Vụ gian lận điểm thi của một số thí sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 đang trong quá trình điều tra thì một số lãnh đạo ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình đều lên tiếng rằng mình không hề có chuyện can thiệp để nâng điểm cho con.
Một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La khi biết được thông tin con trai mình nằm trong danh sách các thí sinh được nâng điểm, ông này khẳng định bản thân không tác động để con được nâng điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018.
Thêm một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Sơn La cũng nằm trong danh sách nghi vấn được nâng điểm thi, vị lãnh đạo này cũng rất bức xúc và phát biểu rằng con gái của mình đỗ vào trường đại học bằng chính năng lực của mình.
Vị Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) nói ông không biết việc con mình bị hạ điểm sau chấm thẩm định vì chưa thấy ai thông báo. Ông cũng khẳng định gia đình không có sự tác động nào để con được nâng điểm.
Danh sách thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La. Ảnh Minh họa: Báo Tiền Phong. |
Trong 222 thí sinh ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La được nâng điểm ở kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018, nhiều em sau khi chấm thẩm định bị điểm liệt (từ 1 trở xuống), thậm chí có em cả ba bài đều bị điểm liệt.
Sau khi danh sách các thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 được hé lộ, nhiều phụ huynh nói họ không hề biết việc con cái được nâng điểm?
Nhiều nghi vấn thí sinh chủ động không làm, hoặc viết rất ít vào phiếu trắc nghiệm để sau can thiệp điểm cho dễ dàng.
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường - Phó Viện trưởng Viện phát triển Mekong, Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Việc nói không biết được nâng điểm là điều hết sức vô lý vì việc nâng điểm có thể đã được chuẩn bị trước khi học sinh đi thi?
Tôi cũng đã kiểm tra số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mấy tỉnh như Hòa bình, Hà Giang, Sơn La năm 2018 thì không hề có điểm không nào ở tất cả các môn. Sau khi chấm thẩm định mới phát hiện ra có một số điểm 0 và điểm dưới 1.
Theo tôi thì khi thí sinh đã mất công đi thi 3 buổi liền, cứ cho là các em điền lung tung thì cũng chỉ mất thời gian khoảng 1 phút là điền hết, như vậy thì cũng không thể nào được 0 điểm hoặc 2 điểm được.
Nhiều môn thi Trung học phổ thông là trắc nghiệm với 4 đáp án cho mỗi câu trả lời và chỉ cần chọn câu trả lời ngẫu nhiên cũng có thể đúng được 25% số câu hỏi.
Các bài thi có 40 câu, nếu thí sinh chọn ngẫu nhiên câu trả lời thì trung bình cũng được 2,5 điểm. Tuy nhiên muốn được điểm dưới 1 không hề dễ chút nào. Với 40 câu hỏi và xác suất đúng là 0.25 thì số câu trả lời đúng nó sẽ phân phối theo quy luật nhị thức (binomial distribution)”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường: Nếu cả thế giới này đi thi trắc nghiệm và yêu cầu chọn ngẫu nhiên thì cũng chưa chắc tìm được ai có 2 điểm 0. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Vậy theo ông ở đây có việc các thí sinh đã chủ động không làm bài thi?
“Muốn được dưới 1 điểm thì thí sinh chỉ được phép đúng tối đa 3 câu, và xác suất để đúng tối đa 3 câu này là 0.0047. Xác suất để được điểm 0 thì còn bé hơn nhiều bằng 0.00001006.
Giả sử chúng ta xem xét xác suất được dưới 1 điểm thì với tổng số thí sinh là 900.0000 em thì sẽ có 4230 thí sinh được dưới 1 điểm. Con số này vẫn khá nhiều nên vẫn có thể các thí sinh được nâng điểm thực sự bị dưới 1 điểm.
Tuy nhiên mấu chốt vấn đề là một số thí sinh được điểm cả 3 bài thi dưới 1 điểm và thậm chí có cả điểm 0. Được một điểm dưới 1 đã khó, mà được cả 3 điểm dưới 1 là vô cùng hy hữu.
Xác suất được 3 bài thi đều dưới 1 điểm là 0.0047 mũ 3, tức là 1.035e-07, khoảng 1 phần 10 triệu. Có thí sinh thậm chí còn được 2 điểm 0, mà xác suất được 2 điểm 0 là một phần 10 tỷ.
Kết quả học tập của các chiến sĩ cơ động Lạng Sơn không được phép cung cấp |
Có nghĩa nếu cả thế giới này đi thi trắc nghiệm và yêu cầu chọn ngẫu nhiên thì cũng chưa chắc tìm được ai có 2 điểm 0.
Vậy mà ở mấy tỉnh với vài chục nghìn học sinh thôi mà tìm được mấy em như vậy thì chắc mọi người cũng có thể suy đoán được có điều gì đó ở đây.
Như vậy có thể suy luận được là trước khi thi, những thí sinh này đã biết trước rằng họ sẽ được nâng điểm, thí sinh biết thì không thể nói cha mẹ không biết được và chắc chắn các mối quan hệ này đều là quan hệ của bố hoặc mẹ”, ông Cường nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng tháp) bày tỏ quan điểm trên báo Điện tử Vtcnews: “Những trường hợp gian lận điểm thi đều là thí sinh của các trường trọng điểm Quốc gia càng khiến dư luận bất bình.
Chỉ con quan mới được nâng điểm thi, mới gian lận trong thi cử, còn người dân thì họ đâu có biết ai với ai đâu mà móc nối để nâng điểm thi cho con em họ”.
Đối với những người tạo ra hành lang, cơ sở để gian lận trong thi cử thì dù là bất cứ ai, dù ở cương vị nào cũng cần thiết phải bị xử lý thích đáng, để người dân thấy được sự bình đẳng, công tâm, công bằng.
“Tôi rất đồng tình với việc công khai, công bố danh tính của những thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi vừa qua và đồng thời cũng phải nêu luôn những thí sinh đó là con em của ai, làm gì, ở đâu, như thế nào?
Về việc xử lý đối với các vị phụ huynh cố ý móc nối mua điểm, cơ quan điều tra cần làm việc cụ thể xem lỗi của họ nằm ở khoản nào, ở đâu, là do họ hay là do người khác?
Ai là người trực tiếp, ai gián tiếp, ai là cộng sự, tiếp tay... tôi nghĩ rằng cơ quan điều tra họ sẽ phải làm rõ vấn đề”, ông Hòa nói (1)
Tài liệu tham khảo:
(1). https://vtc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-phai-trung-tri-thich-dang-nhung-can-bo-cau-ket-nang-diem-thi-cho-con-d470024.html