Lập lờ hai trong một
Chuẩn bị bước vào hè, nhiều trường tiểu học tại Hà Nội đã phát thông báo đến giáo viên chủ nhiệm để chuyển đến phụ huynh đăng ký danh sách mua sách giáo khoa cho năm học mới.
Vấn đề sách giáo khoa, sách tham khảo vài năm trở lại đây khiến không ít phụ huynh đau đầu và bức xúc bởi không biết chọn sách nào cần thiết, cuốn nào có cũng như không để không lãng phí.
Chiết khấu, hoa hồng cao, bán được càng nhiều càng tốt, đặc biệt những cuốn sách tham khảo, sách bổ sung đang len lỏi vào tận cửa lớp học khi các con chuẩn bị nghỉ hè. Ngoài danh mục sách giáo khoa cơ bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường học đang tìm mọi cách để phụ huynh mua thêm sách tham khảo, sách bổ sung với lý do "tốt cho các con".
Có nhiều trường trường liệt kê chi tiết từng danh mục rõ ràng gồm sách giáo khoa và sách bổ trợ, sách tham khảo riêng biệt kèm theo giá bán lẻ từng quyển để phụ huynh lựa chọn đăng ký cho con chuẩn bị vào năm học mới.
Tuy nhiên, cũng không ít trường vì hai chữ “hoa hồng” đã cố tình lập lờ sách giáo khoa và sách tham khảo để phụ huynh khó nhận biết. Thời gian quyết định gấp, chậm sẽ không thể đăng ký, thiếu thông tin, nhiều phụ huynh phải cắn răng đăng ký tất vì lo con thiếu sách học.
Vì thế một bộ sách giáo khoa của học sinh có giá tiền gấp nhiều lần so với bộ sách tối thiểu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Phiếu đăng ký mua sách của Trường tiểu học thị trấn Yên Viên có giá cao gấp nhiều lần so với giá sách của Nhà xuất bản Giáo dục. Ảnh: |
Bộ sách giáo khoa cơ bản chỉ có giá 58.000 đồng/bộ, nhưng Trường tiểu học thị trấn Yên Viên có giá gần 500.000 đồng/bộ. Ảnh: NVCC. |
Phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều phụ huynh có con em đang theo học Trường tiểu học thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội) bức xúc việc nhà trường thông báo đến phụ huynh đăng ký mua sách giáo khoa rất mập mờ. Bộ sách giáo khoa của trường có giá “trên trời” so với thông tin từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Phiếu đăng ký mua sách được Trường tiểu học thị trấn Yên Viên gửi đến phụ huynh rất ngắn gọn, phụ huynh chỉ việc điền tên tên con, đang học lớp nào, còn số tiền đã được định sẵn.
Để minh chứng phụ huynh gửi kèm cho phóng viên phiếu đăng ký do Trường tiểu học thị trấn Yên Viên phát hành ngày 6/5/2019 các lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5.
Dòng cuối phiếu đăng ký: “Em xin đăng ký mua bộ SGK lớp 4 năm học 2019-2020 giá 541.000 đồng/bộ”.
Tương tự lớp 2 bộ sách giáo khoa có giá 333.000 đồng/bộ; lớp 3 là 492.000 đồng; lớp 5 là 562.000 đồng.
Vì học sinh hay hoa hồng
Một phụ huynh có con năm nay học lớp 3 Trường tiểu học thị trấn Yên Viên bức xúc cho biết: “Đầu tháng 5, giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh phiếu đăng ký mua sách giáo khoa và yêu cầu phụ huynh trong một hai ngày nộp lại để giáo viên nộp lại trường.
Nhận phiếu đăng ký mua sách mà tôi không biết con phải mua sách gì, chỉ biết bộ sách giáo khoa lớp 3 có giá 492.000 đồng.
Tôi đăng ký mua sách cho con và nộp tiền sách cùng tiền ăn, tiền học tháng 5. Đến thời điểm hiện tại gần như phụ huynh đã nộp tiền sách giáo khoa. Chỉ có rất ít phụ huynh không đăng ký mua sách mới mà dùng lại sách cũ”.
Nhiều phụ huynh phản ánh, Trường tiểu học thị trấn Yên Viên |
Còn phụ huynh T. có con chuẩn bị vào lớp 5 cũng bày tỏ sự bức xúc khi phải tặc lưỡi đăng ký mua sách giáo khoa cho con vào năm học mới tại trường.
“Tôi không hiểu vì lý do, mục đích gì nhà trường lại không minh bạch, nói rõ ràng loại sách nào học sinh phải có, loại sách nào là sách tham khảo, bổ trợ để phụ huynh chọn lựa.
Nếu minh bạch và có trách nhiệm với đồng tiền, với mồ hôi công sức lao động của phụ huynh, cũng như chống lãng phí nhà trường đã không làm như vậy”, phụ huynh T. nói.
Điều đáng nói, không ít phụ huynh Trường tiểu học thị trấn Yên Viên cũng thông tin đây không phải năm đầu tiên nhà trường làm vậy. Năm học trước cũng có tình trạng như vậy.
Theo tính toán, với số học sinh lên đến hơn 1.500 học sinh của Trường tiểu học thị trấn Yên Viên, số tiền mua sách giáo khoa, sách tham khảo rất lớn.
Tính bình quân nếu tất cả 1.500 học sinh mua sách giáo khoa theo giá bán lẻ của Nhà xuất bản Giáo dục chỉ trên 100 triệu đồng, nhưng mua giá sách theo nhà trường lên đến trên 700 triệu đồng.
Một phụ huynh chỉ rõ: “Sau khi đăng ký mua sách và nộp tiền tôi mới được biết Nhà xuất bản Giáo dục đã công bố bộ sách giáo khoa cấp tiểu học chỉ vài chục ngàn đồng/bộ.
Phải chăng nhà trường cố tình lập lờ bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, bổ trợ để được hưởng hoa hồng.
Đây không phải năm đầu tiên nhà trường lập lờ bán sách như vậy, năm trước cũng tình trạng tương tự, nhưng chúng tôi không biết kêu ai. Có nhiều cuốn cả năm học không dùng đến rất lãng phí, tốn kém như bài tập Toán, bài tập tiếng Việt, tập phiếu cuối tuần...”.
Vị phụ huynh này cũng cho biết, đa phần phụ huynh có tâm lý ngại thắc mắc, ngại hỏi giáo viên chủ nhiệm và càng ngại thắc mắc với ban giám hiệu vì ngại phiền phức, sợ con bị trù, chú ý nên gần như phụ huynh chọn cách im lặng.
Được biết, năm học mới 2019-2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông báo giá bán sách giáo khoa lớp 1-12 sẽ tăng từ 6.500 đồng đến 25.000 đồng mỗi bộ, mức tăng bình quân mỗi cuốn từ 1.000 đến 1.800 đồng.
Đồng thời Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng thông tin chi tiết giá bán lẻ được niêm yết của từng cấp học. Như cấp tiểu học giá bộ sách giáo khoa của từng khối như sau lớp 1 (54.000 đồng/bộ); lớp 2 (53.000 đồng/bộ); lớp 3 (58.000 đồng/bộ); lớp 4 (87.000 đồng/bộ); lớp 5 (89.000 đồng/bộ).
Phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng chỉ cho phụ huynh cách phân biệt giữa sách giáo khoa và sách tham khảo cho con trước thềm năm học mới.
Theo đó, bộ sách giáo khoa hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo biên soạn, thẩm định và ban hành (trên bìa 1 ghi BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO) để áp dụng cho các cấp học phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Còn sách tham khảo là tài liệu được nhiều nhà xuất bản khác nhau tổ chức biên soạn, phát hành để học sinh, giáo viên sử dụng phục vụ luyện tập, thực hành các kiến thức, kĩ năng được học trong sách giáo khoa thuộc chương trình giáo dục phổ thông.
Sách tham khảo, sách bổ trợ là tài liệu không bắt buộc phụ huynh phải mua. Việc mua sách tham khảo là tùy theo nhu cầu của phụ huynh.
Phụ huynh lưu ý trên bìa cuối (bìa 4) của mỗi cuốn sách giáo khoa có ghi rõ chi tiết sách giáo khoa từng lớp học bao gồm những đầu sách nào.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đào Thị Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Yên Viên cho biết, sẽ cho kiểm tra lại và thông tin đến phóng viên.