Chị Dương Thị Sắn, phụ huynh của học sinh trong bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho biết: "Tôi chỉ nói miệng, không ngờ cô giáo vẫn làm thật".
Theo chị Sắn con trai chị là một trong số những học sinh hay nói chuyện riêng trong lớp.
Vì thế nên cô Lê Thị Quy có mời chị cùng một số phụ huynh khác lên trường để trao đổi.
Chị Sắn kể: "Trước đó tôi được cô Quy cho biết con nhà tôi là một trong những học sinh hay nói chuyện riêng trong lớp.
Cô Quy mời tôi lên lớp để họp phụ huynh.
Hôm đó có 5 phụ huynh họp với cô Quy. Nghe cô Quy nói xong tôi có bảo “cô cứ phạt nặng để răn đe các cháu”.
Nếu các cháu không nghe cô cứ phạt quỳ trước lớp chứ không cần nói nhiều. Lúc đó tôi nghĩ làm như vậy để phạt các cháu, khiến các cháu sợ.
Hình thức phạt như này thì đứa nọ nhìn đứa kia có khi chúng nó biết sợ chứ phạt trực nhật hay dọn vệ sinh thì đâu lại vào đấy".
Mặc dù là người đề xuất hình phạt quỳ nhưng chị Sắn lại cho biết thêm: "Lúc đó tôi chỉ nói miệng chứ không nghĩ cô Quy sẽ làm thật".
Một phụ huynh khác (xin được giấu tên) cũng có mặt trong buổi họp hôm đấy cho biết: Việc đề xuất hình phạt quỳ là do phụ huynh và có sự chứng kiến của nhiều người.
Theo người này khi chị Sắn đề xuất hình phạt quỳ đối với học sinh không phụ huynh nào có ý kiến gì. Hình phạt trên cũng không phải là hình phạt do cô Quy nghĩ ra.
"Hôm đấy tôi được cô Quy thông báo lên họp phụ huynh bàn về tình hình học tập của cháu. Sau khi cô Quy nhận xét từng cháu 1, chị Sắn có con bị nhắc vì hay nói chuyện lên tiếng.
Chị Sắn nói: "Nếu các cháu không nghe lời cô cứ phạt quỳ để răn đe".
Chúng tôi khi đó cũng không có ý kiến gì. Mấy hôm sau thì sự việc được đăng lên mạng".
Mẹ nam sinh bị phạt quỳ cho rằng mình chỉ nói vậy không nghĩ cô giáo sẽ làm thật (Ảnh: Vũ Ninh) |
Vị phụ huynh này cùng nhiều phụ huynh khác của trường Trung học cơ sở Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) bày tỏ sự thông cảm đối với cô Lê Thị Quy và cho rằng không nên đẩy sự việc đi quá xa.
Chị Dương Thị Mùi, phụ huynh có con đang học lớp 9 tại Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu cho biết:
"Tôi là người cùng làng với cô Quy và biết cô Quy đã lâu. Tôi tin cô Quy làm vậy cũng chỉ muốn tốt cho học sinh cũng vì xuất phát từ cái tâm của người giáo viên.
Nhưng có lẽ các phạt của cô chưa được hợp lý nên các phụ huynh mới phản ứng như vậy.
Tôi cho rằng không nên đẩy sự việc đi quá xa trong khi con mình cũng có lỗi và động cơ của cô cũng không phải tâm địa gì.
Là phụ huynh tất nhiên tôi mong con cái của mình chăm ngoan học giỏi. Nhưng việc đưa ra các hình phạt là cần thiết.
Nếu các phụ huynh không hài lòng với cô nên trực tiếp góp ý với cô chứ không cần thiết phải chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội như vậy".
Đồng quan điểm với chị Mùi nhiều phụ huynh ủng hộ không đẩy sự việc đi quá xa và mong báo chí dừng khai thác câu chuyện này.
Anh Nguyễn Văn Phong, phụ huynh học sinh trường Trung học cơ sở Tô Hiệu bày tỏ:
"Tôi mong mọi người dừng câu chuyện này tại đây. Phụ huynh cũng không nên đi quá xa vì dù sao cô Quy cũng là một giáo viên tâm huyết.
Câu chuyện này sẽ là bài học cho cả hai bên. Phụ huynh cần quan tâm và phối hợp với giáo viên trong việc giáo dục học sinh.
Bên cạnh đó các cô giáo muốn phạt cũng cần lựa chọn hình thức phạt hợp lý tránh xúc phạm các cháu".
Đến thời điểm này, cô Lê Thị Quy, giáo viên phạt học sinh bằng hình thức quỳ gối vẫn đang trong thời gian bị đình chỉ công tác.
Cô Quy khẳng định đã dùng nhiều biện pháp giáo dục học sinh nhưng không hiệu quả, bất đắc dĩ mới phạt học sinh quỳ gối.
Cô Quy kể: "Tôi biết phạt như thế là sai nhưng vì có chị Sen là mẹ của cháu Thắng đề xuất hình phạt trên nên tôi mới đồng ý.
Họ đưa ra hướng như vậy vì muốn các con không phải đi nhặt cỏ hay ra ngoài trường nắng, bị bẩn mà vẫn được viết bài, nghe giảng mà vẫn tiến bộ.
Lúc đó tôi biết việc này là sai về chuẩn mực sư phạm, nhưng tôi vẫn đồng ý với nhóm phụ huynh vì đều là người cùng địa phương và xuất phát từ lương tâm người thầy".
Bức ảnh học sinh lớp 9 bị phạt quỳ gây nhiều tranh cãi (Ảnh: Phụ huynh cung cấp) |
Cô Lê Thị Quy cũng cho biết thêm:Trước khi áp dụng hình phạt này cô cũng đã thông báo trước cho học sinh và nói rõ hình phạt sẽ được áp dụng từ tuần sau. Ngoài ra học sinh của cô cũng tiến bộ đáng kể:
"Hình ảnh này do một phụ huynh chụp lại. Nhưng phụ huynh đó không phải là phụ huynh của em bị quỳ.
Thực ra tôi bất lực với nhiều biện pháp. Có những giờ giáo viên họ kêu: Cô ơi cháu không thể dạy được.
Tôi dùng tất cả những biện pháp rồi, tôi tâm sự rồi, nói chuyện rồi. Tôi cũng phạt các cháu bằng hình thức trực nhật lớp 1 tuần hoặc 1 buổi.
Với 5 cháu học sinh này đã thực hiện những nội quy đó rồi nhưng các cháu tiến bộ rất chậm. Tôi mời 5 phụ huynh của các cháu đến để bàn về biện pháp giáo dục.
Phụ huynh có đề nghị là con nhà tôi hư thế này tôi tha thiết đề nghị cô phạt cháu quỳ ở lớp đây này.
Tôi nói không cô nào muốn phạt học sinh như vậy. Đây là phụ huynh họ đề nghị phạt như vậy cho con họ tiến bộ.
Trước khi thực hiện tôi cũng đã nói trước lớp phụ huynh yêu cầu như thế từ lần sau còn hư cô sẽ làm và sẽ làm từ tuần sau.
Những học sinh bị quỳ như vậy sau một thời gian đã tiến bộ trông thấy. Sự việc này là một bài học xương máu đối với bản thân tôi".
Sự việc cô giáo phạt học sinh quỳ trên lớp đang gây một luồng dư luận tranh cãi trái chiều.
Một phần cho rằng việc cô Quy phạt như thế là xúc phạm nhân phẩm học trò và không nên có trong môi trường giáo dục.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự cảm thông với cô Lê Thị Quy đồng thời cho rằng các phụ huynh không nên đẩy sự việc đi quá xa.
Cô Lê Thị Quy cho rằng đây là bài học xương máu của mình (Ảnh: VietnamNet) |
Thầy giáo Lê Minh Đăng, giáo viên cấp 2 tại Hà Nội cho biết:
"Tôi nghĩ rằng việc phạt học trò quỳ nhiều người cho rằng có thể không đúng và phản cảm.
Nhưng thế hệ chúng tôi đi trước còn từng phải quỳ trên sỏi, hạt đậu, vỏ mít.
Tuy nhiên tôi cho rằng nhờ có những hình phạt như vậy mà chúng tôi nên người. Có thể hiện nay tư tưởng nhiều phụ huynh họ cưng chiều con cái mình thái quá.
Việc bắt học sinh quỳ có thể phản giáo dục nhưng không nghiêm trọng đến mức phải làm đơn tố cáo cô giáo.
Hệ lụy bây giờ cô giáo bị kỷ luật mà gia đình cũng chịu điều tiếng không tốt.
Cách tốt nhất là phụ huynh và giáo viên nên ngồi lại cùng nhau tìm ra phương pháp giáo dục hiệu quả.
Cả hai bên nên bình tĩnh tìm cách tháo gỡ, không nên căng thẳng với nhau làm gì".