Thông tư 22 vẫn khiến giáo viên quay cuồng với sổ sách

22/05/2017 07:41
Hoàng Nam
(GDVN) - Việc nhận xét, lựa chọn xếp loại vô hình chung đặt giáo viên vào thế so sánh giữa học sinh này với học sinh khác.

LTS: Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh Tiểu học có hiệu lực kể từ ngày 6/11/2016. Thông tư này ra đời nhằm bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT. 

Qua 1 năm thực hiện, thầy giáo Hoàng Nam hiện đang công tác tại một trường Tiểu học có nhận xét về những ưu, nhược điểm của Thông tư 22 qua quá trình trực tiếp là người thực hiện. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


So với Thông tư 30, Thông tư 22 có những ưu điểm đáng mừng. Cụ thể:

Thứ nhất, quá trình đánh giá năng lực, phẩm chất thành 3 mức: "tốt", "đạt", "cần cố gắng" điều này cho phép giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau từng giai đoạn giữa và cuối mỗi học kì. 

Thứ hai, khắc phục được những gánh nặng sổ sách

Theo quy định mới, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục.

Thông tư 22 vẫn khiến giáo viên quay cuồng với sổ sách (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Thông tư 22 vẫn khiến giáo viên quay cuồng với sổ sách (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Giáo viên được trao quyền “chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá học sinh, kết quả giáo dục học sinh trong lớp; hoàn thành hồ sơ đánh giá học sinh theo quy định; nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh” (trích điều 19, trách nhiệm của giáo viên)

Thứ ba, vấn đề khen thưởng những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện đã có thước đo cụ thể “kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên”. 

Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện cho thấy Thông tư 22 còn một số bất cập. 
Thứ nhất, giáo viên vẫn phải “quay cuồng” với sổ sách và hàng loạt biên bản bình chọn học sinh khen thưởng vào cuối năm học.

Thông tư 22 vẫn khiến giáo viên quay cuồng với sổ sách ảnh 2

Giáo viên Tiểu học nhìn nhận những điểm mới ở Thông tư 22

Bởi lẽ, muốn thực hiện khen thưởng cho “Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận” (trích điều 16, mục 1a, khen thưởng cuối năm học) thì giáo viên phải tổ chức một buổi họp lớp, và thực hiện các biên bản. 

Nào là biên bản bình chọn về năng lực, phẩm chất cho từng học sinh (học sinh nào đạt “tốt”, học sinh nào được xếp loại “đạt”, học sinh nào “cần cố gắng”; nào là biên bản bình chọn học sinh có năng lực, phẩm chất vượt bậc (học sinh bình chọn dựa trên sự giới thiệu của giáo viên và tập thể lớp công nhận.

Sau khi học sinh nghe giáo viên giới thiệu tên của các bạn là đến phần cho cả lớp bình chọn, nhận xét từng học sinh. Các em được nêu ý kiến, nhận xét các ưu điểm, khuyết điểm của từng bạn. Sau đó, các em giơ tay biểu quyết về từng bạn.

Do các em cũng chỉ là những học sinh “ăn chưa no, lo chưa tới” nên các em nhận xét bạn bằng sự “yêu thích” hoặc “ganh ghét”; bằng việc “thường chơi chung một nhóm nên bạn đó tốt” hoặc “không chơi chung với nhau nên bạn ấy chưa tốt”,…

Thông tư 22 vẫn khiến giáo viên quay cuồng với sổ sách ảnh 3

Điểm số, xếp loại hiện nay có phản ánh chân thực đạo đức học sinh?

Do tâm lý các em chưa đủ “chín muồi” để nhận ra “nhận xét kia cũng có khi chưa đúng về mình” nên một số em cảm thấy bị cô lập, cảm thấy mình chưa tốt, chưa được các bạn yêu quý nên dần dần tự “cô lập” bản thân, xa lánh các bạn. Điều này dễ dẫn đến những rối loạn về tinh thần cho các em.

Việc nhận xét, lựa chọn cũng đã vô hình chung đặt giáo viên vào vấn đề so sánh giữa học sinh này với học sinh khác để tìm ra ưu điểm của em này hơn những em khác như thế nào? 

Và giáo viên phải tìm ra những khuyết điểm của từng em để khi Ban giám hiệu, phụ huynh hỏi phải có cơ sở chặt chẽ để trả lời.

Thứ hai, vào thời điểm cuối năm học, giáo viên vẫn phải “ì ạch” ngồi viết từng quyển học bạ, ghi nhận xét, đánh giá cho từng môn học, nhận xét về năng lực phẩm chất của từng học sinh.

Việc viết học bạ từ lâu đã trở thành gánh nặng và áp lực cho giáo viên. Chỉ cần viết sai một số, nhận xét sai một chữ cũng làm cho giáo viên lo lắng, thậm chí có trường còn áp dụng việc trừ điểm thi đua đối với giáo viên. 

Ban giám hiệu quy định thời gian cho giáo viên viết học bạ trong 2 ngày, thời gian quá gấp rút. Chiều đi dạy, sáng phải vào trường để ngồi viết hoặc sáng dạy trên lớp, chiều phải vào trường để ngồi “cặm cụi” bên từng dòng chữ trong học bạ. Giáo viên nào dạy bán trú, thì giao lớp cho các em tự quản để viết học bạ cho kịp tiến độ.

Những nút thắt và khó khăn khi áp dụng Thông tư 22 về đánh giá học trò

Trong khi đó, các trường đã cập nhật tất cả từ điểm số, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, ngày nghỉ, cân nặng, chiều cao của học sinh… trên cổng thông tin điện tử. Ban giám hiệu cùng với bộ phận văn thư in ra và đóng dấu xác nhận sẽ giảm thiểu tối đa thời gian cho giáo viên.

Như vậy, rõ ràng Thông tư 22 vẫn chưa thực sự giảm được gánh nặng về sổ sách, giảm được thời gian cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. Chưa quy định rõ “thước đo” dành cho học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất.

Trong năm học sắp tới, sự mong mỏi của giáo viên đó là thực hiện tốt chỉ thị số 55/2008/CT-BGD ĐT ngày 30/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường giảng dạy, đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2013 “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin  trong giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa quyết định sự phát triển công nghệ thông tin của đất nước”.

Hoàng Nam