Các thầy cô cần đặt câu hỏi tại sao các em sợ học Toán?

09/05/2018 09:05
Lại Cường
(GDVN) - Cô giáo Ánh Tuyết cho rằng các thầy cô cần phải hướng đến nhiều ứng dụng thực tế của môn Toán hơn để các em có hứng thú trong việc học toán.

Ngày 5/5 bên lề hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, trường Trung học phổ thông Đoan Hùng (Phú Thọ), phóng viên đã có cuộc trao đổi với cô giáo Hoàng Thị Ánh Tuyết, giáo viên dạy toán, Phó Hiệu trưởng của nhà trường về giảng dạy môn toán trong thời kỳ mới.

Lâu nay, môn toán vẫn là một môn khiến nhiều học sinh e ngại bởi những kiến thức nặng tính hàn lâm nhiều công thức xa rời thực tế.

Với kinh nghiệm gần 20 năm dạy toán, cô Ánh Tuyết cho rằng môn toán là một môn cơ bản việc giảng dạy cũng khác so với bộ môn khác, dù tính thực tế rất cao nhưng còn nhiều học sinh vẫn chưa biết áp dụng kiến thức của môn toán vào từng điều kiện cụ thể.

Nhiều thế hệ học sinh vẫn đặt câu hỏi rằng không biết tại sao ngày xưa mình lại giỏi như thế, mình học được hết công thức này đến công thức kia nhưng sau khi ra đời thì mình không biết vận dụng những kiến thức đó để làm gì.

Nhiều em còn đặt câu hỏi, tại sao mình học những kiến thức đó để làm gì.

Cô giáo Ánh Tuyết cho rằng để học sinh sợ toán là thất bại của người dạy toán (Ảnh: Lại Cường)
Cô giáo Ánh Tuyết cho rằng để học sinh sợ toán là thất bại của người dạy toán (Ảnh: Lại Cường)

Cô Ánh Tuyết cho rằng, những câu hỏi đó của các em như vậy luôn có lý do, để giải thích còn có nhiều nguyên nhân, có thể do chương trình học, định hướng nghề nghiệp và một bộ phận học sinh quan niệm rằng ra trường sẽ chẳng bao giờ dùng đến nó.

Tuy nhiên, đối với những bạn học cao hơn hoặc học những chuyên ngành liên quan đến khoa học cơ bản thì sẽ cần nhiều đến kiến thức cơ bản của toán học phổ thông.

Hoặc ngay trong cuộc sống thôi, các bạn áp dụng kiến thức toán học đã được học những các bạn không hề biết.

Khi đứng trên lớp dạy toán, cô Anh Tuyết cho biết, cô cũng đã sử dụng rất nhiều những kiến thức từ thực tế để minh họa cho bài giảng của môn toán.

Những bài học gắn liền với những kiến thức hàng ngày sẽ gần gũi với các em hơn.

Là giáo viên trực tiếp phụ trách học sinh giỏi của trường, cô giáo Ánh Tuyết đánh giá đối với đối tượng học sinh giỏi không cần phải dạy nhiều mà công việc của người giáo viên lúc này chỉ là việc định hướng tư duy cho các em làm sao thật tốt.

Tuy nhiên, đối với các học sinh yếu kém môn toán, cô Ánh Tuyết cho biết, cũng như các thầy cô giáo khác, việc phân luồng học sinh yếu sẽ rất quan trọng.

Sau giờ học trên lớp, các cô giáo cần tập hợp lại để hướng dẫn để phụ đạo cho các em.

Các thầy cô cần đặt câu hỏi tại sao các em sợ học Toán? ảnh 2Thời đại công nghệ số, thầy ngừng học sẽ thua học trò

Những đối tượng các em học sinh này, các thầy cô giáo cần phải tìm hiểu được các em yếu cái gì, cần phải khắc phục cái gì.

Với những học sinh còn yếu kém môn toán, kinh nghiệm của cô Ánh Tuyết chính là phải truyền lửa cho các em học sinh.

Đặt ra câu hỏi cho các em học sinh như:  tại sao các em phải học môn toán? Học môn toán để làm gì?

Sau đó các thầy cô giáo cần tìm hiểu những khó khăn mà các em học phải khi học môn toán. Khó khăn ở phía nào, thầy cô giáo hay ở các em học sinh đó…Khó khăn ở chỗ nào rồi tìm cách tháo gỡ.

Tấm gương tự học của nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cũng đã truyền cảm hứng cho các thầy cô giáo trường Trung học phổ thông Đoan Hùng (Ảnh: Lại Cường)
Tấm gương tự học của nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cũng đã truyền cảm hứng cho các thầy cô giáo trường Trung học phổ thông Đoan Hùng (Ảnh: Lại Cường)

Sau đó đưa ra những yêu cầu vừa sức với những học sinh yếu kém đó, sau đó nâng dần mức độ lên.

Đừng bao giờ cho các em học sinh làm những bài cao quá, vượt sức của các em. Như vậy các em rất dễ chán nản và bỏ cuộc. Phải làm thế nào để các em học sinh không sợ học môn toán trước rồi mới đến thích học.

Để các em sợ học môn toán thì mọi nỗ lực là không có hiệu quả. Trong như giờ học như vậy thì vai trò định hướng của giáo viên là rất quan trọng.

Đánh giá về chương trình học toán của phổ thông hiện nay, cô giáo Anh Tuyết cho rằng vẫn còn quá nặng.

Qua thực tế giảng dạy, cô Ánh Tuyết cho biết, trước đây sách giáo khoa đưa nhiều định lý, các nội dung hàn lâm…hiện nay kiên thức cũng đã được giảm tải đi nhiều nhưng thực tế vẫn còn nặng. Bởi, so với kiến thức và thời lượng các em học trên lớp như hiện nay thì vẫn chưa đủ

Theo cô Tuyết với lượng kiến thức như vậy thì các em phải học 2 buổi trên ngày thì mới đáp ứng đủ.

"Tất nhiên, việc học 2 buổi sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề, tuy nhiên, nếu các em có thời gian tự học, tự nghiên cứu thì việc học tập và áp dụng các kiến thức sẽ tốt hơn. Viêc truyền lửa cho các em sẽ hiệu quả hơn khi các em có thời gian tự thu nhận kiến thức". Cô Tuyết nói về kinh nghiệm của bản thân.

Bên cạnh việc truyền lửa cho các em học sinh, cô giáo Anh Tuyết cũng cho rằng, trong thời kỳ mới, chương trình mới, giáo viên cũng cần phải thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng tầm mình lên.

Nhiệt huyết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã truyền lửa cho chác thầy cô giáo trường Trung học phổ thông Đoan Hùng trong sự nghiệp trồng người. (Ảnh: Lại Cường)
Nhiệt huyết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã truyền lửa cho chác thầy cô giáo trường Trung học phổ thông Đoan Hùng trong sự nghiệp trồng người. (Ảnh: Lại Cường)

Theo cô Tuyết: “Bây giờ không như ngày xưa nữa. Kênh thông tin cập nhật rất nhiều. Đặc biệt, rất nhiều các trang web, công cụ, mạng xã hội… nhiều hình thức để tự bồi dưỡng. Nếu như mình cảm thấy mình yếu chỗ nào phải khắc phục ngay.”

Vị Phó Hiệu trường trường Đoan Hùng đánh giá: "Nghề nào cũng phải có những thay đổi để tiến bộ nhưng với đặc thù của nghề giáo, việc cập nhật kiến thức mới người giáo viên phải coi đó như một nhu cầu tự thân của các thầy cô.

Để thay đổi được, trước hết phải thay đổi từ nhận thức trước, thấy được lợi ích của việc thay đổi và hơn cả là cùng với học sinh, cô và trò cùng tiến bộ hàng ngày.

Nếu không cập nhật và thay đổi bản thân, các thầy cô giáo sẽ tự mình bỏ lại phía sau trong cuộc đổi mới giáo dục hiện hành".

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước.

Với diễn giả đặc biệt là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777.

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Lại Cường