LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được loạt bài viết của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, nghiên cứu sinh về giáo dục tại Hoa Kỳ chia sẻ về việc hợp tác mở đại học với tư nhân trong công nghiệp, dịch vụ, nhìn từ thực tiễn của nước Mỹ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Trong một thời gian dài, các trường đại học bị “lên án” vì họ sống trong tháp ngà, không cập nhật với thế giới, với xã hội và nhu cầu phát triển của cộng đồng xung quanh.
Về việc chậm chạp trong “thay đổi” hệ thống đại học, cả thế giới đang nghĩ cách thay đổi, dưới kêu gọi “Đại học lãnh đạo thay đổi thế giới”! (UN-GUNi).
Ở Mỹ, ai cũng "lên án" tháp ngà của các giáo sư đại học, nhưng nó có lý do riêng của môi trường đại học, bởi đó là một trong số rất ít nơi (nếu không nói là duy nhất), hiện nay còn nỗ lực để hướng đến đào tạo cái "đẹp" trong nhân văn - con người.
“Tiền đã lo xong đất cắm rồi”, thư của một Nhà nghiên cứu gửi lãnh đạo toàn cầu |
Mặc dù, trong hơn 30 năm qua, đại học Mỹ bị "ép" rất lớn do Mỹ liên tục cắt ngân sách và tác động vào "tự do học thuật" của trường đại học, xuất phát từ vấn đề chính trị-kinh tế, mà lý do đầu tiên và cuối cùng: khủng hoảng kinh tế và cắt giảm ngân sách chi công.
Nước nào cũng thế, cứ tưởng mình cho đại học, học thuật “tự do”, nhưng lúc nào cũng "sợ" nó "tả" quá, dạy dỗ sinh viên tự do nó làm "loạn".
Câu hỏi về hợp tác nghiên cứu giảng dạy giữa công ty tư nhân - các đại học nên được phát triển theo mô hình hợp tác công – tư trong đại học – công nghiệp như thế nào cho hiệu quả, có lẽ không có “một lời giải” cho tất cả các đại học.
Tuy nhiên, xin chia sẻ vài thực tế từ những gì đã và đang xảy ra ở Mỹ, với những hợp tác giữa đại học Mỹ với các đối tác, để cùng suy nghĩ cho mô hình nào ở Việt Nam là phù hợp.
Đào tạo sinh viên đại học ở Việt Nam cần mô hình như thế nào? (Ảnh minh họa: moet.gov.vn). |
Những ưu điểm rất dễ dàng nhận ra trong quan hệ hợp tác giữa đại học công – công nghiệp và tập đoàn tư trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu.
Ví dụ như rất nhiều ngành học cần có nơi thực tập và thực tiễn nghiên cứu khảo sát, việc hợp tác này là lý tưởng để vừa học và vừa làm.
Hay như những nghiên cứu trong đại học có khả năng được thương mại hóa nhanh hơn, tốt hơn với chuỗi sản xuất và dịch vụ cung ứng rộng khắp của các công ty tư nhân.
Hay như sinh viên thực tập ngắn hạn tại các môi trường làm việc tư nhân cũng giúp nâng cao kỹ năng lao động thực tiễn đang đòi hỏi…
Tôi muốn chia sẻ một số điểm khác, đáng lưu ý trong quá trình hợp tác này, từ thực tiễn của đại học Mỹ trong hơn 20 năm cắt giảm ngân sách vừa qua.
Sự thương mại hóa “quá đà” của các Tập đoàn - Công ty trong hoạt động của các đại học công
Dùng tài sản công, tiền cấp nghiên cứu của ngân sách nhà nước, nhưng kết quả thuộc về tư nhân và sau đó, biến những giáo sư - nhóm nghiên cứu trong đại học thành làm "thuê" và làm giàu cho tư nhân, bằng tiền của nhà nước, qua hệ thống đại học công.
Những vấn nạn trong những nghiên cứu và ứng dụng của đại học và “bị” thương mại hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đại học hiện nay, có thể đọc tham khảo mấy cuốn điển hình, The Marketplace - Commercializzation of Higher Education (Derek Bok, cựu chủ tịch Harvard); Education and Commercial Mindset (Samuel Abrams).
Derek Bok là cựu chủ tịch Harvard, là trường tư và là trường elite (Ưu Tú), nhưng Derek "dám" nói lên sự thật những mặt rất "tối" trong cả hệ thống hợp tác công - tư ở Harvard, ở các trường đại học công lớn của Mỹ.
Bởi, bản chất việc hợp tác công tư mà trong bối cảnh các trường, các giáo sư cần tiền nghiên cứu, nó gây nhiều lũng đoạn lớn, làm "thay đổi" môi trường học thuật và của xã hội.
Đại học và giáo dục đang bị biến thành “cái chợ” (market), nơi tiền công đổ vào đầu tư, nhưng kết quả phần lớn được ăn chia giữa các lãnh đạo đại học và các tập đoàn, chưa kể đến những "biến thái" đạo đức học thuật.
Ví dụ như, những hợp tác nghiên cứu vi phạm đạo đức học thuật, hợp tác với những tổ chức có nghi vấn về nhân quyền (nghiên cứu trên con người, bằng con người, bất hợp pháp), hay thậm chí có những tổ chức chính trị lũng đoạn.
Ví dụ ở Mỹ, các đại học có quyền tự do hợp tác văn hóa giáo dục, nhưng bản chất của nhiều loại hình hợp tác lại thúc đẩy truyền bá tư tưởng chính trị và sự hạn chế về nhân quyền.
Xin tham khảo về những mô hình viện nghiên cứu hợp tác văn hóa đang bị lên án ở Mỹ, nhưng có hơn 100 đại học Mỹ đang nhận tiền để thực hiện các chương trình hợp tác này từ Trung Quốc. [1]
Thế sự thật là gì đằng sau những hợp tác này, là văn hóa giáo dục, là tiền hay thậm chí là chiến lược giao thoa “quyền lực mềm” giữa các thể chế chính trị hay lợi ích của ai đằng sau đó?
Chúng ta không biết…chỉ biết một sự thật rất rõ ở Mỹ, luật “ai trả tiền người đó có quyền chơi” (“who pay who play”) đang làm không chỉ đại học Mỹ, mà vô vàn điều rối rắm trong xã hội Mỹ, đến độ, sau một thời gian dài, không biết ai đang chơi ai?
Từ thực tế trên, và vì lợi ích quốc gia, nhiều vấn đề thực sự cần giữ và duy trì môi trường tự do học thuật, đã bị "chính trị" hóa "quá đà".
Ai cũng muốn giáo dục làm điều tốt nhất, lãnh đạo tiên phong cho xã hội. Nhưng thực tế, vì đại học là nơi dạy và trực tiếp tác động đến thế hệ trẻ, những người sẽ làm chủ tương lai của đất nước, thế nên, luôn có những tác động chính trị bằng nhiều cách vào hệ thống đại học, dẫn đến thực ra, có nhiều "hạn chế" trong sự tự do tư duy, tự do thể hiện.
Qua đó, rất hạn chế để đại học và giáo sư, sinh viên thực sự "sáng tạo"...chưa kể đến vấn nạn, ngay ở Harvard, cũng là nơi các tụ điểm của các "intelligent agencies" (cơ quan an ninh) các nước gặp gỡ. [2], [3]
Đại học cần được trở lại giá trị gốc của nó
Đại học cần được trở lại giá trị gốc của nó: tự do học thuật - tự do tư duy và thực thi trách nhiệm dẫn dắt xã hội bằng những con người tự do, có tri thức và có trách nhiệm, với sứ mệnh tiên phong lãnh đạo thay đổi xã hội, nhưng sẽ chỉ làm được, khi có những lãnh đạo dám làm và từ hệ thống của chính đại học nơi họ đang làm việc.
Hợp tác công - tư, trên toàn cầu, không chỉ trong giáo dục, phải là một mô hình thực sự được xây dựng trên cơ sở quyền lợi cân bằng và vì lợi ích của người dân, số đông, theo đúng Public Good (Lợi ích Xã Hội), chứ không phải là Public Paid Private Benefits (Xã hội trả tiền, Tư nhân hưởng lợi), như mấy thập kỷ qua.
Do vấn đề hạn chế ngân sách, các lãnh đạo đại học trở nên "bế tắc", y như những lãnh đạo trong hệ thống chính trị, không nghĩ gì nữa, mà chỉ làm sao cho vừa vừa và mình kiếm được profile (lý lịch) để đi làm việc tiếp chỗ khác [cuốn Leadership & Ambiguity - The American College President].
Thế nên, câu chuyện về hợp tác giữa đại học với tập đoàn tư nhân, nó vừa có điểm hay, nhưng hầu hết, không mang lại quá nhiều thực sự giá trị cho sinh viên, cho giáo sư và môi trường nghiên cứu, nếu không dựa trên những nguyên tác hợp tác rất vững chắc về pháp lý và đạo đức nghiên cứu.
Bởi vô vàn thứ, đặc biệt ở Trung Quốc, đại học Trung Quốc và những nước không "chặt" về nhân quyền và đạo đức nghiên cứu, họ đã làm những sản phẩm "sốc" cả thế giới...dù đó là khoa học và từ giáo sư đại học. [4], [5]
Mỹ đang ý thức rõ việc "tụt hậu" các giá trị cơ bản của giáo dục và đại học Mỹ, thế nên trong 3 năm qua, những đề xuất cải cách đại học ở tầm vĩ mô, theo những hướng sau:
Trao nhiều quyền và tiếng nói quản lý, giám sát hoạt động đại học cho sinh viên và giáo viên nhiều hơn. [6]
Tạo dựng cơ chế tiến tới miễn phí tiền học đại học, đảm bảo cơ hội dành cho tất cả những ai có năng lực học và làm việc ở cấp độ đại học. [7]
Quản lý chặt chẽ sự minh bạch trong các vấn đề liên ngành giáo dục - sức khỏe - lao động, đặc biệt là từ vai trò trách nhiệm xã hội của các tập đoàn lớn.
Tránh tình trạng, học sinh sinh viên, đã nghèo, đã cần tiền học thì phải đi vay mượn suốt đời, nhưng tiền của đất nước, của người dân thì nuôi béo các tập đoàn chuyên trốn thuế một cách hợp pháp, làm "lủng" hết ngân sách nhà nước và từ đó, hỏng luôn cả hệ thống giáo dục tương lai.
Theo nghiên cứu của Viện Brookings, “Theo những đánh giá của bức tranh tổng thể, những gì chúng ta đang làm là làm cho những người giàu giàu hơn nữa trên những trả giá của những gia đình và con người nghèo khổ và của thế hệ tương lai” (In terms of the big picture, what it’s doing is making current rich people better off at the expense of lower-income households and future generations, William Gale, Brookings Institution).
Giáo dục Mỹ từ “Thế giới phẳng” đến “Xin cảm ơn, vì bạn đã đến muộn” |
Thời buổi này, tiền khan hiếm, ai cũng muốn cố mà kiếm để nuôi thân, hay ít ra để tồn tại! Nhưng cái sự “tồn tại” với giá phải trả trên tương lai của những thế hệ trẻ, bằng sự suy sụp đạo đức học thuật và nền tảng giáo dục nhân văn, nó là sự đổ vỡ tất yếu của tương lai.
Thế nên, mô hình hợp tác giữa trường - tập đoàn tư nhân, nó cần được hiểu và xây dựng dựa trên nguyên tắc rất cơ bản, đó là vì một xã hội công bằng hơn, vì lợi ích của số đông và tuân thủ đạo đức nghiên cứu, học thuật.
Với thực trạng của Việt Nam, tư nhân và đại học tư nhân năng động hơn so với đại học công...Chỉ có điều, nó cũng "máu lửa" hơn về vấn đề tiền, như tất cả ở đâu cũng phải thế.
Trong giáo dục, tôi nghĩ, dù tư hay công, dù khác nhau về nguồn tiền và mục đích sử dụng, nhưng vì liên quan đến con người và cuộc đời của học sinh là 80 năm, giáo dục nên được nhìn nhận dưới góc độ non profit (phi lợi nhuận), non-commercial (phi thương mại) thì sẽ tốt hơn cho tất cả.
Tác giả Nguyễn Thị Lan Hương. Ảnh tác giả cung cấp |
Còn ai thích kiếm tiền bằng đi buôn bằng, có lẽ không nên cho tồn tại, gây hại rất rất lớn cho toàn xã hội!
Với giáo dục ở Việt Nam, điều tiên quyết đầu tiên trước khi nói đến hợp tác, cần “mở” về tư duy, mở về tự do tư tưởng, rồi chúng ta mới bàn tiếp đến “hợp tác công – tư”, theo lợi ích vì một xã hội tốt cho tất cả nó nên như thế nào.
Theo quan điểm cá nhân, trong mọi mô hình hợp tác giữa đại học với các đối tác khác của nó, bất kể là tư nhân hay đối tác nào, đó là chúng ta cần những sinh viên, giáo sư, những lãnh đạo đại học "dám làm", dám hợp tác với những chỗ nào tư nhân có nguồn lực để cùng phát triển và dựa trên những nguyên tắc hợp tác cụ thể: đạo đức nghiên cứu và trách nhiệm xã hội minh bạch.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20190301140432282
[2] https://www.insidehighered.com/news/2017/10/03/%E2%80%98spy-schools-how-cia-fbi-and-foreign-intelligence-secretly-exploit-america%E2%80%99s
[3] https://www.acenet.edu/news-room/Pages/Statement-by-ACE-President-Ted-Mitchell-on-President-Trumps-Executive-Order-on-Free-Speech.aspx
[4] https://www.nytimes.com/2019/01/21/world/asia/china-gene-editing-babies-he-jiankui.html
[5] https://www.technologyreview.com/s/612212/the-first-social-network-of-brains-lets-three-people-transmit-thoughts-to-each-others-heads/
[6] https://www.insidehighered.com/quicktakes/2019/03/18/cassidy-warren-reintroduce-college-transparency-act
[7] https://www.nytimes.com/2019/04/22/us/politics/elizabeth-warren-student-debt.html