LTS: Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, là một nhà giáo với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy trong nghề - tác giả Sông Mã đã đưa ra quan điểm về phương thức đánh giá hiệu trưởng.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Theo đó, hiệu trưởng cần có 5 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí để “chấm điểm” về người nắm giữ chức danh này.
Đọc những thông tin trên, quả thật chúng tôi - những giáo viên có thâm niên nghề lâu năm cũng chẳng có cảm xúc.
Hay nói đúng hơn là chúng tôi hoàn toàn không thấy vui mừng và có hy vọng rằng hiệu trưởng sau này sẽ nổi trội hơn về năng lực và phẩm chất vì đã được chuẩn hiệu trưởng mới “soi rọi”.
Sẽ chẳng được gì khi phương thức đánh giá hiệu trưởng vẫn cũ. Dù chuẩn mới có được xây dựng đúng “chuẩn” thế nào thì gần như tất cả hiệu trưởng rồi cũng được đánh giá ít nhất là đạt chuẩn.
Trong số đó, sẽ có khá nhiều người còn vượt lên cả chuẩn.
Nhưng cái sự đạt hay vượt chuẩn ấy chỉ nằm trên giấy tờ, nằm trong các bản báo cáo chứ thực chất bên ngoài thì vẫn như cũ.
Đánh giá chuẩn hiệu trưởng (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn). |
Nói thế không phải chúng tôi bi quan, không tin tưởng vào sự đổi mới trong đánh giá cán bộ quản lý của ngành;
Mà từ những câu chuyện có thật ngoài thực tế vẫn đang xảy ra, chúng tôi thấy lo ngại việc đánh giá cán bộ quản lý trong giáo dục vẫn chỉ nặng về hình thức.
Thực trạng của việc đánh giá cán bộ quản lý ở các trường học hiện nay
Ví dụ Thông tư số: 14/2011/TT-BGDĐT ban hành chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học sẽ đánh giá hiệu trưởng qua 4 tiêu chuẩn và được cụ thể hóa bằng 18 tiêu chí.
Ngoài bảng tự đánh giá và xếp loại của hiệu trưởng theo những tiêu chuẩn trong thông tư thì giáo viên, công nhân viên nhà trường cũng có bảng tự đánh giá xếp loại của riêng mình.
Trong bản tự đánh giá hiệu trưởng của giáo viên có phần chú thích rõ ràng “có thể ghi họ tên hoặc không ghi”. Nghe có vẻ như khách quan, dân chủ nhưng sự thật bên trong của việc đánh giá này lại chẳng hề công tâm tí nào.
Cuối năm, nhà trường tổ chức cho giáo viên đánh giá Ban giám hiệu theo chuẩn. Có trường hiệu trưởng đọc bản đánh giá của mình, mức điểm tự cho của từng tiêu chí cho hội đồng nghe, giáo viên, nhân viên sẽ tự cho điểm trên phiếu của mình. Hay có trường phát giấy về để mọi người tự đánh giá và nộp phiếu lại vào ngày hôm sau.
Thầy giáo Bùi Nam không ủng hộ thi tuyển Hiệu trưởng, Hiệu phó |
Tuy thế, thầy cô giáo và nhân viên nhà trường luôn bị kiểm soát bằng một thế lực vô hình nên dù không muốn cũng phải đánh giá hiệu trưởng ở mức điểm cao nhất.
Đã có khá nhiều bài học được rút ra sau mỗi vụ tự tay đánh giá hiệu trưởng.
Không ít thầy cô kể lại “ngỡ không kí tên chẳng ai biết nên đánh giá thực chất theo suy nghĩ của mình. Nào ngờ…”. Những giáo viên “ăn gan hùm” ấy đã phải lao đao, bị hành hạ vì sự "trả thù nguội" của những hiệu trưởng ấy.
Cô thì nằm trong đề xuất chuyển trường gửi về phòng giáo dục cuối năm với tội danh chống đối, không hợp tác, bê trễ trong công việc…và đã bị chuyển đi dạy ở trường khá xa nhà.
Có thầy liên tục bị làm khó trong công việc như bắt bẻ, đe nẹt đủ đường, bị gây khó dễ, không tạo điều kiện cho giảng dạy.
Đặc biệt không may có sơ xuất gì thì chỉ “có chết đến bị thương” chứ không bao giờ được xem xét để cảm thông như những đồng nghiệp khác.
Những giáo viên này đã chia sẻ lại rằng “mình nghĩ không ra trong bản đánh giá ấy đã không kí tên sao vẫn bị tìm ra?”. Họ đâu biết rằng chính nét chữ đã tố cáo họ.
Thế rồi, tấm gương của đồng nghiệp bị đọa đày luôn hiển hiện như một lời cảnh tỉnh nên chẳng ai còn dám “chống trời”. Giáo viên thường dặn dò nhau “để yên thân cứ đánh giá điểm tốt cho họ mừng”.
Thế nên nói không ngoa rằng đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn thì gần như 100% hiệu trưởng đều đạt ít nhất từ mức khá trở lên.
Theo chuẩn mới cách đánh giá cũ vẫn bằng không
Nếu trước đây, đánh giá hiệu trưởng có 4 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí thì theo chuẩn mới có 5 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí. Thế nhưng quy định đánh giá hiệu trưởng trường phổ thông theo chuẩn mới vẫn giữ như cũ.
Đó là sử dụng các nguồn thông tin như ý kiến tự đánh giá của hiệu trưởng (có hồ sơ minh chứng); ý kiến của tập thể giáo viên, nhân viên trong trường; ý kiến của cha mẹ học sinh, cộng đồng; ý kiến đánh giá, kết luận của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp...
Giáo sư Đặng Quốc Bảo: Hiệu trưởng phải có 3 năng lực tổng quát và 12 bộ số hai |
Phiếu đánh giá xong, giáo viên, nhân viên lại nộp trực tiếp cho hiệu trưởng. Ban Giám hiệu nhà trường tổng hợp mới gửi về cấp trên. Bởi thế, việc đánh giá ấy chẳng có ý nghĩa gì.
Làm sao để đánh giá công tâm? Để có được những hiệu trưởng thật sự đạt theo chuẩn hiệu trưởng?
Đây mới là điều khó chứ 4 tiêu chí (theo chuẩn cũ) hay 5 tiêu chí (theo chuẩn mới) cũng chẳng thay đổi được gì.
Một số đề xuất đưa ra
Giáo viên, nhân viên nhà trường chắc chắn là người hiểu rõ nhất hiệu trưởng của mình thế nào. Bởi thế họ có quyền đánh giá là hoàn toàn hợp lý. Có điều làm sao để họ đánh giá đúng theo suy nghĩ của mình.
Để đánh giá công tâm trừ khi họ biết chắc chắn chính hiệu trưởng mình đang đánh giá sẽ không thể biết được trong từng lá phiếu đánh giá (đặc biệt lá phiếu đánh giá trái chiều) chủ nhân là ai?
Thế nên việc đánh giá và thu phiếu đánh giá phải có đại diện cấp trên về tổ chức sau đó nhận phiếu bỏ vào thùng và niêm phong lại.
Những lá phiếu này chỉ được mở trong buổi đánh giá của cấp trên. Họ sẽ tổng hợp những ý kiến góp ý và ghi vào biên bản. Hiệu trưởng đọc biên bản sẽ biết mình được đánh giá thế nào nhưng không thể truy tìm ai là người đưa ra những nhận xét ấy.
Cùng với sự đánh giá, nhận xét của các cấp quản lý thì việc đánh giá xếp loại hiệu trưởng theo chuẩn, mới có hiệu quả.
Xây dựng chuẩn mới là cần thiết để phù hợp với yêu cầu của công cuộc đổi mới. Nhưng nếu ngành giáo dục chỉ chú tâm vào việc xây dựng chuẩn mà quên đi việc xây dựng cách đánh giá thật tường minh thì cũng chẳng thu được kết quả như mong muốn.