Bắt đầu từ năm học 2018-2019 này, Hiệu trưởng các trường phổ thông trên cả nước sẽ được đánh giá chuẩn theo Thông tư số 14/ 2018/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc đánh giá, xếp loại chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông xem chừng còn phức tạp hơn rất nhiều so với chuẩn nghề nghiệp của giáo viên phổ thông.
Song, điều chúng tôi cảm thấy băn khoăn là ở Biểu mẫu 02 - phần phiếu lấy ý kiến của giáo viên, nhân viên trong trường về chuẩn Hiệu trưởng có những mức rất trừu tượng, mơ hồ và khó hiểu.
Hướng dẫn đánh giá Hiệu trưởng phổ thông còn những từ ngữ khó hiểu (Ảnh minh họa: Pin Art) |
Theo hướng dẫn của Thông tư số 14/ 2018/TT- BGDĐT thì việc xếp loại chuẩn Hiệu trưởng ở phần tự đánh giá thì có 4 mức là: Chưa đạt, Đạt, Khá, Tốt.
Nhưng, khi hướng dẫn gợi ý biểu mẫu trong việc đánh giá theo chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông ở phần lấy ý kiến của giáo viên, nhân viên trong nhà trường thì lại khác.
Tại Phụ lục II, phần gợi ý biểu mẫu sử dụng trong đánh giá chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, kèm theo Công văn số 4529/BGDĐT-NGCBQLGD thì nội dung lấy ý kiến của giáo viên, nhân viên trong nhà trường về Hiệu trưởng là 18 nội dung.
Theo biểu mẫu 02 thì yêu cầu giáo viên sẽ khoanh tròn vào các ô tương ứng. Trong 4 ô tương ứng này, ứng với các mức: Hoàn toàn không đồng ý; Ít đồng ý; Tương đối đồng ý; Hoàn toàn đồng ý.
Nói thật, việc giáo viên đánh giá Hiệu trưởng từ trước đên nay thì bao giờ cũng là một việc làm tế nhị vào dịp cuối năm học.
Giáo viên nào làm không khéo xem như tự rước họa vào thân bởi có phần điền điểm số hoặc đánh dấu x vào các ô tương ứng và có cả phần nhận xét ghi bằng chữ.
Yêu cầu ngoại ngữ trong Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giáo viên xa rời thực tế |
Trước đây, theo cách đánh giá cũ thì Hiệu trưởng đọc điểm của từng tiêu chí là giáo viên họ cũng điền điểm vào các ô tương ứng như số điểm mà Hiệu trưởng tự đánh giá.
Bởi, việc điền theo Hiệu trưởng có 2 cái lợi.
Thứ nhất là không phải cộng điểm, thứ hai là khỏi mất lòng lãnh đạo. Vì giáo viên trong trường ngồi trong một phòng với nhau. Nếu giáo viên này cho điểm Hiệu trưởng quá thấp thì phải cộng lại mất thời gian và cũng đồng nghĩa người ngồi kế bên sẽ nhìn thấy.
Biết đâu họ nói lại chuyện này với Hiệu trưởng thì rắc rối vô cùng về sau.
Vì thế, Hiệu trưởng tự đánh giá sao là đa phần giáo viên họ ghi theo thế ấy. Xét cho cùng thì việc giáo viên đánh giá Hiệu trưởng cũng có tác dụng gì đâu, chủ yếu là làm hình thức.
Bởi, người tổng hợp điểm xếp loại là Chủ tịch công đoàn và Bí thư đoàn trường- hai nhân vật thân cận của Hiệu trưởng. Sau phần đánh giá là có phần tổng hợp nhận xét của giáo viên và ý kiến của 2 tổ chức là Công đoàn nhà trường và Đoàn Thanh niên.
Đương nhiên, Hiệu trưởng luôn nhận được những lời nhận xét tốt đẹp của 2 người đứng đầu tổ chức này.
Sau đó, tất cả phiếu được nộp lại cho Hiệu trưởng nhà trường và Hiệu trưởng sẽ báo cáo số liệu này lên cấp trên của mình là Phòng hoặc Sở Giáo dục (tùy cấp học).
Tuy nhiên, từ năm học 2018-2019 thì giáo viên, nhân viên nhận xét Hiệu trưởng theo18 mục nội dung đã điền sẵn.
Việc đánh giá này được thực hiện bằng cách khoanh tròn vào các ô tương ứng với các mức: Hoàn toàn không đồng ý; Ít đồng ý; Tương đối đồng ý; Hoàn toàn đồng ý. Và, sau đó có phần nhận xét ý kiến bằng chữ ghi ở phần sau.
Chúng tôi thấy băn khoăn là tại sao việc lấy ý kiến của giáo viên, nhân viên lại có những mức trừu tượng đến vậy? Hiểu thế nào về mức “ít đồng ý” và “tương đối đồng ý” ở đây cho nó tường tận vấn đề?
Chuẩn hiệu trưởng có làm thay đổi điều gì dưới mái trường không? |
Tại sao Bộ lại không lấy những mức cụ thể, rõ ràng để giáo viên đánh giá cũng dễ mà đến khi người tổng hợp số phiếu cũng thuận lợi.
Điều trớ trêu nhất là phần gợi ý biểu mẫu sử dụng trong đánh giá chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông ở Biểu mẫu 03 về việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến giáo viên, nhân viên trong trường lại hoàn toàn ngược lại so với Biểu mẫu 02. Theo Biểu mẫu 03 thì các mức đồng ý của giáo viên lại ghi là: Chưa đạt, Đạt, Khá, Tốt.
Rõ ràng, việc lấy ý kiến giáo viên, nhân viên đều hướng vào đối tượng cụ thể là Hiệu trưởng nhà trường nhưng cách quy định mẫu lại khác nhau.
Tại sao khi giáo viên đánh giá thì có 4 mức: Hoàn toàn không đồng ý; Ít đồng ý; Tương đối đồng ý; Hoàn toàn đồng ý. Sau đó, đến khi tổng hợp lại những ý kiến này thì quy định sang 4 mức: Chưa đạt, Đạt, Khá, Tốt?
Tự nhiên, làm rối và phức tạp thêm vấn đề. Sao không quy định một mức như Hiệu trưởng tự đánh giá ban đầu là: Chưa đạt, Đạt, Khá, Tốt mà lại quy định giáo viên đánh giá ở các mức: Hoàn toàn không đồng ý; Ít đồng ý; Tương đối đồng ý; Hoàn toàn đồng ý.
Rồi khi tổng hợp và cả cấp trên đánh giá xếp loại Hiệu trưởng (biểu mẫu 04) vẫn là các mức Chưa đạt, Đạt, Khá, Tốt.
Hình như lãnh đạo Bộ đang muốn “chơi chữ” thì phải nên mới có những hướng dẫn, gợi ý việc đánh giá chuẩn Hiệu trưởng tréo ngoe như vậy.
Và, thú thực, chúng tôi cũng chưa bao giờ nghe những từ trừu tượng như: "Ít đồng ý"; "Tương đối đồng ý" khi đánh giá về một việc làm của một con người mà con người cụ thể ở đây là Hiệu trưởng nhà trường?