Giải pháp phát triển hệ thống các trường đại học tư thục Việt Nam

22/09/2018 06:22
Tiến sĩ Trần Văn Hùng
(GDVN) - Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, các trường đại học tư thục Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước và ngành giáo dục.

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, các trường đại học tư thục Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước nói chung, ngành giáo dục và đào tạo nói riêng.

Tuy nhiên, hệ thống đại học tư thục Việt Nam còn nhiều tồn tại và hạn chế cả về quy mô và chất lượng.

Do đó, để góp phần thực hiện tầm nhìn phát triển giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2030 trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cạnh tranh giáo dục đại học ngày càng quyết liệt thì hệ thống các trường đại học tư thục Việt Nam cần phải được đổi mới một cách căn bản, toàn diện theo định hướng hội nhập giáo dục đại học khu vực và thế giới.

Giải pháp phát triển hệ thống các trường đại học tư thục Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập giáo dục đại học quốc tế (Ảnh minh họa: Báo Hải quan).
Giải pháp phát triển hệ thống các trường đại học tư thục Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập giáo dục đại học quốc tế (Ảnh minh họa: Báo Hải quan).

Quá trình ra đời loại hình trường đại học tư thục ở Việt Nam sau năm 1975

Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện đất nước trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Từ đường lối đổi mới của Đảng, một số tổ chức và cá nhân đã chuẩn bị các đề án xin mở cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.

Năm 1988, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép xây dựng thí điểm Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long (nay là Trường đại học Thăng Long) tại Hà Nội.

Năm 1993, Ban Chấp hành trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa VII) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong đó khuyến khích mở các trường lớp dân lập và cho phép mở trường lớp tư thục ở giáo dục mầm non, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập 05 trường (Đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam với tên gọi đại học dân lập gồm 03 trường ở thành phố Hà Nội: Trường đại học dân lập Thăng Long, Trường đại học dân lập Phương Đông và Trường đại học dân lập Đông Đô; 01 trường ở thành phố Đà Nẵng: Trường đại học dân lập Duy Tân; 01 trường ở thành phố Hồ Chí Minh: Trường đại học dân lập Ngoại ngữ - Tin học.

Các trường đại học dân lập hoạt động theo Quy chế tạm thời, trường đại học dân lập được ban hành tại Quyết định số 196/QĐ-TCCB ngày 21/1/1994 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 1996, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 (khóa VIII) đã ban hành nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000.

Nghị quyết đã nêu rõ: “Phát triển các trường bán công, dân lập ở những nơi có điều kiện, từng bước mở các trường tư thục ở một số bậc học như: mầm non, phổ thông trung học (cấp III), trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, đại học”.

Triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, giai đoạn 2000 – 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 05 trường đại học dân lập.

Giải pháp phát triển hệ thống các trường đại học tư thục Việt Nam  ảnh 2Bảo đảm không gian phát triển bình đẳng cho mọi đại học

Các trường đại học dân lập hoạt động theo Quy chế trường đại học dân lập do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 18/7/2000 tại Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg.

Ngày 14/06/2005, Quốc hội khóa XI thông qua Luật Giáo dục.

Tại Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/08/2006 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, loại hình trường đại học bán công và dân lập bị xoá bỏ trên văn bản, chỉ còn một loại hình trường đại học ngoài công lập duy nhất là trường đại học tư thục.

Thực hiện Luật Giáo dục, ngày 17/01/2005, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục tại Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg (Quy chế này được thay thế bằng quy chế mới tại Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/04/2009 của Thủ tướng chính phủ).

Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg đã được sửa đổi và bổ sung tại Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Những văn bản pháp lý này là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của 38 trường đại học tư thục từ năm 2006 đến nay.

Như vậy, quá trình ra đời loại hình trường đại học tư thục Việt Nam trải qua 04 giai đoạn gồm:

i) Giai đoạn 1988 – 1993: xác định mô hình trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam;

ii) Giai đoạn 1994 – 1999: xây dựng và phát triển đại học ngoài công lập theo Quy chế tạm thời trường đại học dân lập được ban hành tại Quyết định số 196/QĐ-TCCB ngày 21/1/1994 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

iii) Giai đoạn 2000 – 2005: xây dựng và phát triển trường đại học ngoài công lập theo Quy chế trường đại học dân lập tại Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg ngày 18/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ;

iv) Giai đoạn 2005 đến nay: xây dựng và phát triển trường đại học tư thục theo các Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/04/2009 của Thủ tướng chính phủ (được sửa đổi và bổ sung tại Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

Những thành tựu và hạn chế của hệ thống đại học tư thục Việt Nam

Những thành tựu 

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách quan trọng nhằm phát triển giáo dục đại học ngoài công lập nói chung, các trường đại học tư thục nói riêng.

Những chính sách đó đã giúp phát triển về quy mô các trường đại học ngoài công lập.

Năm 1987, cả nước có 63 trường đại học nhưng không có trường đại học ngoài công lập nào; năm 1997, có 15 trường đại học ngoài công lập trong tổng số 62 trường đại học, chiếm 24.1%; đến tháng 9/2009, có 44 trường đại học ngoài công lập trong tổng số 150 trường đại học, chiếm tỷ lệ 29.3% [1].

Giải pháp phát triển hệ thống các trường đại học tư thục Việt Nam  ảnh 3Chuyện Giáo sư Thành và nút thắt quản lý trường đại học tư thục

Đến nay, Việt Nam có 60 trường đại học ngoài công lập chiếm tỷ lệ khoảng 25.0% trong tổng số trường đại học, học viện của cả nước (235 trường đại học, học viên - gọi chung là các trường đại học, không tính các trường thuộc khối An ninh – Quốc phòng) [6].

Hiện còn một vài trường đại học dân lập đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình đại học tư thục nên trong bài viết này chúng tôi gọi chung 60 trường đại học ngoài công lập là trường đại học tư thục.

60 trường đại học tư thục của Việt Nam có mặt ở 29/63 tỉnh/thành, miền Bắc có 23 trường, miền Trung – Tây nguyên có 12 trường và miền Nam có 25 trường.

Trong đó, thành phố Hà Nội có số lượng nhiều nhất là 13 trường, tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh có 12 trường. Trong 60 trường đại học tư thục, có 05 trường có thời gian thành lập gần 25 năm.

Về quy mô sinh viên các trường đại học tư thục: chiếm từ 12.0% đến hơn 13.0% trong tổng số sinh viên bậc đại học của cả nước trong nhiều năm qua.

Ví dụ, năm học 2005-2006, cả nước có 1.087.183 sinh viên trong đó sinh viên ở các trường đại học tư thục là 138.302, chiếm tỷ lệ 12.71%; năm học 2016 – 2017 có 243.975/1.767.879 sinh viên, đạt tỷ lệ 13.80%); về đội ngũ giáo viên: năm học 2016 – 2017, các trường đại học trong cả nước có 72.792 giáo viên trong đó có 15.158 giáo viên thuộc các trường đại học tư thục, chiếm tỷ lệ 20.80% [5].

Về cơ sở vật chất, xét trên toàn hệ thống, đây là điểm mạnh của các trường đại học tư thục, kể cả khi so sánh với cơ sở vật chất của một số trường đại học công lập; về tài chính, tình hình tài chính của các trường đại học tư thục được đánh giá là ổn định, được người lao động và các bên liên quan đánh giá khá cao, năm 2016 tổng nộp ngân sách nhà nước của 43 trường đạt hơn 111 tỷ đồng [2].

Với những thành tựu trên có thể khẳng định rằng, sau gần 25 năm phát triển, các trường đại học tư thục đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, cung cấp hàng trăm ngàn nhân lực có trình độ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đóng góp tài chính và giảm bớt gánh nặng đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Ví dụ, mỗi năm Nhà nước chi cho mỗi sinh viên trường đại học công lập khoảng 25 triệu đồng/năm thì với 243.975 sinh viên các trường đại học tư thục trong năm học 2016 – 2017 số tiền nếu phải chi là hơn 6.000 tỷ đồng/năm.

Những hạn chế và bất cập

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh những điểm sáng về phát triển còn một số trường đại học ngoài công lập “tụt hậu” so với mặt bằng chung của các trường đại học ngoài công lập [2].

Còn theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, giáo dục đại học ngoài công lập nói chung, trường đại học tư thục nói riêng ở Việt Nam có những hạn chế bất cập xuất phát từ yếu tố khách quan là việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách cũng như trong công tác quản lý nhà nước, và yếu tố chủ quan là việc thực hiện cam kết nêu trong đề án thành lập trường còn chậm và gặp nhiều khó khăn, một số quy định về tuyển sinh, chế độ tài chính chưa được một số trường tuân thủ đầy đủ…[3].

Giải pháp phát triển hệ thống các trường đại học tư thục Việt Nam  ảnh 4Giáo dục đại học tư thục là một trong hai cánh của một con đại bàng

Dưới góc độ hội nhập quốc tế, hệ thống các trường đại học tư thục Việt Nam phát triển không theo xu thế phát triển của các nước có nền giáo dục đại học phát triển trong khu vực.

Ví dụ, Nhật Bản có 599 trường đại học tư thục trong tổng số 780 trường, chiếm tỷ lệ 76.79%, quy mô sinh viên đại học tư thục chiếm 77.6% [8]; Malaysia có 67 trường đại học trong đó có 47 trường đại học tư thục, chiếm tỷ lệ 78.33%, quy mô sinh viên chiếm hơn 50% [4].

Về chất lượng, các trường đại học tư thục Việt Nam chưa có mặt trong các bảng xếp hạng đại học có uy tín của thế giới, trong khi đó Malaysia có 5 trường đại học tư thục được xếp hạng trong bảng xếp hạng QS World 2019, có 11 trường đại học tư thục được xếp hạng trong bảng xếp hạng của QS Asia 2018 [7].

Giải pháp phát triển đại học tư thục Việt Nam

Hệ thống đại học tư thục đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách công ngày càng khó khăn, Đảng ta đang đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết TW6 (khóa XII) về tiếp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Do đó, phát triển hệ thống đại học tư thục Việt Nam là yêu cầu cấp bách và cần được thực hiện bởi những giải pháp mang tính đột phá.

Thứ nhất, tăng quy mô hệ thống đại học tư thục

Để hệ thống đại học tư thục Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế của khu vực và thế giới, cần thiết phải nâng quy mô đào tạo của hệ thống này lên ít nhất là 40% (hiện mới chỉ ở mức hơn 13%) như đã xác định trong quy hoạch mạng lưới các trường đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 (chỉ tiêu này đã không còn được đề cập trong bản quy hoạch được điều chỉnh năm 2013).

Để thực hiện giải pháp này, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cần triển khai triệt để các chính sách ưu đãi đối với trường đại học tư thục đã được nêu trong nhiều nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt là ưu đãi về đất đai và tài chính.

Mặt khác, cần sắp xếp lại hệ thống trường đại học công lập theo hướng tinh gọn và hiệu quả.

Theo đó, sắp xếp lại các trường đại học công lập có chất lượng thấp, giảm quy mô đào tạo của 02 đại học quốc gia, 03 đại học vùng và 15 trường đại học khác thuộc nhóm đại học nghiên cứu trọng điểm quốc gia vì đây là những đại học được quy hoạch với nhiệm vụ nghiên cứu là chính.

Hai là, quy hoạch và đầu tư phát triển một số trường đại học tư thục trọng điểm

Có nhiều trường đại học có vị trí trong các bảng xếp hạng các trường đại học ở cấp độ khu vực và thế giới như là sự khẳng định về chất lượng và năng lực cạnh tranh, hội nhập của toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cũng như của từng trường.

Để thực hiện điều này, Chính phủ cần quy hoạch các trường đại học có khả năng được xếp hạng khu vực và thế giới để giao nhiệm vụ và đầu tư lớn về mặt tài chính trong đó có trường đại học tư thục vì hiện nay có một số trường đại học tư thục có số năm thành lập cao trong hệ thống đại học tư thục Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu trong và ngoài nước như Trường đại học Duy Tân, Trường đại học Thăng Long hay Trường đại học Nguyễn Tất Thành… một số trường đại học tư thục mới được thành lập có tầm nhìn đầy tham vọng và có tiềm năng lớn về nguồn lực để thực hiện tầm nhìn đó.

Giải pháp phát triển hệ thống các trường đại học tư thục Việt Nam  ảnh 5Sửa Luật Giáo dục đại học phải bỏ được phân biệt đối xử trường công - trường tư

Ba là, trao quyền tự chủ tối đa cho các trường đại học tư thục

Trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm tối đa cho các các trường đại học tư thục để các trường chủ động cao trong cạnh tranh với các đại học nước ngoài và thích ứng kịp thời với những chuyển biến mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra.

Hiện nay, các trường đại học tư thục đang bị hạn chế tốc độ phát triển bởi nhiều quy định đặc biệt là trong lĩnh vực tuyển sinh và phát triển ngành nghề đào tạo.

Bốn là, đối với các trường đại học tư thục cần đẩy mạnh tính cạnh tranh

Các trường đại học tư thục Việt Nam cần phải khẳng định như là một chủ thể quan trọng trong việc thực hiện tầm nhìn, chiến lược phát triển đất nước cũng phát triển giáo dục đại học quốc gia trong bối cảnh mới là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nghĩa là, các trường đại học tư thục Việt Nam phải luôn xác định cần phải cạnh tranh không chỉ với các trường đại học trong hệ thống đại học tư thục mà còn là với các trường đại học công lập có uy tín trong nước và các trường đại học có uy tín ở khu vực Châu Á.

Muốn vậy, các trường đại học tư thục Việt Nam cần thiết lập lại tầm nhìn và mục tiêu phát triển mới theo định hướng hội nhập quốc tế và cạnh tranh với các trường đại học của khu vực và trên thế giới trong đó có mục tiêu đạt được vị trí xếp hạng đại học khu vực và thế giới, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp chuyển đổi một cách căn bản, toàn diện trên tất cả các phương diện.

Qua gần 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển, có thể khẳng định rằng hệ thống đại học tư thục đã tạo dựng được nền tảng quan trọng để phát triển một cách mạnh mẽ, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.  

Tài liệu tham khảo:

[1]Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Báo cáo số 760 /BC-BGDĐT ngày 29/10/2009 về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

[2]Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu các trường đại học ngoài công lập, Tp. Hồ Chí Minh.

[3 ]Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (2013), Báo cáo tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam (1993 – 2013).

[4]https://www.moe.gov.my/index.php/en/

[5]https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ke.aspx

[6]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhung-con-so-biet-noi-ve-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-389870.html

[7]https://www.topuniversities.com/

[8]Ministry of Education, Culture, Sports, Science and Technology (2011), Higher Education in Japan, Tokyo.

Tiến sĩ Trần Văn Hùng