Ngày 11/5, giáo viên Lê Thị Quy (chủ nhiệm lớp 9B trường Trung học Tô Hiệu huyện Thường Tín (Hà Nội) đã bị đình chỉ giảng dạy một tuần với hành vi phạt học sinh quỳ trong lớp.
Mặc dù cô giáo đưa ra lý do “việc bắt học sinh quỳ là làm theo đề nghị của phụ huynh”.
Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh phải được xây dựng trên cơ chế thưởng phạt phân minh (Ảnh minh họa của Vũ Ninh) |
Nhưng ông Nguyễn Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết “hành vi của giáo viên này là không thể chấp nhận.
Dù phụ huynh có đề nghị nhưng việc cho học sinh quỳ là không đúng với quan điểm giáo dục và phương pháp sư phạm".
Nhiều ý kiến đa chiều
Không ít bình luận cho rằng, chuyện giáo viên phạt quỳ học sinh là quá bình thường.
Ngày xưa đi học còn bị thầy cô phạt quỳ xơ mít, bị quỳ cuối lớp, bị úp mặt trên bảng, bị đánh bầm mông…cũng chẳng sao.
Nhờ gặp thầy cô nghiêm khắc, mới nên người như ngày hôm nay.
Nhiều người lại phản đối và cho rằng thầy cô phạt học sinh quỳ là sĩ nhục các em. Giáo dục không thể dùng bạo lực như thế.
Người lấy ví dụ ở các nước tiên tiến không bao giờ thầy cô dùng bạo lực, sao học sinh vẫn cứ ngoan?
Lập tức có nhiều ý kiến phản ứng, chúng ta chưa thể so sánh với các nước ấy vì trình độ dân trí hai bên khác nhau quá xa.
Việc giáo dục học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ gia đình, nhà trường đến môi trường xã hội, môi trường sống xung quanh đứa trẻ.
Khi những môi trường của chúng ta chưa bằng họ mà áp dụng kiểu giáo dục “ngọt ngào” chỉ tạo ra những thế hệ nửa ông, nửa thằng loạn hết mà thôi.
Vì sao khi giáo viên dùng hình phạt với trò dù nhẹ vẫn bị phản ứng dữ dội?
Mới chỉ cách đây 20 năm, chuyện thầy cô phạt trò bằng roi, bắt quỳ, bắt thụt dầu không bị phụ huynh phản ứng mà trái lại còn được khuyến khích “nhờ thầy cô nghiêm khắc cháu mới nên người”.
Khi học sinh bị phạt trên lớp cũng chẳng em nào dám về nói với gia đình vì sợ rằng nghe xong, ba mẹ lại nổi trận lôi đình phạt cho trận đòn đau gấp đôi thầy cô giáo.
Thế là về nhà sợ ba mẹ, lên trường sợ thầy cô nên phần lớn sau khi dùng hình phạt với trò, các em thường ngoan và tiến bộ rõ rệt.
Giáo viên thời ấy có sự “hậu thuẫn” từ gia đình học sinh vì thế em nào lười học, em nào hư, thầy cô chỉ cần nói “sẽ viết giấy mời phụ huynh” tức khắc học trò lại trở nên nghe lời hẳn.
Thế nhưng ngày nay, sự hậu thuẫn của gia đình với giáo viên đã không còn nữa.
Phần đông các gia đình đã trao “bảo bối” ấy cho con cái mình.
Vì thế, khi bị thầy cô la mắng, quát nạt lúc các em phạm lỗi, không ít học trò lập tức “xù lông” phản ứng hoặc gọi người khác tấn công lại thầy cô.
Có người còn luôn dặn con mỗi ngày đến trường “Thầy cô có đánh đập, có mắng chửi phải nói cho cha mẹ biết ngay”.
Lại có người con đi học về hỏi ngay câu đã trở thành cửa miệng “Hôm nay, đi học trên trường có bị thầy cô đánh không?”
Xét nguyên nhân sâu xa, sự lo lắng của phụ huynh lại bắt nguồn từ việc hành xử dã man, tàn nhẫn và vô cảm của một số thầy cô giáo.
Những vụ bạo hành học sinh gây chấn động dư luận, gây căm phẫn cho mọi người trong thời gian vừa qua như một vết hằn sâu trong tâm trí những bậc cha mẹ đang có con đi học.
Những vụ thầy đánh trò gãy tay, đánh trọng thương phải nhập viện, cô tát trò đến xưng húp mặt, đánh thủng màng nhỉ, đánh tổn thương mắt hay việc giáo viên cho học sinh tát nhau hàng trăm cái, cho học trò uống nước giẻ lau…
Những thầy cô giáo ấy đã biến môi trường giáo dục an toàn bỗng trở nên đáng sợ.
Ai có con đang đi học mà chẳng lo, chẳng xót.
Bởi thế, chỉ cần nghe con nói “Hôm nay con bị cô giáo đánh”.
Có phụ huynh đã tưởng tượng ra cảnh bạo tàn khủng khiếp và lao đến trường trút giận. Làn sóng phản đối bạo lực học đường cũng dấy lên từ đấy.
Nên cho giáo viên một chút quyền
Giáo viên hiện nay bị tước hết công cụ giáo dục. Thầy cô như những người thợ cày nhưng ra đồng lại chẳng có cày, có cuốc trên tay.
Như người lính xung trận nhưng không hề có súng, có đạn.
Học trò ngày càng ít nghe lời thầy cô khi chính các em được gia đình bao bọc quá kĩ.
Chỉ một lời la mắng, quở trách, một roi phạt vào mông, một cái véo tai hay bắt phạt quỳ, thụt dầu thậm chí phạt lao động…khi trò phạm nội quy trường lớp.
Không ít phụ huynh đã làm lớn chuyện kiện cáo khắp nơi cho đến khi thầy cô đến nhà xin lỗi hoặc bị kỉ luật mới thôi.
Dư luận đã quá khắt khe với người thầy nên nhiều giáo viên đã không dám nghiêm khắc với các em.
Thầy cô chỉ lo hoàn thành nhiệm vụ dạy mà bỏ qua vai trò giáo dục học sinh.
Trò lười chẳng ai dám mắng, trò hư, nghịch ngợm chẳng ai muốn khuyên răn.
Hậu quả này đâu chỉ mỗi gia đình mà toàn xã hội phải gánh chịu. Thật đáng buồn thay!
Tài liệu tham khảo:
https://vtc.vn/dinh-chi-co-giao-phat-hoc-sinh-quy-trong-lop-o-ha-noi-d474283.html?fbclid=IwAR3AK7RJ7EenYXZ_e3x9Vrmixm6wtK4SPZH8q2-TCPJrjnQZUevV2vHgtVs