Thời điểm này, học sinh các lớp cuối cấp như lớp 9 và lớp 12 đã và đang bước vào thời kỳ cao điểm trong việc học và ôn thi để chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng ở phía trước.
Kế hoạch học và ôn tập không chỉ nhà trường, ngành giáo dục các địa phương được thực hiện một cách rốt ráo mà đa phần bản thân học sinh cũng phải tự lên kế hoạch ôn tập nhằm chạy đua với những ngày tháng cuối cùng của khóa học.
Ngay cả với các bậc phụ huynh cũng đang dành tất cả sự quan tâm, chăm sóc và gánh hết mọi phần công việc trong gia đình để các em được học tập tốt nhất.
Học sinh cuối cấp đang dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc học thêm (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Có nhiều người nói vui rằng học sinh bây giờ học chính khóa là phụ mà học phụ (học thêm) lại là học chính bởi thời gian học thêm của các em thường gấp nhiều lần học chính khóa ở trên lớp.
Học sinh học tăng tiết trong những buổi học chính khóa, học thêm ở trường, học thêm ở nhà thầy cô, tự ôn tập ở nhà. Vì thế, ngay cả với thời gian ngủ, nghỉ cũng thấy thiếu thốn đối với nhiều em.
Hiện nay, việc thi tuyển sinh 10 không theo thời điểm chung trong cả nước mà tùy thuộc vào kế hoạch của từng địa phương khác nhau.
Những địa phương có kế hoạch sẽ thi tuyển sinh 10 vào những ngày đầu tháng Sáu - thời điểm vừa nghỉ hè cũng đồng nghĩa thời điểm này bắt buộc phải bố trí dạy tăng tiết ở trên lớp vào các buổi học chính khóa.
Việc dạy tăng tiết cho học sinh để nhanh chóng kết thúc nội dung chương trình học chính chính khóa nhằm dành thời gian còn lại để ôn thi cho học trò.
Vì thế, đa phần khoảng giữa tháng Tư đã tiến hành kiểm tra học kỳ II đối với lớp 9 và cuối tháng 4 là dành toàn bộ thời gian cho việc ôn tập.
Những môn thi tuyển sinh lớp 10 hiện nay của các địa phương thường là Toán, Văn, Anh nên các môn này thường được ưu tiên để tăng tiết ngay từ những ngày đầu tiên của học kỳ II.
Mỗi tuần theo phân bố chương trình hiện hành là môn Văn có 5 tiết, Toán có 4 tiết và Anh có 3 tiết.
Học thêm càng nhiều, gánh nặng đè lên vai phụ huynh càng lớn |
Nên muốn rút ngắn thời gian để ôn thi thì các trường phải tăng lên mỗi tuần từ 2-3 tiết/ môn.
Có trường tăng bằng số tiết hiện hành đang học chính khóa. Việc tăng tiết này được xếp vào các buổi học chính khóa.
Có nhiều trường sợ học sinh trường mình ôn chậm thì kết quả thi thấp hơn các đơn vị bạn nên Ban giám hiệu lên lịch ôn tập vào những buổi chiều để các em ôn thi tuyển sinh 10.
Mỗi tuần cũng từ 3-5 tiết/ môn tùy từng trường. Như vậy, mỗi môn học thì học sinh trường nào ít cũng phải gần 10 tiết, có trường nhiều học cả chính và thêm đến 14-15 tiết/ môn.
Đối với học sinh lớp 12 cũng đang bước vào thời kỳ nước rút để hoàn tất việc kiểm tra học kỳ.
Các môn mà không dính dáng đến kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia cũng được các nhà trường kết thúc sớm để tập trung toàn bộ thời gian cho những môn mà học sinh sẽ thi.
Nói gì thì nói, các trường luôn phải chú trọng kết quả tốt nghiệp, kết quả điểm thi và số lượng đậu vào các trường đại học.
Tỉ lệ càng cao cũng đồng thời là uy tín nhà trường sẽ được nâng lên.
Chính vì mật độ học tập dày đặc như vậy nên đa phần học sinh đều cảm thấy quá tải và thậm chí là nhàm chán.
Bởi các đơn vị kiến thức được ôn đi, ôn lại nhiều lần. Một số trường lấy phương châm là “mưa dầm thấm đất” để ôn cho học trò vì có nhiều em học lực yếu, không ôn đi, ôn lại thì các em sẽ không nhớ được.
Vậy nên, đa phần các em học sinh đều thể hiện sự mệt mỏi vì áp lực học tập quá cao. Nhưng có lẽ khi đã bước vào những năm cuối cấp thì các em cũng hiểu được nỗi vất vả và tương lai của bản thân nên đều cố gắng.
Không chỉ học sinh quá tải mà nhiều giáo viên cũng bị quá tải. Nhiều giáo viên phải dạy gấp đôi số tiết được quy định.
Nhiều thầy cô ra khỏi nhà là 6 h sáng và trở về nhà cũng chừng 6 h tối.
Các ngày trong tuần trừ ngày Hội đồng bộ môn phải họp chuyên môn và ngày họp Hội đồng sư phạm thì dạy suốt từ Thứ 2 đến Thứ 7 hàng tuần cho cả dạy chính và dạy thêm ở trường.
Tất nhiên, với lịch học dày đặc như vậy thì ngoài việc học chính khóa ra, các buổi ôn tập học sinh phải đóng tiền học thêm.
Và khi đã được gán mác ôn tuyển sinh hay ôn thi Trung học phổ thông quốc gia thì tiền đóng cho nhà trường cũng luôn được tính với giá cao hơn.
Song vì tương lai của con, các phụ huynh vẫn phải vui vẻ để con em mình được học tập cùng chúng bạn. Ai cũng mong muốn con mình được bằng bạn, bằng bè.
Trong khi, các kế hoạch hướng dẫn về kỳ thi tuyển sinh 10 thì yêu cầu có cả nội dung kiến thức các lớp 6-7-8.
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì yêu cầu thi cả nội dung kiến thức lớp 10-11.
Chính vì lẽ đó, bắt buộc học sinh phải ôn tập thêm kiến thức của các khối lớp trước nên càng tăng thêm nội dung mà học trò phải ôn tập.
Vòng xoáy thi cử đã khiến cho học sinh mệt mỏi, thầy cô giáo cũng áp lực, phụ huynh thì tốn tiền đóng góp.
Đến bao giờ ngành giáo dục mới giải quyết được bài toán giảm áp lực thi cử cho học trò?