20/11 và nỗi niềm giáo viên môn phụ

17/11/2018 06:29
Phan Tuyết
(GDVN) - Các em học sinh hồ hởi chạy vào thăm những thầy cô dạy Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh…tuyệt nhiên không ai hỏi thăm những thầy cô “môn phụ” một tiếng.

LTS: Cho rằng, nhiều bậc phụ huynh cũng như các em học sinh đang có sự phân biệt giữa “môn chính, môn phụ", tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 20/11 hàng năm, là ngày tràn ngập hoa, tiếng cười và những lời chúc của phụ huynh, các em học sinh, dành cho quý thầy cô giáo của mình, nhưng dường như tất cả những điều đó đã trở nên “xa vời” với những thầy cô giáo dạy “môn phụ”.

Mặc dù trong nhà trường, không ai quy định “môn chính” và “môn phụ” nhưng cách gọi và suy nghĩ ấy, vẫn ngang nhiên tồn tại trong ý nghĩ tất cả mọi người.

Nhiều lúc chạnh lòng

Trước kia khi còn ở khu tập thể giáo viên, cứ vào sáng 20/11 sau khi dự lễ kỉ niệm ở trường xong, một số thầy cô giáo dạy cấp 2 thường “cửa đóng then cài” rủ nhau đi chơi.

Tò mò, tôi hỏi một thầy giáo: “Sao các thầy, cô không ở nhà, lỡ học sinh tới chơi thì sao”? Nhìn tôi cười buồn, thầy giáo nói: “Chả ai đến đâu em ơi, đi cho vui, chứ ở nhà càng thấy buồn hơn”.

20/11 và nỗi niềm giáo viên môn phụ ảnh 1Nỗi buồn lặng lẽ của thầy cô trong ngày 20/11

Nghe nói thế, tôi chợt nhận ra những thầy cô giáo ấy, toàn dạy những môn học mà mọi người thường gọi là “môn phụ”.

Buổi lễ trên trường kết thúc, từng tốp học sinh chạy ùa tới, vây kín một số thầy cô, người tặng hoa, tặng quà…

Có nhiều cô thầy ôm hoa không hết, nhưng nhìn lại một số thầy cô giáo khác, một nhành hoa cũng không có được.

Khoảng tầm trưa, học sinh bắt đầu đổ về khu tập thể khá đông, trên tay các em là những bó hoa, những món quà, chúng hồ hởi chạy vào thăm những thầy cô dạy Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh…tuyệt nhiên không ai hỏi thăm những thầy cô “môn phụ” một tiếng.

Có thầy H. dạy sử, vì có cháu nhỏ nên thầy không đi chơi và ở nhà nhưng không có một bóng học trò nào vào thăm thầy cả, nói gì đến tặng quà, dù các em học sinh vào phòng mấy thầy cô “môn chính” ở sát ngay vách nhà thầy, hết tốp này, đến tốp khác.

Hình như không có quà, các em cũng ngại, nhiều em gặp thầy ngay cửa, cúi chào với vẻ không tự nhiên, rồi đi luôn.

Với giọng buồn buồn thầy chia sẻ: Mình không mong ngày 20/11 nhận được quà từ các em học sinh, nhưng giá các em cứ vào nhà chơi, tặng thầy bó hoa hoặc chỉ cần những lời chúc mừng, cũng thấy nghẹn ngào, xúc động và hạnh phúc vô cùng.

Tôi chợt hiểu vì sao, một lần nhìn thấy thầy H. luýnh quýnh vì mừng, khi thấy đám học trò cũ đang học lớp 12 tới thăm, mặc dù các em không mang theo món quà nào cả.

Tới thăm thầy cô giáo, ai cũng muốn bày tỏ tấm lòng thành, lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ mình.

Cái đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được tồn tại bao đời, bỗng nhiên nhuốm màu kinh tế của sự toan tính, nhiều bậc phụ huynh cũng như các em học sinh đang có sự phân biệt giữa “chính, phụ”.

Giáo viên vui mừng khi nhận được tấm lòng, tình cảm tri ân của học sinh ngày 20/11 (Ảnh: tác giả cung cấp).
Giáo viên vui mừng khi nhận được tấm lòng, tình cảm tri ân của học sinh ngày 20/11 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Vì thế, tình cảm của các em dành cho thầy cô không còn vô tư, trong sáng, nó được đong đếm qua từng món quà, là sự thể hiện hàm ơn giả dối, đầy tính toán của người tặng.

Nếu ai cũng hiểu món quà lớn nhất thầy cô mong nhận được là tấm lòng thành của các em học sinh, chứ không nằm ở giá trị quà lớn hay bé.

Vài năm trở lại đây, trong ngày 20/11, các trường học đã làm lễ và phân công lớp lên tặng hoa cho những thầy cô giáo đã dạy lớp mình, mà không phân biệt môn nào hết.

Với cách làm này tuy miễn cưỡng, nhưng một số thầy cô cũng thấy đỡ buồn khi ngày kỉ niệm của mình vắng hoa, vắng cả những lời chúc.

Phan Tuyết