LTS: Bài viết "Học ít sao người ta vẫn cứ giỏi?" của cô giáo Phan Tuyết đã nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.
Qua trao đổi với một số người quen, cô Phan Tuyết đã tìm ra bí quyết của người Mỹ trong việc giáo dục học sinh tiểu học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau bài viết “Học ít sao người ta vẫn cứ giỏi?”, chúng tôi đã may mắn khi có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với một số người quen thân có con học tiểu học hiện đang định cư tại Mỹ.
Thông tin lại cuộc trò chuyện về giáo dục tiểu học ở Mỹ để trả lời câu hỏi “học ít sao vẫn giỏi” mà tác giả đặt trong bài viết của mình.
Học sinh vừa học vừa chơi
Phụ huynh có quyền chọn cho con trường tư thục hay trường công lập. Tùy theo bang mà các trường tiểu học thường có các cấp lớp từ mẫu giáo cho tới lớp 4, lớp 5 hoặc lớp 6.
Học sinh ở nhà tự đi đến các bến xe bus, tại đây các em được xe của nhà trường đưa rước đến tận trường.
Học sinh Mỹ vừa học vừa chơi. Ảnh: Thu Hồng/ Giaoduc.net.vn |
Thời khóa biểu học của các em có thể nói bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 3 giờ chiều.
Mỗi lớp học chỉ khoảng 15-20 em học sinh do 2 giáo viên phụ trách dạy tất cả các môn học chính. Những môn học còn lại có giáo viên chuyên đảm nhận.
Học sinh đi học 5 buổi một tuần từ thứ 2 đến thứ 6. Mỗi tuần có khoảng vài buổi chiều các em ở lại trường học thêm thể thao như bóng rổ, bóng chày, đá bóng, bơi lội hoặc học piano, học vẽ.
Những học sinh có lực học yếu sẽ được phụ đạo thêm kiến thức. Tất cả việc học của trẻ ở trường đều miễn phí.
Lịch học nghe có vẻ dày nhưng nhiều học sinh cho biết học nhàn tênh, chẳng gò ép, áp lực tẹo nào.
Phần lớn các em không phải làm bài tập về nhà, sách vở học xong để tại trường luôn.
Nếu có bài tập cũng chỉ là 1 tờ giấy A4 ghi các phép cộng trừ, hay 1 bức tranh cần tô thêm màu hoặc cảm nhận về việc đọc sách, hay học được gì từ những trang sách ấy…
Tất cả bài tập về nhà đều được giáo viên photo gửi về cho mỗi bạn một tờ. Riêng sách có nhiều trong thư viện của trường.
Học sinh chỉ phải làm bài tập về nhà khoảng 20-30 phút là đảm bảo yêu cầu.
Trong sách giáo khoa, học sinh có quyền cắt dán tranh để ghép vào từ chỉ phù hợp hoặc có thể nối ý nghĩa tương ứng của từ.
Trong lớp, học sinh tự do tùy ý thảo luận, có thể nói, cười ầm ĩ, giáo viên và học sinh thường xuyên cùng ngồi bệt trên mặt đất không phân biệt lớn bé, vào giờ học mà cứ như đang chơi trò chơi.
Các em không buộc phải tính nhẩm nhanh hay viết chữ đẹp. Khá nhiều học sinh chữ như “mèo cào” hay “gà bới” nhưng vẫn không bị thầy cô ép để luyện chữ như bên ta.
Không buộc học sinh học theo sách giáo khoa một cách thống nhất.
Để dạy một cách đại trà cho mọi đối tượng trong lớp, giáo viên thường căn cứ vào năng lực sáng tạo cùng với tố chất của từng em để dạy và giao bài tập nghiên cứu cho phù hợp tránh gây áp lực.
Một phụ huynh có học sinh lớp 5 nói rằng “ở Việt Nam, con học nặng về kiến thức, lại học quá nhiều môn. Nhưng qua bên này, kiến thức yêu cầu các em có phần nhẹ hơn nhiều".
Đã thế, học sinh có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động thể chất khác nhau.
Xen kẽ trong các giờ học là các trò chơi, trẻ vừa chơi vừa học nhưng vẫn khắc sâu được kiến thức của bài.
Học sinh được thực hành nhiều hơn là việc phải ngồi căng đầu để nhồi nhét kiến thức.
Ví như thầy cô luôn khuyến khích các em tùy ý mượn tài liệu trong thư viện và tra cứu tài liệu trực tuyến trong kho dữ liệu của trường để hoàn thành bài tập.
Trong khi đó, học sinh bậc trung học của ta còn chưa làm được điều này.
Kết hợp linh hoạt với giáo dục ở gia đình
Việc phối hợp dạy, giáo dục học sinh với gia đình các em nơi đây luôn tế nhị nhưng rất hiệu quả. Họp phụ huynh bên Mỹ khác xa kiểu họp của người Việt chúng ta.
Trước cuộc họp một tuần, giáo viên gửi giấy về nhà để bố mẹ đăng ký giờ phù hợp đến họp cho con. Mỗi phụ huynh sẽ có riêng 15 phút để gặp gỡ thầy cô giáo của con.
Nguyên tắc được đề cao là quyền cá nhân và quyền riêng tư của người học.
Sau buổi họp riêng với giáo viên, phụ huynh sẽ vào buổi họp chung cùng cả lớp.
Vào cuộc họp, bố mẹ được xếp vào chỗ của con mình hàng ngày vẫn ngồi.
Trên đó, có tên con, tập tài liệu về chương trình học, thời khóa biểu, vài tờ rơi và… bức thư của con gửi chính bố mẹ mình.
Sau buổi họp, phụ huynh cũng viết những lời gửi gắm cho con của mình để hôm sau các cô cậu bé đến lớp sẽ đọc.
Suốt cả buổi họp, nhà trường chỉ tập trung vào nội dung làm thế nào để cùng gia đình giáo dục, dạy dỗ các em thật tốt vào năm tới.
Chị Hòa mẹ cậu bé học lớp 5 bên Mỹ nói rằng:
“Thời gian đầu mới sang thấy các con học nhàn quá tôi cũng xót ruột. Hỏi giáo viên được trả lời “Nơi này học sinh sẽ được chú trọng phát triển toàn diện chứ không tập trung vào kiến thức”.
Có lẽ nhờ thế mà nền giáo dục Mỹ luôn được đánh giá một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới.
Học sinh Mỹ không có những thành tích học tập nổi trội, không có kết quả cao trong các kì thi quốc tế như học sinh Việt Nam.
Nhưng họ đã tạo ra được những con người biết khẳng định bản thân, có tư duy sáng tạo, có năng lực lãnh đạo tốt và có nhiều nhà bác học đạt giải Nobel.
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và kinh nghiệm của riêng tác giả.