12 thí sinh có gian lận điểm thi phải cho nghỉ học

26/04/2019 06:49
Tùng Dương
(GDVN) - Đối với các thí sinh không may bị trượt trúng tuyển vì phải nhường chỗ cho những thí sinh gian lận sẽ được đảm bảo quyền lợi, sự công bằng ra sao?

Câu chuyện về gian lận thi cử bằng hình thức nâng điểm tại kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 đã làm dư luận xã hội rất bất bình, từ những nghi vấn đến các sai phạm đang dần được làm rõ, rồi khởi tố, tạm giam những đối tượng vi phạm.

Vấn đề đang được xã hội quan tâm nhất là xử lí những thí sinh này ra sao? Họ có được tiếp tục theo học nữa hay không?

Đối với các thí sinh chẳng may không trúng tuyển vì phải nhường chỗ cho những thí sinh gian lận sẽ được đảm bảo quyền lợi ra sao?

Và rồi từ vụ việc này cách xử lí những người vi phạm có được đưa vào quy chế kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia, hay quy chế xét tuyển Đại học trong những năm tiếp theo đều là những câu hỏi đang được đặt ra.

Hiện các trường tại khối công an và quân đội đã buộc thôi học toàn bộ các thí sinh có liên quan tới gian lận điểm thi, dù điểm chấm lại có đủ đỗ hay không. Ảnh minh họa - đài Truyền hình Việt Nam.
Hiện các trường tại khối công an và quân đội đã buộc thôi học toàn bộ các thí sinh có liên quan tới gian lận điểm thi, dù điểm chấm lại có đủ đỗ hay không. Ảnh minh họa -  đài Truyền hình Việt Nam.

Theo kết quả điều tra và chấm thẩm định cho thấy tỉnh Sơn La có 44 thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây, trong đó thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm tổng cả 3 môn.

Trong khi đó tại Hòa Bình kết luận giám định và kết quả chấm thẩm định được xác định là 64 thí sinh được can thiệp, nâng điểm ít nhất là từ 0,2 điểm đến cao nhất là 9,25 điểm cho 1 môn thi.

Số thí sinh này nhập học tại 26 trường Đại học và Cao đẳng thuộc nhiều khối ngành khác nhau gồm có công an, quân đội, kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng, sư phạm.

Hiện các trường tại khối công an nhân dân và các trường của quân đội đã buộc thôi học toàn bộ các thí sinh đang theo học tại khối ngành này, dù điểm chấm lại có đủ đỗ hay không. 

Trả lời Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Giáo sư Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích:

“Trong số các trường dân sự thì có 81 thí sinh trúng tuyển vào 26 trường Đại học có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển, các em này đã buộc phải thôi học.

12 trường hợp sau khi chấm thẩm định thì điểm của các em vẫn lớn hơn hoặc bằng điểm trúng tuyển vào ngành hoặc trường của các em đang học, hiện nay việc điều tra chưa kết thúc nên chưa khẳng định được các thí sinh này sai phạm trong gian lận thi cử vừa qua.

Nhưng khi có kết quả điều tra chính thức được kết luận các thí sinh này có sai phạm trong thi cử, thì chắc chắn các em sẽ bị xử lí nghiêm, đương nhiên lúc đó các em sẽ buộc phải thôi học”.

Việc xử lí đã cho các em thôi học là nằm trong quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay do cơ chế tuyển sinh của từng trường?

Ông Trinh nói: “Việc tuyển sinh nằm trong tinh thần tự chủ của các trường Đại học, nhưng tuân thủ theo quy chế, những trường khối công an và quân đội ngoài quy chế chung thì các trường này còn có quy định riêng liên quan đến phẩm chất đạo đức chính trị trong công tác tuyển sinh”.

Với những thí sinh đã bị phát hiện có gian lận trong đợt thi cử vừa qua, thì sang năm các em đó có được tham gia thi tiếp hay không?

“Mức độ xử lí tùy thuộc vào sai phạm của các em, hiện nay khi kết quả điều tra chưa khẳng định các em sai phạm thì theo quy chế hiện hành các em vẫn có thể vẫn được đăng kí dự thi kì thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019.

Tuy nhiên kể cả các em đã đăng kí dự thi hoặc tới đây đã dự thi, nhưng khi cơ quan điều tra kết luận là các em sai phạm thì đương nhiên là các em sẽ bị tước kết quả thi trong năm tới”, ông Trinh nói. [1]

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh minh họa - Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh minh họa - Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam.

12 thí sinh được nâng điểm vẫn tiếp tục được học là không đúng

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng viện Nghiên cứu ứng dụng nêu quan điểm: “Những người nói vì nhân văn không nên công khai danh tính các thí sinh có hành vi gian lận là không công bằng, các em được sửa điểm đó đã cướp đi cơ hội của những em xứng đáng hơn.

Hành động đó là cướp đi cơ hội, niềm hi vọng của biết bao gia đình, nhất là với những em học thật, thi thật nhưng lại phải nhường chỗ cho các em gian lận thì thử hỏi tính nhân văn ở đâu?

Có ý kiến cho rằng các em hoàn toàn không biết việc mình bị nâng điểm, việc đó là bố mẹ tự làm? Việc đó lại càng sai, các em thừa biết trình độ học thức của mình đến đâu và đồng nghĩa cũng biết mình có làm được bài hay không.

Khi thấy điểm bài thi của mình cao vọt thì chắc chắn các em biết có sự nâng đỡ của bố mẹ, và đồng tình với cái sai đó. Vậy thử hỏi các em bước vào ngưỡng cửa cuộc đời bằng sự dối trá thì hi vọng gì sau này các em sẽ làm việc tử tế!

Những bài thi từ 0 điểm được sửa thành 8-9 điểm thì hỏi công bằng ở đâu cho hàng nghìn thí sinh khác? 12 thí sinh được nâng điểm vẫn tiếp tục cho học là không được”, ông Sơn nói.

12 thí sinh có gian lận điểm thi phải cho nghỉ học ảnh 3Phải chăng ngành giáo dục Sơn La đã hết cán bộ?

Báo Điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam dẫn lời ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội:

Sau khi cơ quan công an công bố kết quả thẩm tra điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018, Bộ Công an đã trả về địa phương 28 thí sinh ở Hòa Bình và 25 thí sinh đến từ Sơn La vì có gian lận điểm. 

Nhưng nhiều trường Đại học khối dân sự vẫn cho phép thí sinh có điểm thi chấm thẩm định thấp hơn tiếp tục học vì có tổ hợp môn thi đạt hoặc cao hơn điểm trúng tuyển.

Nhưng điểm chấm thẩm định của thí sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 lại gắn với những sai phạm trong gian lận điểm thi thì cần phải xem xét lại.

Nếu xét về khía cạnh đạo đức, trung thực trong thi cử thì không thể chấp nhận được 12 thí sinh được nâng điểm tiếp tục học ở trường được, ông Trần Văn Tớp cho biết. [2]

Cũng theo Báo Điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Vinh - chuyên gia Giáo dục nêu quan điểm:

Nếu so sánh việc 1 thí sinh được nâng điểm với 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi dù chưa sử dụng đã bị hủy kết quả bài thi, thì việc để cho thí sinh được nâng điểm tiếp tục học Đại học là không hợp lý.

Phần mềm máy tính không thể biết được số báo danh, địa chỉ, tên tuổi của thí sinh để tự động nâng điểm, chỉ có tác động của con người thì mới có sự thay đổi về điểm số, đây không phải tự dưng vô cớ thí sinh được nâng điểm thi.

Vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường Đại học nên buộc thôi học những em này. [2]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtv.vn/video/van-de-hom-nay-23-4-2019-363450.htm

[2] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/can-buoc-thoi-hoc-12-thi-sinh-duoc-nang-diem-dang-tiep-tuc-duoc-hoc-901423.vov

Tùng Dương