Năm 2018, Quốc hội đã có nhiều đổi mới để thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước.
Cùng phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam điểm lại top 10 sự kiện ấn tượng của Quốc hội năm 2018.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ. Ảnh: TTXVN. |
1/ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đắc cử Chủ tịch nước
Ngày 23/10, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngay sau đó, tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ nhậm chức.
Phát biểu tại lễ nhậm chức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: "Đây là vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời là trách nhiệm hết sức nặng nề đối với tôi. Tôi xin nỗ lực cố gắng thực hiện những lời mà tôi vừa tuyên thệ".
Tiếp đó, Chủ tịch nước phát biểu một vài ý kiến "có tính chất báo cáo thêm với Quốc hội và giãi bày đôi chút về tâm tư, tình cảm của mình trước sự kiện này"
Tân Chủ tịch nước chia sẻ tâm trạng ngay lúc đó là "vừa mừng, vừa lo".
"Mừng vì được Quốc hội, nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ, nhưng lo vì làm thế nào để hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình trước đất nước", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Báo Giao thông |
2/ Ông Nguyễn Mạnh Hùng chính thức giữ chức Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông
Ngày 24/10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bằng bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ này.
Nghị quyết được biểu quyết thông qua với 461/469 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 95,05% tổng số đại biểu) tán thành, nêu rõ: Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất. Ảnh: Quochoi.vn |
3/ Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm
Ngày 25/10 trong khuôn khổ chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6, 100% đại biểu có mặt tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Theo kết quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 437 phiếu, chiếm 90,1%).
Bà cũng được 34 đại biểu đánh giá tín nhiệm (chiếm 7,01%) và 4 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (0,82%).
Người được đánh giá tín nhiệm cao thứ hai là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông được 393 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao (81,03%), 68 đại biểu đánh giá tín nhiệm (14,02%) và 14 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (2,89%).
Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ là người có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ được 137 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, 194 đại biểu đánh giá tín nhiệm và 140 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao.
Xếp áp chót là Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Ông Thể được 107 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, 221 đại biểu đánh giá tín nhiệm, 142 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao.
Các đại biểu tiến hành biểu quyết. Ảnh: TTXVN |
4/ Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)
Ngày 20/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Đây là dự án Luật được rất nhiều đại biểu, cử tri quan tâm.
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
Công bố kế hoạch kiểm tra công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng |
Theo đó, luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư; khắc phục hạn chế, bất cập được phát hiện qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, từ quy định về biện pháp phòng ngừa cho tới các quy định về phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Về xử lý tài sản không giải trình được rõ nguồn gốc, do các ý kiến đại biểu còn phân tán và rất khác nhau nên Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vẫn giữ nguyên theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành.
Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.
5/ Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Ngày 12/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta nhằm tranh thủ thời cơ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
CPTPP được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.
Các nước thành viên CPTPP tạo thành một thị trường rộng lớn với 500 triệu dân, chiếm khoảng 15% GDP, 15% tổng thương mại toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quochoi.vn |
6/ Kỷ lục về số thành viên Chính phủ trả lời chất vấn
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.
Tổng cộng đã có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và có 82 lượt đại biểu tranh luận, các thành viên Chính phủ, trong đó có 19 bộ trưởng, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bài báo cáo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn.
7/ Quốc hội thông qua Luật Giáo dục đại học
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo đó, Luật sửa đổi đã mở rộng phạm vi tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.
Nếu như trước đây, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học được quy định một cách chung chung, giới hạn ở một số lĩnh vực thì nay quyền này đã được mở rộng hơn nhiều.
Các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ chuyên môn, nhân sự, tài chính.
Cùng với đó, nếu như trước đây hiệu trưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận thì kể từ 1/7/2019 hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.
Dù phải còn 7 tháng nữa Luật sửa đổi mới có hiệu lực nhưng quy định không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng đang gây tranh cãi rất nhiều.
Theo đó, Luật Theo quy định tại khoản 23 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, cụ thể:
Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương.
Như vậy, quy định mới ghi nhận bằng cử nhân là văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, không quy định hình thức đào tạo trên văn bằng.
Do đó, từ ngày 01/7/2019, bằng đại học dù được đào tạo chính quy hay tại chức, từ xa, liên thông,... có giá trị ngang nhau.
8/ Quốc hội đổi mới chất vấn theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên phiên chất vấn tại Quốc hội được đổi mới theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”.
Cụ thể, mỗi đại biểu chất vấn chỉ được đặt câu hỏi không quá 1 phút thay vì 2 phút như các kỳ họp trước.
Sau khi 3 đại biểu chất vấn thì Bộ trưởng được chất vấn sẽ trả lời luôn, thay vì 5 đại biểu đặt câu hỏi như trước.
Thời gian trả lời của mỗi Bộ trưởng cũng được rút ngắn, không quá 3 phút mỗi câu hỏi.
Ảnh minh họa: Quochoi.vn |
9/ Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng
Ngày 12/6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ 86,86%.
Luật gồm 7 chương, 43 điều. Luật An ninh mạng được ban hành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời, phải phù hợp với thực tiễn, khả thi, tránh sự lạm dụng, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp.
Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
10/ Quốc hội quyết lùi dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc
Với đa số tán thành, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5 của Quốc hội quyết định lùi thời gian thông qua dự án luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, nhân dân.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017, dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được trình ra Quốc hội.