Gian lận thi cử trong giáo dục thì có lẽ thời nào cũng có nhưng nó đã trở thành “cao trào” vào kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 trên một diện rộng, với rất nhiều người tham gia.
Người sửa điểm là một số quan chức giáo dục, người nhờ vả sửa điểm là một số quan chức địa phương, là người giàu có, thí sinh được sửa điểm là những em học hành chểnh mảng, yếu kém.
Điều trớ trêu là sự việc đã được phanh phui, được các cơ quan điều tra tìm ra được “thủ phạm” nhưng lại chưa được công bố.
Vậy, phong trào “2 không” phỏng có ích gì khi những người đã và đang phát động phong trào, khi mà quyền hành trong tay lại là người vi phạm chủ trương của ngành?
Cơ quan điều tra bắt tạm giam cán bộ ngành giáo dục đã tham gia sửa điểm cho thí sinh (Ảnh: Báo Lao động) |
Khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân đã cùng với những cộng sự của mình ở Bộ Giáo dục phát động phong trào “2 không” vào năm học 2006- 2007.
Lúc đó, dư luận rất đồng tình vì nghĩ rằng phong trào này sẽ làm “sạch” những tiêu cực vốn tồn tại dai dẳng trong ngành giáo dục suốt một thời gian dài trước đó.
Nhưng rồi, mọi người đã nhanh chóng chuyển trạng thái từ hy vọng sang thất vọng một cách tức thì.
Người chống tiêu cực trong thi cử chưa hẳn là lãnh đạo ngành giáo dục bởi người ta vẫn sợ thành tích của đơn vị mình, địa phương mình thấp.
Chính vì thế, thầy Đỗ Việt Khoa trở thành “người đơn độc” trong chống tiêu cực trong thi cử. Người ta trù dập, người ta chỉ trích những con người dám đứng lên thực hiện đúng chủ trương của ngành.
Không mấy ai còn tin ở phong trào “2 không” nữa khi tỉ lệ đậu tốt nghiệp cứ tiệm cận gần đến con số gần100% ở tất cả các địa phương trong cả nước, không kể vùng có điều kiện hay vùng khó khăn.
Một nền giáo dục văn minh thì cương quyết công khai thí sinh gian lận |
Không ai tin học sinh giỏi đến độ “mưa điểm 10” như kỳ thi năm 2017. Và, người ta thực sự vỡ mộng vào kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018.
Hàng loạt quan chức ngành giáo dục bị bắt, từ ông Phó Hiệu trưởng tham gia Hội đồng thi, đến Phó phòng, Trưởng phòng khảo thí.
Thậm chí có mấy vị là Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo cũng bị bắt, bị truy tố.
Ngay cả những người được phân công nhiệm vụ giám sát kỳ thi thì cũng có những cán bộ an ninh bị kỷ luật, bị tước quân tịch.
Dư luận càng mất niềm tin vào những phụ huynh đã có những “tác động” cho con mình bởi họ đều là những người có địa vị ở địa phương.
Những thí sinh dính vào vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia có em là con Bí thư tỉnh ủy, con Phó Giám đốc Sở Giáo dục, con Công an, con cán bộ Văn phòng tỉnh ủy, con Phó Chủ tịch huyện…
Và, chỉ riêng ở Sơn La đã có 12 thí sinh dính tiêu cực là con em lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh này.
Từ một thí sinh yếu kém, người ta có thể “nâng” điểm 0 thành điểm 9, nâng điểm ba môn thi chỉ 0,45 điểm thành 27 điểm. Nâng từ một thí sinh rớt tốt nghiệp có thể trở thành thủ khoa của trường đại học.
Thử hỏi, thượng tôn pháp luật còn không? Lương tâm của một người thầy, của một cán bộ của ngành giáo dục có còn không?
Và, có lẽ trước khi họ bị phát hiện thì những cán bộ ngành giáo dục này vẫn thường xuyên quán triệt, rao giảng về đạo đức cho cán bộ, giáo viên dưới quyền cùng những em học sinh của mình!
Vậy là phong trào “2 không” dành riêng cho ai đây? Phải chăng chỉ dành cho giáo viên quèn, con em nông dân quê mùa, chất phác?
Những người được nhà nước trao cho thanh bảo kiếm để thực thi nhiệm vụ, để làm trọng tài cho kỳ thi đã bị những đồng tiền làm tha hóa đạo đức, nhân cách của một con người?
Lãnh đạo ngành giáo dục ở Sơn La, Hòa Bình và cả Bộ Giáo dục…đừng nhân danh một điều gì nữa.
Hãy công bố danh sách, địa chỉ những thí sinh vi phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia để làm gương cho muôn sau.
Nếu không, danh dự, uy tín của ngành giáo dục sẽ phai mờ khó cứu vãn. Và, phong trào “2 không” cũng chỉ là điều vô nghĩa đã và đang tồn tại trong mười mấy năm qua!
Vì thế, muốn cứu được phong trào “2 không” và uy tín của ngành giáo dục thì không có gì hơn chính ngành giáo dục phải tháo được “ngòi nổ” tiêu cực là công bố danh sách các thí sinh gian lận.
Còn không, tiêu cực, gian lận sẽ còn xảy ra và nó sẽ tinh vi hơn nhưng niềm tin dành cho giáo dục sẽ tiếp tục giảm sút.