LTS: Bàn về chất lượng đào tạo hệ tại chức, trong bài viết trước thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã có bài: “Tại chức - chính quy, ai hơn ai?” thu hút được nhiều sự quan tâm.
Tiếp thu những thắc mắc, phản hồi từ phía độc giả; trong bài viết này thầy Đỗ Tấn Ngọc (một giáo viên ở Quảng Ngãi) tiếp tục có bài viết lý giải sâu hơn về loại hình đào tạo này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Bài viết: “Tại chức - chính quy, ai hơn ai?” của tôi đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 26/10/2015, đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc cả nước.
Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự lo lắng về chất lượng đào tạo cũng như giá trị thực của loại bằng tại chức trong thời gian qua.
Để giúp cho bạn đọc của báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hiểu thêm thực trạng của loại hình đạo tạo này, tôi tiếp tục có một số ý kiến trao đổi.
Trước hết, nên hiểu như thế nào là đào tạo tại chức?
Theo tiếng Việt định nghĩa như sau:
“Đây là loại hình đào tạo dành cho đại đa số người vừa học vừa làm để hoàn thiện kiến thức chuyên môn hoặc muốn học thêm một ngành khác với ngành mình đang làm.
Học tại chức thường học buổi tối, chương trình học cũng giống như Đại học chính quy, bằng được cấp là bằng tại chức”.
Chất lượng đào tạo tại chức đang ngày càng giảm lòng tin đối với các nhà tuyển dụng (Ảnh: tuoitre.vn) |
Tên gọi Đại học tại chức này được xuất phát từ các chương trình "chính sách" của ta sau ngày giải phóng để tạo điều kiện học tập cho những cán bộ đã phải "hy sinh" việc học của họ vào cuộc chiến đấu.
Hoà bình rồi, việc tạo điều kiện để họ tiếp tục học tập là lẽ đương nhiên và công bằng.
Hiện nay, phần lớn các chương trình đào tạo được chúng ta gọi là "tại chức" hiện nay đều là những chương trình đào tạo "không chính quy".
Về mặt luật pháp, bằng chính quy và bằng tại chức có giá trị ngang nhau.
Về mặt xã hội, hệ tại chức có giá trị tích cực vì học viên là người đang đi làm, họ có thể ứng dụng ngay những kiến thức mình đang học mà không cần đợi đến khi ra trường.
Xã hội phải thừa nhận việc học suốt đời của con người là định hướng của cả thế giới.
Khi người ta đã đi làm, một thời gian sau người ta cũng phải học nâng cao và học nhiều thứ khác, song không phải ai cũng có thể bỏ việc để đi học chính quy, cho nên có thể theo học hệ tại chức hoặc hàm thụ, chuyên tu.
Không thể phủ nhận rằng, có một số cán bộ, công viên chức học hành rất nghiêm túc, bài bản, trách nhiệm để có kiến thức, để làm việc, cống hiến tốt hơn cho xã hội, đất nước.
Ngoài việc phản đối cách “đối xử” thiếu công bằng đối với hệ tại chức ở một số địa phương trong thời gian qua thì dường như mọi ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, người sử dụng lao động, thậm chí cả người học đều thừa nhận rằng chất lượng hệ tại chức hiện nay rất có vấn đề.
Mặc dù dư luận xã hội đã “công kích” từ nhiều năm nay về chất lượng đào tạo của hệ tại chức nhưng chưa thấy có dấu hiệu tiến triển. Vậy đâu là nguyên nhân chính?
Thứ nhất, “miếng bánh lợi nhuận” quá béo bở!
Các nhà quản lý Giáo dục của Bộ và các trường Đại học… thừa biết chất lượng đào tạo hệ tại chức từ lâu đã tụt dốc nhưng vẫn cố tình phớt lờ, cho mở lớp tràn lan vì gắn với lợi ích.
Các trường Đại học, Cao đẳng và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, dạy nghề cấp tỉnh ở khắp nơi đua nhau tuyển sinh, dễ dàng bắt tay nhau hợp tác, liên kết “làm ăn” dài lâu.
Họ chạy theo số lượng, bằng cấp, phình to quy mô đào tạo tại chức chỉ với mục đích tăng thu nhập, các bên cùng được hưởng lợi.
Giáo viên các trường Đại học cũng lao vào “trận địa” này như con thiêu thân.
Dạy tại chức, giảng viên sướng như tiên, từ ăn, uống, ngủ nghỉ, tàu xe đều có các học viên lo cả; mỗi đợt dạy mang về nhà hàng chục triệu đồng, còn chế độ tiết dạy được cơ sở đào tạo thanh toán đầy đủ.
Lạm thu, bạo lực, dạy thêm...sao không hỏi ý kiến học trò? |
Hậu hĩnh như thế, giáo viên nào chẳng ham và ai nỡ “khó khăn” với các em.
Tất nhiên, trong quá trình giảng dạy và đánh giá các học phần, hầu hết giảng viên phải thể hiện tinh thần nhân nhượng, thỏa hiệp và “giúp đỡ” các học viên tại chức tối đa…
Cho nên, có những trường đại học trống giảng viên giỏi vì mải mê chạy theo tại chức, trong khi lại bỏ bê “mặt trận” chính là đào tạo chính quy và trách nhiệm nghiên cứu khoa học.
Tình trạng này không chỉ khiến “tại chức” có vấn đề mà “chính quy” cũng bị ảnh hưởng.
Nhiều trường Đại học từng xem đào tạo tại chức là nơi kiếm tiền, là “nồi cơm” của trường và giảng viên - một thực trạng đáng buồn!
Thứ hai, mục tiêu của người học tại chức không phải để có kiến thức và làm việc tốt hơn.
Đối tượng chủ yếu theo học tại chức là cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước, số ít còn lại là học sinh lớp 12 không thi đỗ vào các trường Đại học hệ chính quy, thuộc diện gia đình có quan hệ rộng, con ông cháu cha, vừa có tiền vừa có quyền, học xong là sẽ có ngay những suất biên chế, vị trí trong bộ máy công quyền.
Hiếm có mấy ai làm công nhân ở công ty này, công ty nọ lại đi học tại chức bao giờ?
Bởi công chức, viên chức đi học hệ này được chuyển ngạch, nâng lương và quy hoạch các chức danh lãnh đạo.
Mà học với mục đích như vậy cùng với cách quản lý lỏng lẻo, tháo khoán của các cơ sở đào tạo và các giáo viên thì chuyện thực học rất ít ỏi.
Phần lớn học viên học đối phó, thậm chí có người nghỉ học triền miên hoặc thuê người khác học, thi hộ, đến cuối khóa đến nhận tấm bằng Đại học như thường.
Mấy năm nay, việc chuyển ngạch lương có khó khăn, số người đi học tại chức có giảm; những công, viên chức trẻ tuổi có bằng tại chức, gặp “rào cản” không quy hoạch và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo thì lại đua nhau đi học Thạc sĩ.
Các trường Đại học, giảng viên lại có thêm “nồi cơm” ngon lành, đậm đà hơn.
Giá như các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở ta trả lương, bố trí cán bộ lãnh đạo theo năng lực và hiệu quả công việc thì làm gì có những câu chuyện bi hài về hệ tại chức - một loại sản phẩm tạo ra quá nhiều lỗi và không quan trọng với vô số người như vậy?
Học sinh, sinh viên đánh giá giáo viên, tại sao không? |
Dù thế nào đi nữa thì đào tạo tại chức vẫn cần thiết vì vừa đáp ứng nhu cầu xã hội vừa nâng cao dân trí nhưng phải nâng cao chất lượng.
Chúng tôi kiến nghị, đã đến lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiến hành việc tổng kết và đánh giá về hoạt động giáo dục của hệ đào tạo tại chức ở bậc Đại học, và từ đó đưa các giải pháp hữu hiệu.
Trước tiên, phải siết chặt đầu vào, không thể cứ tuyển sinh ồ ạt, liên kết tràn lan với các địa phương.
Mặt khác, cần thực hiện đúng chương trình như của chính quy, không được cắt xén, dồn ghép.
Những cơ sở đào tạo không đạt yêu cầu, quản lý lỏng lẻo, dạy - học, đánh giá, kiểm tra thiếu nghiêm túc, có nảy sinh tiêu cực thì cấp có thẩm quyền phải kiên quyết xử lý, phạt nặng và rút giấy phép vĩnh viễn.
Chừng nào miếng bánh “lợi nhuận”, “nồi cơm” ngon của nhiều đối tượng bị triệt tiêu, đẩy lùi thì chất lượng đào tạo ở hệ này mới có được niềm tin của xã hội.
Ai làm được việc này? Chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan chủ quản của ngành Giáo dục.