Ngày 6/5/2019, tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên và thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức buổi tọa đàm tham vấn chuyên gia về giáo dục tư thục, định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam.
Công lập và ngoài công lập là đôi cánh của giáo dục
Phát biểu tại buổi tọa đàm này, Phó Giáo sư Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên và thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho biết, giáo dục tư thục rất quan trọng, và nó cùng với công lập được xem là hai cánh của hệ thống giáo dục tại Việt Nam.
Phó Giáo sư Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi tọa đàm ở Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (ảnh: P.L) |
Những hành lang pháp lý hiện nay cũng đang tạo điều kiện cho giáo dục tư thục phát triển, nhưng cũng cần đặt ra yêu cầu là giáo dục tư thục cần làm gì, có cái gì để phát triển hơn nữa.
Theo Phó Giáo sư Thái Bá Cần – Phó Tổng Giám đốc phát triển đại học của Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng, chất lượng của giáo dục công lập hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, tụt hậu so với tình hình chung của giáo dục thế giới.
Nguyên nhân của việc này, được Phó Giáo sư Thái Bá Cần đưa ra, là do kinh phí đầu tư thấp, không có khả năng đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, trả lương cho đội ngũ nhà giáo thấp, không đủ sức khuyến khích lao động sáng tạo của nhà giáo.
Chính vì vậy, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Nguyễn Hoàng đề nghị, cần phải đẩy mạnh cho hệ thống giáo dục tư thục phát triển.
Học phí trường tư thục, điểm sáng của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi |
Phó Giáo sư Thái Bá Cần nhìn nhận: Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ giáo dục tư thục thấp, việc thực hiện các chính sách phát triển giáo dục tư thục của Nhà nước chưa được quan tâm đúng mực.
Quan điểm xem giáo dục là phúc lợi thay vì dịch vụ trả phí còn nặng nề, thậm chí còn những định kiến với giáo dục tư thục khi xoáy vào yếu tố "lợi nhuận" mà lờ đi các đóng góp không thể phủ nhận của hệ thống trường tư thục.
Có 2 hướng phát triển giáo dục tư thục hiện nay, đã được thầy Thái Bá Cần đưa ra, đó là: Đào tạo theo chuẩn mực quốc tế. Các trường sẽ đưa chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến của thế giới về với Việt Nam.
Hoặc là các trường tư thục sẽ góp phần tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng được học, tùy theo điều kiện và năng lực bản thân.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân, Huế nói rằng, ở Việt Nam, giáo dục công lập và tư thục vẫn còn có khoảng cách, cần phải sớm xóa bỏ sự phân biệt này.
Hiện có khoảng 84% số sinh viên đang theo học tại các trường đại học công lập, còn chỉ có 16% sinh viên đang theo học tư thục, nên đôi cánh này rõ ràng là đang bị lệch về một bên.
Cho dù các văn bản pháp luật hiện nay cũng đã nêu bình đẳng công tư, nhưng từ văn bản luật cho đến khi thực hiện là là khác nhau.
Giáo sư Mai Hồng Quỳ– Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ: Nếu các trường đại học tư thục đã tự khẳng định được chất lượng, thì cách tiếp cận quản lý giáo dục tư thục phải thay đổi.
Vị lãnh đạo Trường Đại học Hoa Sen đề xuất: Bộ trưởng có quan điểm tích cực, nhưng các Vụ chức năng, nhân viên Vụ chức năng khi làm lại căn cứ vào các quy định tưởng là chặt nhưng thực tế chưa chặt, làm khó cho các trường.
Toàn cảnh buổi tọa đàm tham vấn chuyên gia về giáo dục tư thục tổ chức vào ngày 6/5 (ảnh: P.L) |
“Tính tự chủ đại học hiện nay cao, nhưng chưa yên tâm. Nói như vậy, nhưng không có nghĩa là các trường tư hiện nay muốn làm gì thì làm, nhưng họ làm trong chừng mực nhất định, cơ quan quản lý Nhà nước không thể đánh giá như từ trước tới nay” – bà Mai Hồng Quỳ nói tiếp.
Giáo dục tư thục cần được đối xử bình đẳng
Phát biểu tại buổi tọa đàm này, các chuyên gia tham dự đã lên tiếng, nói rằng để thúc đẩy cho hệ thống giáo dục tư thục nói riêng, giáo dục của Việt Nam nói chung, cần phải có sự đối xử bình đẳng giữa công và tư.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Áng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang nhìn nhận: Xã hội vẫn còn quan điểm, nhìn nhận nặng nề với giáo dục tư thục, nên vẫn chưa thể đạt 40% sinh viên theo học ngoài công lập như kỳ vọng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị - Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Kiều Tuân đề nghị: Cần sự công bằng giữa hệ thống giáo dục công lập và tư thục, từ thầy cô giáo, sinh viên.
Nếu thực hiện được điều này, chắc chắn, hệ thống giáo dục tư thục sẽ phát triển nhanh hơn công lập, do họ có chủ, có trách nhiệm với người học, với xã hội và ngay cả đối với chính họ.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh đề xuất, cần có cơ chế hiến tặng cho giáo dục, có thể là về thuế để khuyến khích.
Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân đã đưa ra ví dụ: Có nhiều người dân sẵn sàng đóng góp hàng nghìn tỷ để xây chùa, nhưng lại không ai dám bỏ ngần ấy số tiền ra để xây trường học, dù rằng trường học đang rất cần.