Giáo dục Việt Nam đứng thứ 10 thế giới, tôi tin điều đó

04/05/2019 06:20
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Giáo dục chúng ta đứng thứ bao nhiêu, vẫn ngẩng cao đầu làm người Việt Nam trung thực.

LTS: Bàn về vị trí của nền giáo dục Việt Nam so với thế giới, thầy giáo Sơn Quang Huyến bày tỏ sự tin tưởng chúng ta sẽ khắc phục những điểm hạn chế để khẳng định vị thế trên tầm quốc tế.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thừa ủy quyền trình bày Báo cáo bổ sung về kinh tế - xã hội tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sáng 25/4/2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, kinh tế - xã hội 2018 (sau khi được đánh giá bổ sung), đạt kết quả toàn diện, hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao.

Đáng lưu ý là khi đánh giá các lĩnh vực cụ thể, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nêu rõ: "Năm 2018, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương".

Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Phát biểu tại tọa đàm: "Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số" do Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức tại Trường Đại học Sài Gòn chiều ngày 2/5/2019; Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm, chuyên gia văn hóa học và ngôn ngữ học, nêu quan điểm:

“Nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới còn có thể hiểu được, còn là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu.

Văn hoá của chúng ta rất âm tính, dẫn đến giáo dục là văn hoá đối phó. Trường học đối phó, nhờ đối phó mà chúng ta có kết quả PISA rất cao.

Hiện chúng ta kiểm định chất lượng, dù biết kết quả ra sao nhưng tất cả đều qua hết. Có những trường học sinh gần như bị lừa vì khi vào học thấy rất tệ.

Nhiều trường đang phải loay hoay trong xây dựng chương trình, thay vì sắp xếp những môn học chung ở năm đầu tiên nhưng điều này sẽ khiến sinh viên bỏ học hàng loạt vì chán nản.

Cuối cùng, có trường đối phó bằng cách sắp xếp những môn học chung vào học kỳ cuối cùng, đẩy những môn học hấp dẫn cho năm đầu tiên. Thậm chí bài báo quốc tế cũng đối phó nốt, chúng ta ngồi đây đều biết hết. 

Với công nghệ số, vấn đề không còn là ở sách giáo khoa nữa; với kho dữ liệu trên mạng, vấn đề không còn học thuộc bài nhưng người Việt Nam chúng ta vẫn học thuộc để trả bài cho thầy, như vậy vẫn học đối phó.

Thay vào đó, chúng ta cần khai thác và sử dụng dữ liệu trong thời đại 4.0 đó như thế nào?".

Giáo dục Việt Nam đứng thứ 10 thế giới, tôi tin điều đó ảnh 2Để có triết lý thì phải trả lời được bản chất của nền giáo dục Việt Nam là gì?

Hiệu trưởng một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, “Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay đang kém nhất thế giới chứ không phải trong 10 nước tiên tiến nhất thế giới.

Nếu chúng ta không kịp thay đổi thì trong vòng 5 năm nữa, Việt Nam tiếp tục thua kém. Đặc biệt, khi thay sách giáo khoa, đổi mới chương trình, chúng ta đang làm rất lạ lùng.

Trong thời đại công nghệ số mà tôi chưa nghe gì chuyện nhúng công nghệ số vào sách.

Công nghệ số mà khi vẽ một hình không gian lên tờ giấy, học sinh vẫn phải tưởng tượng, học chay như thời không có máy tính thì tôi không tin việc đổi mới sẽ thắng lợi. Nếu không kịp điều chỉnh kịp, 5 năm nữa chúng ta sẽ chậm hơn nước khác tới 10 năm.

Tại buổi tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình, cho biết, từ năm 2000, đất nước ta có chiến lược chung là “công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”.

Đến nay, chúng ta đạt được một số kết quả trong đó có 3 đột phá gồm: Thể chế kinh tế, hạ tầng kinh tế kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, nhìn vào bối cảnh hiện tại và so sánh với xung quanh coi chừng chưa chắc cải thiện mà đôi khi thụt lùi nếu không chuẩn bị cho chiến lược sắp tới”.

Một chuyên gia dạy toán cũng trăn trở “môn toán rất thú vị nhưng tại sao học sinh Việt Nam càng ngày càng tệ, bởi vì cách học và dạy hiện nay không giúp học sinh thấy thú vị. Bản thân tôi dạy, nếu dạy để học trò mê thì các em sẽ rớt hết”.

Được đánh giá vị trí thứ 10 của thế giới quả là rất vinh quang cho giáo dục nước nhà. Dân ta có câu “có ở trong chăn, mới biết chăn có rận”, “một miếng giữa làng, bằng sàng xó bếp”.

Nửa thì muốn được vị trí thứ 10, nửa thì muốn sự thật; nhìn sự thật để tìm ra giải pháp. Chúng ta có thể đánh lừa người khác, khó đánh lừa chính mình. Nói thẳng, nói thật khó nghe, thế nhưng sự thật vẫn là sự thật.

Giáo dục Việt Nam đứng thứ 10 thế giới, tôi tin điều đó ảnh 3Bức tranh toàn cảnh về nền giáo dục đại học ở Việt Nam những năm qua

Khi mà gần một năm rồi, chúng ta vẫn loay hoay với “đại án cướp điểm”, chưa ai nhận trách nhiệm, chưa ai xin lỗi, chưa dám công khai kẻ mua điểm.

Tiêu cực trong giáo dục như “bệnh ung thư giai đoạn cuối” không thuốc chữa; nhận vị trí thứ 10 thế giới quả là xấu hổ với chính mình (dù rất muốn).

Thế nhưng thành quả giáo dục Việt Nam đạt được cũng “không nhỏ” so với thế giới. Năm 2018, lần đầu tiên, 2 trường đại học của Việt Nam lọt top 1000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings). Đó là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Kỳ thi Olympic Quốc tế và khu vực năm 2018, học sinh Việt Nam đã đoạt 13 Huy chương Vàng; 14 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng.

Hội thi Khoa học kỹ thuật Intel ISEF 2018 tại Hoa Kỳ, đoàn Việt Nam là 1 trong số 43 quốc gia có dự án đoạt giải.

Kỳ thi Khoa học trẻ quốc tế (IJSO) cả 6/6 học sinh đều giành Huy chương với 4 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, đây là thành tích cao nhất sau 9 năm tham gia kỳ thi này của học sinh Việt Nam.

Người Việt Nam cần cù, thông minh, hiếu học, rất yêu nước. Ngành giáo dục chỉ cần xử lý dứt điểm vụ án “cướp điểm”; giáo dục, răn đe những kẻ manh nha tiêu cực trong thi cử.

Xóa bỏ chỉ tiêu đăng ký đầu năm, xóa bệnh thành tích, trả sự thật về với sự thật; dạy thật, thi thật, tổng kết thật, báo cáo thật.

Giáo dục chúng ta đứng thứ bao nhiêu, vẫn ngẩng cao đầu làm người Việt Nam trung thực. Chúng ta có quyền tin tưởng giáo dục Việt Nam một ngày nào đó sẽ xứng đáng thứ 10 hoặc nhỏ hơn 10 của giáo dục thế giới.      

Tài liệu tham khảo:

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/that-kho-hieu-noi-giao-duc-viet-nam-la-mot-trong-10-nen-giao-duc-tien-tien-nhat-the-gioi-20190502220722542.htm

Sơn Quang Huyến