Chúng tôi vô cùng đau khi đồng nghiệp bị xúc phạm như thế

08/03/2018 07:01
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Vì thế, xin đừng xúc phạm nghề cao quý ấy bằng những cái tát, cái quỳ, những câu chửi mạt sát như những kẻ vô học, vô liêm sỉ, vô lương tâm.

LTS: Sau vụ việc một giáo viên bị phạt quỳ xin lỗi trước mặt phụ huynh học sinh, với mong muốn giúp dư luận xã hội và đặc biệt là các bậc phụ huynh hiểu được những khó khăn, áp lực, trọng trách mà đội ngũ nhà giáo đang nếm trải và gánh vác, tác giả Sông Trà đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mấy ngày qua báo chí đưa tin sự việc cô giáo N. giáo viên lớp 4/3, Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh đã gây nên bức xúc lớn trong dư luận. 

Vụ việc bắt nguồn từ nguyên nhân, cô giáo N. phạt các em học sinh vi phạm nội quy bằng cách cho quỳ gối trước lớp khiến các em sợ không muốn đi học. 

Trường Tiểu học Bình Chánh. (Ảnh: H.L)
Trường Tiểu học Bình Chánh. (Ảnh: H.L)

Dư luận một phần cho rằng, hình thức phạt của cô giáo N. với học sinh là không phù hợp, ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh.

Tuy nhiên, hầu hết dư luận bày tỏ sự bức xúc với cách hành xử của phụ huynh, bởi sau sự việc cô giáo N. đã xin lỗi nhưng phụ huynh vẫn bắt cô phải quỳ. 

Mặc dù cô N. sử dụng hình phạt với học trò chưa phù hợp nhưng không ai có quyền hành xử với giáo viên theo kiểu "luật rừng" như vậy.

Ngay sau khi có thông tin, ông Hoàng Đức Minh Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Chúng tôi đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Long An xác minh sự việc.

Về nguyên tắc, nếu giáo viên sai so với quy định hiện hành thì phải nhận trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, bất kể hình thức làm nhục, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của người giáo viên cũng là vi phạm nhân quyền và cần phải lên án, thậm chí có hình thức xử lý nếu như vi phạm pháp luật.

Chúng tôi vô cùng đau khi đồng nghiệp bị xúc phạm như thế ảnh 2Lãnh đạo Bộ Giáo dục lên tiếng về việc “cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh”

Mặt khác, những sự việc như thế này rất cần tiếng nói của công đoàn ngành các cấp - nơi bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của đội ngũ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phân tích về hành vi bắt phạt cô giáo quỳ là có dấu hiệu của tội “làm nhục người khác” và cần phải nghiêm trị.

Thầy giáo Trần Đức Sơn, Trường trung học phổ thông số 2 huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ rất thật của mình trên trang cá nhân với điệp từ “đau” được lặp đi lặp lại như một điệp khúc xoáy sâu vào tâm can đội ngũ nhà giáo đang đảm trách sứ mệnh “trồng người” cao cả.

“Đau! Đó là cảm giác của tôi khi đọc những bài viết liên quan đến cô giáo ở huyện Bến Lức, Long An vì phạt quỳ học trò nghịch ngợm, không vâng lời mà bị 1 nhóm phụ huynh, trong đó có ông Võ Hòa Thuận là Đảng viên, là thư kí Hội Luật Gia bắt cô giáo phải quỳ mới cho qua chuyện.

Đau! Khi môi trường sư phạm, đứng đầu là hiệu trưởng mà không bảo vệ được cho giáo viên của mình, không có một lời nào thuyết phục để những kẻ nhân danh con người kia sáng mắt...

Tôi nhớ ngày xưa đi học, nhất là bậc tiểu học, cô giáo nghiêm khắc còn cho học sinh lười, không chịu làm bài tập, ham chơi làm bẩn quần áo, vấy mực lên vở sách phải quỳ lên gai mít hay quỳ úp mặt vào tường.

Rồi có chuyện không hay, không tốt xảy ra với học trò như đánh nhau, cắp vặt thầy cô đến tận nhà trao đổi, phụ huynh rối rít cảm ơn, hứa sẽ dạy dỗ con mình tốt hơn...

Tôi vẫn nhớ cái vụt vào tay bằng thước của cô giáo lớp ba vì tội nhanh nhảu đoảng, không chịu ghi đề bài mà làm ngay bài giải..

Trò hư, thầy dạy ấy là giáo dục.

Còn việc những phụ huynh vì xót con mà trả đũa kiểu xã hội đen kia thì thử hỏi con cái họ học được gì trước sự hành xử của cha mẹ...

Chúng tôi vô cùng đau khi đồng nghiệp bị xúc phạm như thế ảnh 3Các thày cô giáo ơi, đừng hạ thấp nhân phẩm của mình

Mọi người đợi mà xem...

Một học sinh cá biệt sinh ra từ một người cha cá biệt.

Tôi là giáo viên, đối tượng học sinh là cấp ba, ý thức các em có nhưng đôi lúc cũng đau đầu vì một số tình huống dở khóc dở cười...

Tuy nhiên, bằng kĩ năng sư phạm và sự giáo dục đầy tình người, ít nhiều đã thành công...

Trở lại việc cô giáo phải quỳ, tôi vừa thương vừa trách cô. Có thể, chịu áp lực, có thể vì hoàn cảnh nhưng 1 cô giáo phải chấp nhận quỳ như thế liệu sau này nói gì được với học sinh của mình. Còn nhiều giải pháp mà...

Tôi thương cô, vì cô là đồng nghiệp, yếu thế, lại phận nữ nhi trước sự lộng hành của những kẻ thô bạo kia cô ấy khiếp vía...

Đau lắm...

Làm thầy trong một thể chế mà vai trò của người thầy chưa được coi trọng đúng mực thật... chông chênh…”.

Cô giáo Phan Thị Kim Chiêu, dạy môn Ngữ văn, một đồng nghiệp, đồng môn của tôi, thường ít khi bộc bạch, viết lách gì nhưng thật sự không giấu nổi bức xúc, phẫn nộ trước hành vi phụ huynh bắt cô giáo N phải quỳ xin lỗi nên ngay trong đêm vừa rồi.

Cô Chiêu đã có 1 trang viết đầy cảm động gửi đến tôi và nhiều người: 

“Tôi đã từng tâm niệm rằng: đời một người thầy giáo đúng nghĩa như đời một người lái đò đưa khách qua sông.

Họ đưa hết thế hệ này đến thế hệ khác, cho đến lúc không còn sức để đưa.

Có ai muốn chuyến đò của mình gặp bất trắc giữa dòng. Có ai muốn làm khó hay giữ lại những người khách mà mình hiểu rằng họ phải được qua sông.

Chúng tôi vô cùng đau khi đồng nghiệp bị xúc phạm như thế ảnh 4Giáo viên một khi sai lầm là không có cơ hội sửa chữa

Trên cái hành trình hơn 30 ấy họ đưa biết bao nhiêu người, biết bao nhiêu cá thể đến bến bờ trọn vẹn, cho dù trời yên biển lặng, cho dù sóng cả gió to.

Vậy sao chỉ có đôi lúc người lái đò ấy lỏng tay chèo, chệch tay lái là lập tức phải hứng những trận cuồng phong dữ dội từ chính những người mình hết sức, hết lòng bảo vệ, gìn giữ?

Chỉ cần một ngày trong tư tưởng nhân cách, trong lối sống, trong công việc của người giáo viên có vấn đề là một ngày chúng tôi cảm thấy khó đứng trước học trò.

Hãy thấu hiểu những nhọc nhằn của những con người luôn phải "sạch", phải "trong" của nghề giáo để biết rằng hơn với tất cả mọi ngành nghề khác chúng tôi là những người giàu lòng tự trọng.

Vì thế, xin đừng xúc phạm nghề cao quý ấy bằng những cái tát, cái quỳ, những câu chửi mạt sát như những kẻ vô học, vô liêm sỉ, vô lương tâm.

Hãy để cho chúng tôi được sống trọn vẹn với thiên chức của một người lái đò với bao nhiêu ý nghĩa tốt đẹp và cao quý nhất mà xã hội, truyền thống và nhân loại đã ban cho” .

Tôi dẫn nguyên văn hai chia sẻ của thầy Sơn và cô Chiêu ra đây để giúp dư luận xã hội, mọi người, trong cuộc cũng như ngoài cuộc, nhất là các bậc phụ huynh cả nước này cần biết thấu hiểu, sẻ chia hơn với những khó khăn, áp lực, trọng trách mà đội ngũ nhà giáo - người đưa đò - đang nếm trải và gánh vác.  

SÔNG TRÀ