15 năm qua trường ĐH KD&CN đã làm được nhiều việc lớn

03/12/2011 07:00
PV
(GDVN) - Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập trường ĐH KD&CN Hà Nội, Giáo sư Trần Hồng Quân đã có bài phát biểu chúc mừng Gs Trần Phương và nhà trường.

LTS: Trong bài phát biểu, GS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập Việt Nam đã đề cập nhiều đến thực trạng phát triển các trường ĐH Ngoài công lập ở Việt Nam hiện nay, tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Malaysia và có nêu một số ý kiến đề xuất nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa công cuộc tư thục hóa các trường Đại học ở Việt Nam. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích đăng toàn văn bài phát biểu này để bạn đọc tham khảo.

15 năm qua trường ĐH KD&CN đã làm được nhiều việc lớn ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhì 
cho Trường Đại học Kinh doanh-Công nghệ Hà Nội

Thưa các quý vị đại biểu, thưa các đồng chí, các thầy cô và sinh viên !

Trước hết tôi xin có lời chúc mừng nồng nhiệt đến GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng, Hiệu trưởng trường đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà nội với phần thưởng cao quý Huân chương Hồ Chí Minh, kính chúc Giáo sư , bậc trưởng lão khả kính, đại thọ để tiếp tục đóng góp cho đất nước. Tôi có lời chúc mừng nồng nhiệt đến tất cả các thầy cô giáo và toàn thể cán bộ nhân viên và sinh viên nhà trường, nhân dịp trường tròn 15 tuổi với Huân chương Lao động hạng Nhì!

Mười lăm tuổi đối với một người là còn quá trẻ, đối với một trường đại học càng trẻ hơn. Nhưng trong 15 năm qua, trường ĐH KH& CN HN đã làm được nhiều việc to lớn.

Từ tay không, hoàn toàn không có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, mà đã xây dựng được cơ ngơi như ta đang thấy và cả phần ở Bắc Ninh mà hôm nay trong phạm vi Hà Nội ta chưa tận mắt thấy. Chỉ 15 năm đã xây dựng được đội ngũ khá mạnh, trong đó có nhiều giáo sư đầu đàn của một số lĩnh vực kinh tế, đã có quy mô đào tạo tương đối lớn. Đặc biệt đã tạo được uy tín về chất lượng đào tạo mà xã hội  thừa nhận, nhiều doanh nghiệp sử dụng sinh viên tốt nghiệp của nhà trường đã ca ngợi, nhất là khen về kỹ năng làm việc.Đại học Kinh doanh và CNHN đã trở thành một trường mạnh trong hệ thống đại học nước nhà. Đây là một dẫn chứng hùng hồn về chủ trương xã hội hóa giáo dục đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Khi xây dựng các trường đại học, cao đẳng NCL, xã hội đã kỳ vọng vào hai sứ mạng của nó:

Một là, huy động thêm nguồn lực của xã hội để chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước mà phát triển nhanh chóng sự nghiệp giáo dục;

Hai là, hình thành và từng bước cải tiến mô hình đại học tự chủ, với động lực tự thân mà phát triển một cách năng động sáng tạo, trước mắt làm đối chứng với mô hình quản lý bị gò bó và có phần trì trệ, khó năng động ở các trường công lập.

Điều này trường đại học KD&CNHN đáng được ca ngợi, dù rằng quyền tự chủ vẫn còn rất hạn chế.

Trong cộng đồng các trường ĐH NCL, vấn đề góp vồn, vấn đề sở hữu rất đa dạng. Trường ĐH KD&CNHN là một mô hình mới, khác biệt về sở hữu, về lợi ích, về lộ trình phát triển, về tổ chức, với cơ chế làm chủ ...đều có những khác biệt, mang tính điển hình, đáng được nghiên cứu rút ra những bài học cho mô hình trường đại học tư thục phi lợi nhuận.

Giáo sư Trần Hồng Quân, một người hết mình vì sự nghiệp giáo dục nước nhà

Thưa các đồng chí!

Sau 15 năm xây dựng và hoạt động, trường ĐH KD&CNHN, tuy đã tự khẳng định được học hiệu, uy tín của mình, nhưng cũng như các trường NCL khác, nhà trường cũng đang đầy khó khăn. Khách quan thì do nước ta còn nghèo, dân ta còn nghèo nên trường cũng còn nghèo. Chủ quan là có những khó khăn do con người tạo ra. Với nhà trường thì đó là khó khăn khách quan, nhưng với cả hệ thồng chính trị xã hội thì đó là trách nhiệm chủ quan. Khó khăn sẽ được khắc phục cơ bản nếu, tư duy được thông suốt, triết lý được rõ ràng.

Hoạt động giáo dục là nhằm hoàn thiện nhân cách và nâng cao năng lực con người, đem lại lợi ích trực tiếp cho  từng cá nhân và lợi ích gián tiếp cho xã hội. Trả phí cho giáo dục như là đầu tư cho tương lai, do vậy cá nhân và nhà nước phải cùng chia sẻ chi phí giáo dục. Ở các bậc học thấp, ý nghĩa hoàn thiện nhân cách lớn hơn, xây đựng các thế hệ công dân tốt cho xã hội, do đó nhà nước nên gánh phần lớn chi phí cho giáo dục, vì vậy ở các bậc học này nên xây dựng  chủ yếu là các trường công lập, miễn hoặc giảm học phí. Ở các bậc học cuối như dạy nghề, TCCN, cao đẳng, đại học, nhiệm vụ nâng cao năng lực lao động là yêu cầu chủ yếu, do đó cá nhân phải trả phí đào tạo là chủ yếu và nên xây dựng phần lớn là cac trường ngoài công lập.

Sau khi cải cách giáo dục đại học 10 năm, Hàn Quốc chỉ còn 20% sinh viên đại học và 4 % sinh viên cao đẳng học trong các trường công lập (Việt Nam hiện nay là 85%). Sau hơn 10 năm đổi mới giáo dục đại học ở Malaysia cũng vậy, trong hơn 500 trường đại học và cao đẳng của họ, phần lớn là các trường NCL. Còn ta hiện nay trong số 412 trường ĐH, CĐ, chỉ có 81 trường NCL, sinh viên NCL chỉ chiếm 14,7 %. Mà trên thực tế các trường NCL chưa được cổ vũ đúng mức cho sự phát triển. Hôm nay, chúng ta có dịp nhìn thấy tận mắt thành tựu không thể bỏ qua của một trường ĐH NCL.

Sự phân biệt đối xử đối với trường NCL đã được nói nhiều, vấn đề là ở chiều sâu tư duy. Mặt khác, sự phân biệt đối xử quan trong nhất là đối xử với sinh viên. Họ đều là con em nhân dân VN, là công dân cả, gia đình họ cũng phải đóng thuế, họ cần được quan tâm, đối xử công bằng.

Tùy theo khả năng ngân sách, nhà nước định gánh vác chi phí  đào tạo cho mỗi sinh viên/ năm là bao nhiêu, thì nên đối xử công bằng, cho sinh viên công lập và NCL đều được hưởng như nhau.

Hiện nay sinh viên học trường công lập được hưởng hỗ trợ từ nhà nước 60-70% kinh phí đào tạo; trong khi sinh viên NCL là 00%, họ phải tự chi trả 100% chi phí đó. Chưa kể SV NCL còn gánh chịu phần thuế do nhà trường NCL phải đóng thuế doanh thu, thuế đó lại phải bổ váo đầu các sinh viên thôi.

Tôi tin rằng, các quan điểm đúng, lý lẽ đúng trước sau thế nào cũng sẽ được công nhận. Dù phía trước khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng với sự nỗ lực cao của các trường NCL, tôi nghĩ khoảng 5-7 năm nữa, trường ĐH Kinh doanh và CNHN cùng một số trường NCL khác, nhờ các yếu tố yếu tố năng động vốn có của nó, nhờ phù hợp trào lưu chung, mà sẽ vươn lên top đầu của nền đại học nước ta.

Kính chúc GS Trần Phương dồi dào sức khỏe, chúc tất cả các đồng chí khỏe mạnh để chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà phát triển!

PV