Đây là các tuyệt chiêu không thể ngờ của giáo viên để đảm bảo chỉ tiêu

11/04/2017 07:20
Đỗ Quyên
(GDVN) - Để cho chắc ăn, trước ngày thi, giáo viên còn ôn tập, hệ thống lại và úp mở gần xa để các em đoán đề về nhà tập trung học tủ những câu hỏi ấy.

LTS: Để thực hiện chỉ tiêu chất lượng giáo dục, nhiều giáo viên buộc phải ra đề dễ để học sinh có thể đạt điểm cao.

Nếu bài làm quá thấp, thầy cô lại “cấy” điểm miệng để học sinh có điểm tổng kết cao hơn.

Qua bài viết dưới đây, cô giáo Đỗ Quyên phản ánh thực trạng chất lượng giáo dục và những nỗ lực của giáo viên để thực hiện chỉ tiêu giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Vừa thi giữa kì xong, nhóm giáo viên trung học cơ sở rủ nhau đi cà phê để giải tỏa căng thẳng. Mỗi người mỗi trường nên gặp mặt có biết bao điều muốn nói.

Nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là chuyện học trò, từ chuyện điểm thi, khen thưởng, đến chuyện lên lớp và ở lại.

Không ít giáo viên đã chia sẻ bí quyết thực hiện chỉ tiêu chất lượng giáo dục trên giao bằng nhiều biện pháp khá hay.

Giáo viên tìm mọi cách để đạt chỉ tiêu chất lượng giáo dục mà cấp trên giao. (Ảnh: vtv.vn).
Giáo viên tìm mọi cách để đạt chỉ tiêu chất lượng giáo dục mà cấp trên giao. (Ảnh: vtv.vn).

Ra đề ngắn, dễ

Cách này đang được giáo viên tận dụng triệt để bởi nó rất an toàn. Cả học kì các em học vài chục bài lượng kiến thức được truyền thụ không hề nhỏ.

Nhưng khi ra đề thi, giáo viên đã giới hạn đến mức thấp nhất. Cụ thể ra khoảng 7 câu nhưng thi đã tới 5-6 câu rồi.

Để cho chắc ăn, trước ngày thi, giáo viên còn ôn tập, hệ thống lại và úp mở gần xa để các em đoán đề về nhà tập trung học tủ những câu hỏi ấy.

Vậy mà, vẫn có không ít học sinh buông xuôi, không cần học. Có em viết nhăng cuội, em để giấy trống trơn. Thế rồi giáo viên lại tìm mọi cách nâng điểm cho trò vì thương trò thì ít mà tự cứu lấy mình thì nhiều.

Những “thợ cấy” lành nghề

Đây là các tuyệt chiêu không thể ngờ của giáo viên để đảm bảo chỉ tiêu ảnh 2

Đâu phải do nhà trường, là chỉ tiêu cấp trên ép xuống!

Tiếng cô A khơi mào “Học trò của bà sơ kết giữa kì đạt điểm trung bình bao nhiêu?” Cô B thở dài “Cố gắng lắm điểm thi cũng chỉ đạt 70%”.

- “Thế thì không đạt chỉ tiêu à?

- “Ngu gì để vậy cho mình mang họa, phải tìm cách cấy điểm miệng chứ sao?

Nghe giáo viên nói cấy điểm miệng, một người bạn khác ngành hơi tò mò “Cấy là nghĩa làm sao?”, “Là cho nó khống vài con điểm miệng thật cao ấy mà”.

Có lẽ bấy nhiêu thôi, cô bạn cũng chưa có thể hiểu hết vì sao thầy cô phải “cấy điểm?” Nhưng là giáo viên chẳng ai lại không biết điều này.

Nếu như trước kia, thầy cô muốn nâng điểm cho học sinh nào (để khỏi lưu ban hay để đạt danh hiệu) chỉ cần cho khống vài ba con điểm miệng, điểm viết là xong.

Giai đoạn này, chuyện quản lý bài thi của các trường chặt chẽ hơn nên việc cấy điểm một tiết đã trở nên khó khăn. Giáo viên chỉ còn cách “cấy” điểm miệng là giải pháp an toàn nhất.

Có người tự cho khống vài con điểm 9, 10 ở cột điểm miệng. Người cho một câu hỏi về dặn học thuộc mai kiểm tra, kiểu này đương nhiên trò cũng lĩnh điểm 9, 10.

Người khác khuyến khích bằng cách trả lời một câu hỏi dễ trong tiết dạy sẽ đạt ngay điểm thưởng cao ngất ngưỡng.

Còn giao chỉ tiêu là còn tiêu cực

Đây là các tuyệt chiêu không thể ngờ của giáo viên để đảm bảo chỉ tiêu ảnh 3

Chuyện chỉ tiêu và bệnh thành tích trong ngành giáo dục

Giáo viên chẳng ai lại muốn làm thế, nhưng theo cách nói vui “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.

Họ buộc làm thế để hóa giải các chỉ tiêu cao ngất ngưởng được giáng xuống.

Đầu năm, trường nào cũng đưa ra các chỉ tiêu cho từng môn dạy. Khổ nỗi, chỉ tiêu nào cũng gần chạm “đỉnh”.

Chẳng hạn môn Văn, Toán, Lý, Hóa… chỉ tiêu phải đạt 95% học sinh trên điểm trung bình.

Những môn học bài như Sử, Địa, Giáo dục công dân… khoảng 98% học sinh phải đạt từ điểm trung bình trở lên. Trường càng mang danh hiệu như chuẩn quốc gia mức độ 1, 2, trường lá cờ đầu chỉ tiêu càng cao.

Có trường, Ban giám hiệu còn giao cả chỉ tiêu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến năm sau phải nhiều hơn năm trước.

Chỉ tiêu được ban ra từ những người không hoặc chưa bao giờ dạy nên thường khó thực hiện.

Dạy học, dạy kiến thức, dạy cách làm người khác xa với việc đi cày một thửa ruộng, hay xúc vài xe đất, xe cát… chỉ cần một mình bản thân nỗ lực là xong.

Nếu giáo viên nỗ lực hết mình nhưng học trò lơ là không thèm học, học quá yếu không thể tiếp thu… thì thầy cô có tài như “thánh” cũng phải chào thua.

Giáo viên dùng mọi biện pháp nâng kết quả cho học sinh cũng chỉ là biện pháp bất đắc dĩ mà bản thân người thầy không bao giờ muốn.

Thầy bị buộc vào thế “dạy học chưa tốt, chưa hoàn thành nhiệm vụ, phương pháp dạy học chưa hiệu quả, chưa có kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu cụ thể…” và công sức phấn đấu của thầy cô cả năm sẽ tan thành mây khói.

Đây là các tuyệt chiêu không thể ngờ của giáo viên để đảm bảo chỉ tiêu ảnh 4

Bệnh thành tích phải điều trị cho đội ngũ quản lý từ cấp trường đến Bộ

Vì thế, để “cứu” mình cả danh dự và uy tín nhiều thầy cô buộc phải chọn kế sách ấy.

Nếu thầy cô đánh giá đúng năng lực của học sinh, các em sẽ ở lại lớp thế là kéo theo bao nhiêu hệ lụy.

Chỉ tiêu môn học không hoàn thành, khống chế chỉ tiêu lên lớp của nhà trường, ảnh hưởng đến chuyện phổ cập giáo dục không chỉ của trường, kéo theo chuyện khống chế các chỉ tiêu của phòng, của phường, của toàn huyện thị…

Vì thế, giáo viên nào có học sinh học yếu, học lưu ban sẽ là cái “bao” để Ban giám hiệu (người trực tiếp lãnh đạo) trút giận để hả cơn giận vì chính họ cũng vừa bị cấp trên làm điều tương tự.

Thực trạng dạy và học trong các nhà trường hiện nay


Từ tiểu học, học sinh đã được “lùa” lên lớp nên có nhiều trường hợp “học sinh ngồi nhầm lớp”.

Với những học sinh này, dù thầy cô giảng dạy có nhiệt tình, có nỗ lực đến đâu, các em cũng chẳng thể tiếp thu nổi. Kiến thức lớp dưới nắm chưa được, kiến thức lớp trên chỉ như “đàn gảy tai trâu”.

Số khác lười học ham chơi, có những học sinh thầy cô kiểm tra bài cũ đến dăm lần vẫn không thuộc. Thậm chí còn chỉ luôn câu hỏi ngày mai lên trả bài nhưng các em vẫn nhất định không chịu học.        

Giải pháp nào hạn chế điều này?

Đây là các tuyệt chiêu không thể ngờ của giáo viên để đảm bảo chỉ tiêu ảnh 5

Ai chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo trong giáo dục?

Khắc phục tình trạng này chẳng có giải pháp nào hiệu quả hơn nếu không xóa bỏ chuyện giao chỉ tiêu về từng giáo viên.

Không còn chỉ tiêu sẽ chẳng còn thành tích ảo. Đừng lấy chất lượng học tập của học sinh làm thước đo để đánh giá năng lực cũng như xét thi đua cho nhà trường, cho giáo viên.

Hãy để thầy cô giáo - người trực tiếp giảng dạy có quyền đánh giá học sinh theo đúng năng lực của các em.

Có như thế, những học sinh học hành chểnh mảng, lười học mới biết tu chí để học chứ không ỉ lại hay học đối phó như hiện nay.

Đỗ Quyên