Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chọn môn Lịch sử làm môn thi thứ tư cho kỳ thi tuyển sinh 10, năm học 2019-2020 đã khiến cho nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng.
Sự lo lắng cũng hoàn toàn có lý khi mà lâu nay môn Sử vẫn là nỗi khiếp sợ của nhiều thế hệ học trò bởi nó có nhiều số liệu, nhiều sự kiện nên học khó thuộc, dễ quên và hay lẫn lộn.
Tuy nhiên, nếu biết cách học và ôn thi môn Lịch sử có hệ thống theo từng chủ đề, từng giai đoạn thì học sinh hoàn toàn chủ động khi làm bài để đạt được điểm cao.
Và, môn Lịch sử hoàn toàn không phải là quá khó như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ.
Môn Lịch sử trở thành môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh 10 ở Hà Nội (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Thực tế, môn Lịch sử lớp 9 chỉ dừng lại ở mức độ thông tin sự kiện, chưa đi sâu vào phân tích dữ liệu. Hơn nữa, từng chương, từng bài, từng chủ đề đã được tác giả sách giáo khoa chia khá rõ ràng.
Sách giáo khoa Lịch sử 9 chia làm 2 phần: Phần I là Lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến nay.
Phần II là Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay. Từ “đến nay” nghe có vẻ dài quá nhưng thực tế chỉ dừng lại ở năm 2000.
Nếu học sinh học thuộc lòng từng số liệu, từng sự kiện lịch sử thì chắc chắn là rất khó nắm và nhớ hết được bởi nó có vô vàn sự kiện và số liệu trong nội dung xuyên suốt cả gần 1 thế kỷ của lịch sử thế giới và trong nước.
Nhất là trong đề thi minh họa vừa được Sở Giáo dục Hà Nội công bố cũng có rất ít câu tái hiện số liệu.
Vì vậy, các em học sinh phải cần xác định rõ phần nào quan trọng, phần nào không quan trọng để học bởi cấu trúc môn Lịch sử thường là phần lịch sử thế giới 3 điểm, phần lịch sử Việt Nam 7 điểm.
Và, bài thi sẽ chỉ có phần trắc nghiệm khách quan (mỗi câu đúng là 0,25 điểm), không có phần tự luận.
Cả 40 câu hỏi chỉ dừng lại ở phần nhận biết và thông hiểu, chỉ có một số ít câu là vận dụng thấp nên học sinh cũng rất dễ lấy điểm nếu biết cách học.
Bởi vì không có phần tự luận nên 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan sẽ được rải đều ở các chương nhưng đa phần “đọng lại” ở những phần trọng tâm kiến thức môn Sử lớp 9.
Theo cấu trúc 7-3 (đề minh họa có 13 câu lịch sử thế giới và 27 câu lịch sử Việt Nam) nên chắc chắn học sinh phải xem trọng phần lịch sử Việt Nam nhiều hơn.
Phần này có 24 bài học và chia rõ từng chủ đề cụ thể. Vì thế, học sinh phải nhớ được từng mốc lịch sử của từng giai đoạn, nhất là những sự kiện chính.
Để nắm các sự kiện chính thì học sinh nên học theo sơ đồ tư duy, tránh học vẹt, học tủ.
Chẳng hạn một chương có mấy bài, một bài có mấy đề mục lớn, nhỏ. Trong mỗi đề lớn, nhỏ thì học sinh chú ý bối cảnh- nguyên nhân- diễn biến- kết quả- ý nghĩa.
Khi thành thạo cách học sơ đồ tư duy thì học sinh rất dễ nhớ bài và không bị lẫn lộn. Điều các em chú ý là tên của mỗi chương, mỗi bài, đề mục đã bao hàm "sự kiện" và "thời điểm" (năm) rồi.
Học sinh có thể kết hợp học theo nhóm thì thuận lợi và nhanh nhớ nhất. Bởi, học Sử mà học một mình sẽ lâu nhớ hơn, học nhóm sẽ có sự hỗ trợ qua lại với nhau.
Thi vào lớp 10 công lập Hà Nội bằng 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử |
Vì vậy, những bạn gần nhà nhau thì các em có thể tụ hợp lại học cùng để có thể bổ sung, nhắc nhở cho nhau về kiến thức trong quá trình ôn bài.
Buổi tối, học sinh có thể lên mạng Internet nghe một số bài giảng của giáo viên bởi trên mạng hiện nay có vô số bài giảng.
Các em có thể dành mấy phút tạo một tài khoản sau đó vào học, nghe miễn phí.
Cách học này cũng rất dễ hiểu và nhớ nhanh bởi đó đa phần là những bài giảng được giáo viên dạy thao giảng hoặc thi giáo viên giỏi nên họ chuẩn bị rất kỹ và hay.
Ngoài ra, có thể tham khảo thêm một số tài liệu như Chuẩn kiến thức kỹ năng (ý cơ bản từng bài) và Bài tập trắc nghiệm lịch sử (có từng bài).
Những loại sách này giá cũng thấp và bán tại các nhà sách hoặc có thể mua online.
Khi làm bài thi thì học sinh cần chú ý kỹ đề bài bởi đề thi trắc nghiệm là độ nhiễu thường rất cao. Có thể cả 4 câu lựa chọn đều đúng nhưng chỉ được lựa chọn câu “đúng nhất” để trả lời cho đáp án.
Vì kiến thức đề thi chỉ yêu cầu ở phần nhận biết, thông hiểu và một số ít câu vận dụng thấp nên học sinh không cần thiết phải đi học thêm làm gì.
Bởi, đề thi trắc nghiệm khách quan hoàn toàn thì giáo viên có ôn cũng chỉ cho các em làm một số bài tập trắc nghiệm.
Chính vì thế, ngoài giờ học trên lớp thì các em có thể ở nhà tự học, tự tham khảo tài liệu hoặc rủ vài bạn học nhóm sẽ hiệu quả mà đỡ vất vả, không mất tiền và sức khỏe cũng được đảm bảo.
Tài liệu tham khảo:
https://tuoitre.vn/ha-noi-cong-bo-de-thi-minh-hoa-mon-lich-su-thi-vao-lop-10-20190313174933189.htm
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Phu-huynh-Ha-Noi-cuong-quyt-dua-con-di-hoc-them-Lich-su-post196463.gd