.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh: VOV).
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh: VOV).

Trường hợp người lao động không đáp ứng được nhu cầu công việc thì người sử dụng lao động có thể cho thôi hợp đồng đối với người lao động.

Còn bây giờ chúng ta cứ thực hiện "biên chế suốt đời" (nói chung) đối với người lao động, trong khi người được biến chế không làm được việc vẫn phải phân công nhiệm vụ thì rất bất cập.

Thậm chí, người sử dụng lao động có muốn cho thôi việc người không làm được việc cũng là điều rất khó khăn.

Nên việc thí điểm chuyển hình thức "công chức suốt đời" sang dạng hợp đồng là cách làm hay.

Cái hay của đề xuất này nằm ở chỗ, đây là giải pháp để làm cho tất cả người lao động phải phấn đấu nâng cao chất lượng, ràng buộc trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ trong môi trường giáo dục.

Sau này có vấn đề gì trong quá trình làm việc thì cứ chiếu theo hợp đồng lao động mà xử lý", ông Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu quan điểm.

Có ý kiến cho rằng, nghề giáo là nghề cao quý, cho nên không nên thay đổi các giá trị nhân văn, nhân đạo mà nên tập trung vào vấn đề học gì? làm gì? trong bối cảnh ngành giáo dục còn nhiều tiêu cực.

Về việc này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, không nên nặng nề quan điểm này. 

"Nghề giáo là nghề cao quý, nhưng nghề giáo cũng là nghề để lao động, nuôi sống bản thân, gia đình.

Nếu anh làm đúng chất lượng, đúng với cái tâm của người thầy, cô thì nó sẽ rất cao quý. 

Nhưng người không làm được việc thì không gọi là cao quý được. Ngành nghề nào cũng vậy, cũng phải có sự cạnh tranh thanh lọc, đào thải những người không làm được việc thì mới hy vọng có sự tiến bộ. 

Do đó, không nên nặng nề tư tưởng này, ông Dĩnh nói.

Hạn chế quyền của Hiệu trưởng

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận thực tế, hiện nay, vai trò của Hiệu trưởng trong các cơ sở giáo dục là rất lớn. 

Do đó, nếu thực hiện thí điểm bỏ công chức, viên chức và thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên thì cần phải kiểm soát quyền lực của Hiệu trưởng trong việc tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng đối với người lao động.

"Nếu người đứng đầu cơ sở giáo dục công tâm trong

Bỏ công chức, viên chức giáo viên thì phải kiểm soát được quyền lực Hiệu trưởng ảnh 2

Thầy giáo hiến kế bỏ công chức, viên chức giáo viên

tuyển dụng lao động nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục thì không vấn đề gì.

Trong trường hợp này, nếu người lao động không đáp ứng được công việc thì có thể chấm dứt hợp đồng lao động với họ.

Tuy nhiên, đây là vấn đề có tính chất hai mặt.

Nếu giao quá nhiều quyền lực cho Hiệu trưởng trong quá trình tuyển dụng sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề đáng ngại, thậm chí tiêu cực.

Hiệu trưởng các trường Mầm non, Phổ thông cơ sở bây giờ có quyền lực ghê lắm!

Trường hợp Hiệu trưởng không công tâm, khách quan trong tuyển dụng, công việc, thì có thể triệt tiêu sự đấu tranh của công đoàn, tổ chức Đảng trong nhà trường. 

Người ta thường nói, phải đấu tranh chống tiêu cực trong các nhà trường để tạo môi trường giáo dục lành mạnh.

Nhưng biết đâu đó, ông/bà Hiệu trưởng lợi dụng việc người lao động chống tiêu cực theo đúng nghĩa mà cho thôi hợp đồng với người lao động thì rất đáng trách.

Hay nói cách khác, nếu Hiệu trưởng sử dụng quyền lực của mình để thực hiện việc làm sai trái vì lợi ích cá nhân thậm chí trù úm người lao động thì rất nguy hiểm cho môi trường giáo dục. 

Thậm chí người lao động có thể bị nghỉ việc vì đấu tranh chống những vấn đề tiêu cực do người đứng đầu gây ra", ông Dĩnh nhận định.

Bệnh thành tích đang kéo giáo dục Việt Nam tuột dốc (Ảnh: thanhnien.vn)
Bệnh thành tích đang kéo giáo dục Việt Nam tuột dốc (Ảnh: thanhnien.vn)

Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, cần phải có cơ chế giám sát quyền lực của những người đứng đầu các cơ sở giáo dục để hạn chế sự tập quyền trong tuyển dụng, sa thải người lao động không đúng quy định.

"Việc tuyển dụng lao động trong các cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông cơ sở hiện nay đều do Chủ tịch các huyện/thị xã/thành phố. 

Tuy nhiên, việc tham mưu, tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng, sa thải người lao động đều có tác động rất lớn từ những người đứng đầu các cơ sở giáo dục này. 

Do đó, nếu thực hiện ý tưởng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tính đến việc hợp đồng Hiệu trưởng, Hiệu phó trong các cơ sở giáo dục để hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra trong tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng lao động.

Bởi nếu giao cho họ quyền lực quá nhiều trong tuyển dụng, chấm dứt, sa thải người lao động mà không có cơ chế khống chế, giám sát quyền lực thì rất dễ nảy sinh tiêu cực", ông Dĩnh nói.

Giáo viên 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ

Giáo viên 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ

(GDVN) - Đội ngũ công chức, viên chức trong ngành Giáo dục khác với công viên chức thông thường.​

Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc thí điểm bỏ công chức, viên chức và thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên phải gắn liền với việc khoán chất lượng một cách thực chất.

"Phải làm rõ việc khoán chất lượng như thế nào? hay chỉ khoán bằng điểm và lên lớp?

Chính việc khoán chất lượng của chúng ta là nguyên nhân của bệnh thành tích hiện nay.

Theo đó, có cơ sở giáo dục tìm mọi cách để đạt thành tích trong giáo dục, dù thành tích đó không phải thực chất. Trong khi đó Hiệu trưởng không muốn mang tiếng có học sinh lưu ban, học sinh kém.

Điều này cũng đặt ra vấn đề, công tác khảo thí của Bộ giáo dục và Giáo dục, các địa phương, các cơ sở giáo dục phải thực hiện quyết liệt hơn", ông Dĩnh nói. 

THỤY DU