Nội dung giáo dục địa phương ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xem như 1 môn học và được phân bổ 35 tiết/ năm học, tương đương mỗi tuần sẽ có 1 tiết nhưng có tới 6 phân môn khác nhau đảm nhận việc giảng dạy.
Trong khi đó, theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT- BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông thì trong các phân môn này, có phân môn được hướng dẫn là lấy kết quả bằng nhận xét, có phân môn kết hợp cả điểm số và nhận xét.
Chính vì thế, việc kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, vào điểm, nhận xét vào sổ điểm, học bạ cho học trò có thể còn phức tạp hơn các môn Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Lịch sử và Địa lý vì nội dung giáo dục địa phương ít tiết mà đông người dạy hơn.
Thế nhưng, theo hướng dẫn của Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH về chuyên môn đối với lớp 6 ở năm học này cũng chưa thật sự rõ ràng, cụ thể.
Học sinh ở Khánh Hòa tham quan Khu tưởng niệm Bác Hồ ở xã Phước Đồng (Ảnh minh họa: Báo Khánh Hòa). |
Nội dung giáo dục địa phương ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện như thế nào?
Cũng giống như chương trình giáo dục phổ thông 2006, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thêm nội dung giáo dục địa phương. Điều này phù hợp với thực tế và chỉ đạo tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Song, khác với chương trình 2006, những nội dung giáo dục địa phương được dạy đan xen trong môn học chính khóa thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại có cách làm hoàn toàn mới.
Đó là, nội dung giáo dục địa phương được xem như một môn học độc lập nhưng nó có tới 6 phân môn khác nhau, bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật và được phân bổ 35 tiết/ năm học.
Trong đó, phân môn Ngữ văn có 8 tiết; Lịch sử 6 tiết; Địa lí 6 tiết; Giáo dục công dân 5 tiết, Âm nhạc 5 tiết, Mĩ thuật 5 tiết. Như vậy, nội dung giáo dục địa phương có tới 6 giáo viên dạy.
Nhìn vào số tiết (35 tiết) mà có tới 6 giáo viên dạy và tất nhiên là kết quả sẽ chung với nhau thì rõ ràng môn học này cũng phức tạp không kém gì môn Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Lịch sử và Địa lý mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập trong thời gian qua.
Bộ hướng dẫn dạy và kiểm tra nội dung giáo dục địa phương ra sao?
Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH Triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 và hướng dẫn về nội dung giáo dục địa phương như sau:
“a) Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương. Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực của giáo viên.
b) Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.
c) Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá”.
Tiếp theo, ngày 27/8/2021, Bộ ban hành Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022 và hướng dẫn nội dung giáo dục địa phương như sau:
“Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương: giáo viên được phân công dạy học nội dung nào thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với nội dung đó; khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.
Hiệu trưởng giao cho một giáo viên trong số các giáo viên được phân công dạy học chủ trì, thống nhất với các giáo viên còn lại để quyết định việc chọn 02 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì theo quy định”.
Căn cứ vào hướng dẫn của Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH, Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH và của Sở, Phòng Giáo dục thì các nhà trường chia ra mỗi học kỳ dạy 3 phân môn.
Học kỳ I, dạy phân môn Ngữ văn, Âm nhạc, Mĩ thuật (18 tiết); Học kỳ II dạy phân môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (17 tiết)- tương đương với số tuần của năm học. Và, thực tế, việc 6 giáo viên dạy 1 môn học thì dù có bất cập nhưng vẫn thực hiện được vì phân môn của ai người đó dạy.
Nhưng, bất cập sẽ xảy ra khi kiểm tra bởi theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông thì những môn học có 35 tiết/năm học sẽ có 2 cột điểm thường xuyên.
Cũng theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT thì việc đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Thế nhưng, mỗi học kỳ có tới 3 phân môn mà lấy 2 cột điểm thường xuyên thì bỏ phân môn nào, lấy phân môn nào?
Trong khi, Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Hiệu trưởng giao cho một giáo viên trong số các giáo viên được phân công dạy học chủ trì, thống nhất với các giáo viên còn lại để quyết định việc chọn 02 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì theo quy định”.
Vậy là Bộ mới hướng dẫn bài kiểm tra thường xuyên còn khi kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) các phân môn này chia tỉ lệ ra sao vẫn chưa cụ thể, rõ ràng?
Thế nhưng, theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT thì phân môn Âm nhạc và Mĩ thuật được hướng dẫn đánh giá bằng nhận xét (Đạt, Chưa đạt), các phân môn còn lại thì đánh giá bằng điểm số (số thập phân) kết hợp với nhận xét (phẩm chất và năng lực).
Vì vậy, nếu so sánh với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đánh giá bằng điểm số, kết hợp với nhận xét, môn Nghệ thuật đánh giá bằng nhận xét dù sao vẫn dễ hơn bởi điểm số đi với điểm số, nhận xét đi với nhận xét.
Riêng nội dung giáo dục địa phương thì có 2 phân môn đánh giá bằng nhận xét, vừa đánh giá bằng điểm số thì cộng thế nào để cho ra kết quả chung?
Đôi điều kiến nghị
Chúng tôi không hình dung nổi sẽ cộng trừ thế nào để ra kết quả nội dung giáo dục địa phương. Chẳng hạn: kiểm tra thường xuyên (2 cột điểm) phân môn Ngữ văn thì học sinh được 8,0 điểm, phân môn Âm nhạc hoặc Mĩ thuật được đánh giá là “Đạt” thì kết quả học kỳ sẽ ra sao?
Bài kiểm tra định kỳ (2 cột điểm) thì phân chia như thế nào khi phân môn Ngữ văn là tự luận, phân môn Mĩ thuật thì vẽ trên giấy, phân môn Âm nhạc thì hát thì chia tỉ lệ ra sao? Kiểm tra cùng một thời kiểm chắc không được mà kiểm tra 3 thời điểm thì lại càng phức tạp vì 3 phân môn chỉ có 18 tiết.
Là những giáo viên đang dạy tại trường phổ thông, bản thân chúng tôi không sợ khó, sợ khổ và luôn mong muốn việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ thành công. Nhưng, chúng tôi cho rằng việc chương trình giáo dục phổ thông 2018 gộp 6 phân môn vào nội dung giáo dục địa phương là chưa hợp lý khi kiểm tra, cộng kết quả và nhận xét cho môn học này.
Bởi lẽ, nó phức tạp và rắc rối vô cùng khi đánh giá kết quả học tập có phân môn cho điểm, phân môn nhận xét. Vì thế, Bộ nên chủ trương đưa các phân môn này về các môn học như chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ phù hợp hơn, giáo viên cũng dễ dạy, dễ kiểm tra và tất nhiên những rối rắm sẽ được tháo gỡ tức thì.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.