Cô giáo khẩn khoản "xin đừng khống chế sự sáng tạo của giáo viên!"

29/02/2016 07:31
Đỗ Quyên
(GDVN) - Nếu ngành giáo dục cứ ép buộc giáo viên sử dụng phương pháp dạy học mới mà chất lượng học tập của học trò không cải thiện thì phương pháp có ích gì?

LTS: Thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện, ngành giáo dục đã có nhiều thay đổi đặc biệt ở phương pháp dạy và học. Tuy nhiên, sự thay đổi đó đã thực sự hiệu quả hay chưa?

Câu trả lời sẽ nằm trong bài viết này của cô giáo Đỗ Quyên. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Khống chế về thời gian

Một tiết học ở tiểu học là 35 phút, bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông là 45 phút/tiết. 

Trong đó, mỗi hoạt động cũng thường được quy định cụ thể như kiểm tra bài cũ từ 3-5 phút, giới thiệu bài khoảng 1 phút, hoạt động bài mới, và luyện tập thực hành khoảng từ 15- 20 phút/ hoạt động, rồi củng cố dặn dò khoảng 5 phút…

Nếu là tiết dạy thông thường, chỉ cô và trò thì giáo viên hoàn toàn chủ động trong việc điều tiết thời gian. 

Cô giáo khẩn khoản "xin đừng khống chế sự sáng tạo của giáo viên!" ảnh 1
Công cuộc đổi mới phương pháp dạy và học buộc giáo viên phải thực hiện một số phương pháp mới. (Ảnh: Giáo dục và thời đại)

Nếu như hoạt động bài mới có những kiến thức cần cung cấp, những kiến thức cần mở rộng hay nâng cao, giáo viên có thể bớt thời gian ở các hoạt động khác như bài cũ, giới thiệu bài hay phần củng cố để tăng thời lượng cho hoạt động bài mới của các em. 

Nhưng khi tiết học đó có người đến dự giờ thì hoàn toàn phải thực hiện theo đúng quy chuẩn đã đưa ra. 

Nhiều giám khảo coi mốc thời gian để soi. Nào là cô kiểm tra bài cũ quá nhiều, chiếm gần 10 phút, phần hoạt động bài mới vượt mức quy định, hoạt động thực hành các em được làm ít…

Cô giáo khẩn khoản "xin đừng khống chế sự sáng tạo của giáo viên!" ảnh 2

Dạy học thảo luận nhóm, biết là "thuốc" tốt sao ít dùng?

(GDVN) - Có phải “học trò lười, ngại thảo luận, giao tiếp kém, năng lực ngôn ngữ yếu…” hay nhà giáo chưa hiểu hoặc chưa biết cách sử dụng phương pháp thảo luận nhóm?

Nếu tiết dạy Tiểu học mà giáo viên dạy đến khoảng 42 phút hoặc tiết học chỉ dạy mất 29 phút dù học sinh đã hiểu hết bài thì “tiết học như vậy dù có đạt hiệu quả cao như thế nào thì cũng không thể xếp loại tiết dạy tốt được”, một vị giám khảo khẳng định. 

Bởi theo giám khảo, quá thời gian thì coi như giáo án bị “cháy” mà ít thời gian thì coi như giáo án bị “ướt”. 

Quy định cứng nhắc về thời gian như vậy nên mỗi khi có tiết dạy dự giờ hay đi thi giáo viên giỏi thì giáo viên luôn thấy áp lực. 

Vì thế nên mới có trường hợp khi giáo viên đi thi, Hiệu trưởng chỉ rặn một điều: “Chú ý về thời gian nhé”. Bởi thiếu sót thì còn chấp nhận được chứ sự du di thời gian thì không thể. 

Việc khống chế thời gian diễn ra gay gắt như thế buộc thầy cô phải tìm cách đối phó, mà cách hiệu quả nhất là “gà bài” cho các em. 

Mỗi khi có tiết dự giờ hay thanh tra về kiểm tra, tiết dạy đi thi giáo viên giỏi thì giáo viên dặn dò học trò một cách tỉ mỉ, chi tiết câu trả lời sao cho đúng, cho hay…để đáp ứng kịp thời gian đã định sẵn. 

Khống chế về phương pháp và hình thức dạy học

Công cuộc đổi mới phương pháp dạy và học bây giờ, giáo viên thực hiện một số phương pháp như VNEN, Bàn tay nặn bột

Thực tế khi giảng dạy có nhiều phương pháp dạy học vừa hay, vừa đạt hiệu quả tích cực nhưng bị đánh giá là chưa đổi mới. 

Cô giáo khẩn khoản "xin đừng khống chế sự sáng tạo của giáo viên!" ảnh 3

Đâu phải lúc nào học sinh cũng là trung tâm?

(GDVN) - Dù có đổi mới phương pháp và hình thức dạy học thế nào thì mục đích cuối cùng cũng là nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.

Nhưng thầy cô là người trực tiếp giảng dạy nên sẽ là người hiểu rõ trình độ của học sinh trong lớp và với lượng kiến thức cần cung cấp trong bài giảng, giáo viên sẽ biết cách lựa chọn phương pháp dạy phù hợp nhất. 

Song phương pháp Bàn tay nặn bột khiến nhiều học trò không biết đặt một câu hỏi đề xuất thế nào? Và không biết làm một thí nghiệm để chứng minh và kết luận…

Rõ ràng, dạy học là sáng tạo cho nên cần phải để thầy cô có cơ hội chủ động trong từng tiết dạy của mình. Bởi dù có là phương pháp dạy học mới mà chất lượng học tập của học trò không cải thiện thì phương pháp có ích gì?

Cho nên, không nên quá cứng nhắc trong áp dụng các phương pháp, mà nên tạo điều kiện cho các giáo viên để họ được sáng tạo các cach dạy cho học trò sao cho hiệu quả nhất.

Đỗ Quyên