Chính phủ thử nghiệm cung cấp thông tin qua Facebook và Youtube

21/10/2015 07:14
Ngọc Quang
(GDVN) - Thông tin này được ông Vi Quang Đạo – Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết chiều 20/10.

Chiều ngày 20/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức thông tin về Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. 

Tại buổi họp báo, ông Vi Quang Đạo - Tổng Giám đốc Cổng thông tin Chính phủ cho biết, Cổng thông tin đã và đang thử nghiệm việc cung cấp thông tin qua mạng xã hội (facebook và youtube) từ đầu tháng 10/2015.

Cụ thể, đó là nội dung các văn bản mà Văn phòng Chính phủ đã cung cấp cho các cơ quan báo chí, đồng thời đang cân nhắc về các phương án chính thức cung cấp thông tin cho người dân qua các kênh này.

Chính phủ đang thử nghiệm đưa thông tin chính thống lên facebook và youtube để người dân dễ tiếp cận.
Chính phủ đang thử nghiệm đưa thông tin chính thống lên facebook và youtube để người dân dễ tiếp cận.

Ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, mục tiêu của Chính phủ điện tử đặt ra là từ Chính phủ cho đến cấp xã, 100% dịch vụ công được cung cấp qua thông tin điện tử, giải pháp Chính phủ điện tử cũng được thực hiện trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

Văn phòng Chính phủ cũng cung cấp kết quả kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản và công khai tiến độ giải quyết hồ sơ cho thấy, từ đầu tháng 7 cho đến 19/10/2015, cả nước đã có 27 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3 Bộ thực hiện kết nối, liên thông thử nghiệm phần mềm quản lý văn bản với hệ thống giả lập của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, có 1 Bộ và 19 địa phương đã liên thông gửi nhận văn bản và phản hồi trạng thái.

Từ ngày 15/10/2015, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và đạt 87% mức độ phản hồi.

Thực hiện thành công Chính phủ Điện tử trong cuộc sống, sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước, ông Lê Mạnh Hà lấy ví dụ, riêng về ngành y tế, mỗi năm chi trả bảo hiểm khoảng 50.000 tỷ đồng và có hiện tượng sai sót,  tiêu cực. Nếu con số này là 10% và công nghệ khắc phục được, số tiền tránh thất thoát sẽ là 5.000 tỷ đồng, một con số không nhỏ.

Theo ông Hà, nếu có sự giám sát liên tục, minh bạch thì đảm bảo sẽ không có một cái sai vô lý như vụ số 8 Lê Trực.

Trước đây tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai công tác 2015 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Điện thoại bật ra là có, lên facebook là đọc được thông tin, mấy chục triệu người dùng Internet và mạng xã hội rồi, vậy thì làm sao để thông tin chính thống của chúng ta cũng lên mạng xã hội. Chúng ta không ngăn và cũng không cấm được đâu, quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác kịp thời để người ta có lòng tin đúng, ai nói thì nói trên mạng nhưng đây là thông tin chính thống của Chính phủ".

Thủ tướng chỉ rõ, hiện nay lĩnh vực thông tin không chỉ có các loại hình báo chí truyền thống (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) mà còn có mạng xã hội, đồng thời nhấn mạnh: "Công tác thông tin bây giờ đòi hỏi nhanh lẹ lắm, kịp thời đáp ứng quyền thông tin của nhân dân và tạo đồng thuận xã hội".

Ngọc Quang