Đề dễ lắm, khó thì có thầy cô chỉ giúp, mẹ ạ!

29/03/2016 07:19
Thành Minh
(GDVN) - Học trò là con của chúng ta, là tương lai của đất nước, phải biết thương chúng đúng cách, hãy nghiêm khắc trừng phạt để thế hệ trẻ còn tự trọng.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Thành Minh-từ thành phố Hồ Chí Minh- nói thẳng, nói cụ thể về bệnh thành tích đang diễn ra hàng ngày trong ngành giáo dục qua 2 câu chuyện mà thầy chứng kiến. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra mà chính giáo viên trong trường hợp đó buộc phải im lặng. 

Rõ ràng, họ biết cấp trên của mình sai, bản thân mình sai, thế hệ học trò đang lạc lối…nhưng giáo viên cũng không thể lên tiếng bởi chỉ cần nói ra thì họ sẽ mất việc, mất đi miếng cơm manh áo. 

Và quan trọng hơn hết là họ chưa đủ khả năng để chống lại hệ thống những chứng cứ mà cấp trên đã chuẩn bị sẵn để đối phó với cấp trên nữa, đối phó với dư luận. 

Bệnh thành tích làm hư học trò (Ảnh minh họa trên Năng lượng mới)
Bệnh thành tích làm hư học trò (Ảnh minh họa trên Năng lượng mới)

Trong giáo dục, thương yêu không có nghĩa là ban phát, biếu cho và ngược lại, thẳng thắn, trung thực, nghiêm khắc không có nghĩa là ghét, là “đì”. 

Kết thúc đợt kiểm tra học kỳ vừa qua, theo quan sát và nhận được, tôi chứng kiến 2 câu chuyện muốn kể cùng mọi người để cùng ngẫm nghĩ. 

Câu chuyện thứ nhất: Trong xóm tôi đang ở, chiều hôm đó, một phụ huynh đi đón con về, biết hôm nay con có bài kiểm tra, chị hỏi: “Con có làm được bài không?”. 

Đứa con nhanh nhảu đáp: “Đề dễ ợt mẹ ạ, toàn là câu hỏi có trong 8 câu đề cương mà cô cho học trước đó”. 

Chị hỏi tiếp: “Thế không có môn nào có câu hỏi bên ngoài đề cương hay khó hơn sao con?”. 

Đề dễ lắm, khó thì có thầy cô chỉ giúp, mẹ ạ! ảnh 2

“Bệnh thành tích” gây cản trở công tác kiểm định chất lượng giáo dục

(GDVN) - Khi “bệnh thành tích” chưa được đẩy lùi, chấm dứt triệt để thì công tác kiểm định chất lượng giáo dục ít nhiều sẽ còn mang tính hình thức, không hiệu quả.

Đứa con nhanh nhảu đáp: “Có chứ mẹ, ví dụ như môn Anh văn, Toán, Văn có nhiều câu hỏi ngoài đề cương lắm nhưng chúng con vẫn làm được hết”. 

Nghe đến đây, chị khen: “Chà, con mẹ giỏi quá” thì ngay lập tức đứa con phản ứng lại:

Không phải giỏi đâu mẹ, vì mỗi lúc gặp câu hỏi không có trong đề cương thì thầy cô con lại hướng dẫn cách làm bài, giải thích cặn kẽ, gợi ý bài đó giống phần nào đã học nên bạn nào cũng làm được hết”. 

Người mẹ liền đáp: “Ừ, ra thế !” Rồi chị quay lưng sang tôi và nói nhỏ: “Mớm đáp án”. 

Rõ ràng, những giáo viên trên được bật đèn cho phép “lướt qua” những phòng thi để gợi ý bài giải cho học sinh của mình.

Bởi theo đề thi chung của ngành giáo dục thì kết thúc kỳ thi kiểm tra học kỳ sẽ có báo cáo kết quả giữa các trường với nhau nên Ban giám hiệu nào cũng sợ bị nhắc nhở, khiển trách, “mất mặt” trước các đơn vị khác. 

Chính vì “sợ” nên mỗi kỳ thi đến, Ban giám hiệu nhắc khéo với các giáo viên đại loại như: “Các thầy cô tạo cảm giác thoải mái để các em làm bài tốt nhé….”. 

Câu chuyện thứ hai: Giờ kiểm tra môn Sử - môn mà học sinh thấy khó nhớ và cũng lười học bài, tại phòng thi lớp 7 của một trường trung học cơ sở có hai giáo viên coi thi. 

Do là các giáo viên đứng tuổi nên có phần dễ dãi vì thương học trò thấy ngồi mãi mà các em mới viết được vài chữ nên một thầy nói “thoáng với chúng chút” vậy là, học sinh tha hồ quay cóp, giở tài liệu. 

Ai ngờ, học trò được đà, ở những môn khác nếu biết có giáo viên “thoáng” là chúng mang theo “phao” và tự do nhìn bài nhau. Thậm chí, nhiều học trò loan tin “thầy coi thi dễ ợt” khiến giáo viên này “nóng mặt” với đồng nghiệp. 

Học trò là con của chúng ta, là tương lai của đất nước, phải biết thương chúng đúng cách, hãy nghiêm khắc trừng phạt để thế hệ trẻ còn tự trọng, vun đắp thêm giá trị tốt đẹp. 

Thành Minh