Mùng 8/3, chơi gì cũng được, nhưng đừng quá lố, phiền lòng thầy cô và xã hội

03/03/2019 09:27
NHẬT DUY
(GDVN) - Đừng tổ chức những trò chơi quá lố, quá phản cảm gây nên nỗi phiền muộn cho bao người, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy và ngành giáo dục.

Thời điểm này, đa phần các nhà trường đều đã có kế hoạch cho việc tổ chức ngày Quốc tế phụ nữ (8/3). Việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí trong nhà trường cho giáo viên và học sinh cũng là điều cần thiết.

Song, có lẽ các thầy cô trong Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn thanh niên cần có sự bàn bạc thấu đáo để những trò chơi được tổ chức phải phù hợp với môi trường giáo dục.

Đừng tổ chức những trò chơi quá lố, quá phản cảm gây nên nỗi phiền muộn cho bao người, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy và ngành giáo dục.

Trò chơi của trường Thực hành Sư phạm- Đại học Cần Thơ bị dư luận lên án gay gắt (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)

Trò chơi của trường Thực hành Sư phạm- Đại học Cần Thơ  bị dư luận lên án gay gắt

(Ảnh minh họa: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)

Thực tế, trong các nhà trường hiện nay rất ít khi có dịp tổ chức các hoạt động vui chơi bởi lịch dạy, lịch học kín suốt tuần.

Vì thế, ngày 8/3 được xem là ngày lý tưởng nhất để các trường tổ chức các hoạt động vui chơi cho giáo viên và học sinh trong trường.

Thông thường, việc tổ chức các ngày lễ ở các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở chỉ trong đội ngũ giáo viên.

Chỉ có cấp Trung học phổ thông thì Đoàn trường mới tổ chức cho học sinh bởi cấp học này thì học sinh đều là thanh niên và phần lớn đã là đoàn viên.

Nhất là ngày 8/3 lại trùng với tháng thanh niên nên các nhà trường thường kết hợp tổ chức các hoạt động vui chơi để các em học sinh tham gia.

Tuy nhiên, phần lớn thầy cô giáo và học sinh từ cấp Trung học cơ sở trở lên đều dùng điện thoại di động có chức năng quay phim, chụp ảnh và đều sử dụng mạng xã hội.

Khi nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi dù phù hợp hay không phù hợp cũng sẽ có nhiều giáo viên và học sinh ghi lại những hình ảnh ấy.

Đương nhiên, sẽ có người sẽ đưa lên Facebook của mình những hình ảnh mà mình đã quay, chụp được từ những hoạt động trò chơi của nhà trường.

Mùng 8/3, chơi gì cũng được, nhưng đừng quá lố, phiền lòng thầy cô và xã hội ảnh 2Giờ ra chơi sáng tạo ở trường Đinh Tiên Hoàng

Những trò chơi hay, phù hợp với môi trường học đường thì không sao nhưng nhiều trò chơi vô bổ, thậm chí là phản cảm sẽ phải đối mặt với rất nhiều điều dị nghị của dư luận.

Tất nhiên, giáo viên của nhà trường sẽ là người đón nhận nhiều chỉ trích nhất.

Thế nhưng, thực tế thì các nhà trường vẫn tổ chức nhiều trò chơi không phù hợp. Từ cấp trung học cơ sở trở xuống thì Công đoàn nhà trường thường đứng ra tổ chức các trò chơi.

Người tham gia thường là những giáo viên trẻ trong trường. Có thể, khi vui chơi nhiều người chỉ nghĩ vui là chính nhưng xong rồi chắc chắn sẽ có nhiều người đỏ mặt, tía tai về những trò mà mình đã tham gia.

Hiện nay, các trò chơi hay được các nhà trường tổ như chuyền chanh (quả chanh) bằng thìa từ miệng người này sang miệng người khác.

Trò đập bóng trên cơ thể người. Trò bịp mắt đưa thức ăn vào miệng (dưa chuột, dưa hấu) cho người cùng tham gia trò chơi. Hay, trò bịt mắt ăn sữa chua (mỗi cặp 1 nam, 1 nữ ngồi đối diện nhau bịp mắt lại và đút sữa chua cho nhau ăn)…

Những trò chơi vừa mất vệ sinh vừa phản cảm vô cùng.

Những trò chơi có phần nhạy cảm như: trò chơi đập bóng. Trò chơi này mỗi đội có 1 nam và 1 nữ.

Người nam ngồi trên ghế đặt sẵn, người nữ cầm bóng bay đã thổi sẵn, kẹp giữa 2 chân nhảy cò từ vạch xuất phát đến chỗ người nam ngồi và đặt quả bóng xuống đùi người nam, người nữ dùng sức đập vỡ quả bóng.  

Mùng 8/3, chơi gì cũng được, nhưng đừng quá lố, phiền lòng thầy cô và xã hội ảnh 3Học sinh Hải Phòng được trải nghiệm ngày Tết cổ truyền ở trường học

Nhiều trường thì tổ chức trò chơi cho giáo viên bằng những trò chơi rất…thể thao như: Chạy ba chân (buộc 1 chân nam, 1 chân nữ), kéo co giữa các giáo viên với nhau.

Thế nhưng, chạy 3 chân được vài bước rồi ngã túi bụi vào nhau.

Kéo co thì khi mà các cô giáo cố gắng căng sức để kéo cũng đồng thời những chiếc áo trên lưng bị xô lên trên…để lộ những khoảng lưng trần mà bấy lâu các cô giáo luôn giữ gìn kín đáo…

Điều trớ trêu nhất là những người tổ chức thường ghép một giáo viên nam, một giáo viên nữ thành một cặp chơi.

Thế rồi, dưới sự quản trò của một người trong Ban chấp hành Công đoàn hay Bí thư Đoàn trường đã tạo nên không khí ồn ào, náo nhiệt và những tràng pháo tay không dứt.

Chao ôi, cứ nghĩ đến những thầy cô đang chơi những trò chơi như thế, với hàng trăm cặp mắt học trò, đồng nghiệp đang dõi theo mà thấy buồn não nề. Những trò chơi như vậy có…vui được không?

Đối với học sinh cấp trung học phổ thông thì các thầy cô cán bộ Đoàn cũng luôn tổ chức những trò chơi sôi động, náo nhiệt để tạo không khí vui hết mình.

Nhiều trò chơi cứ đụng chạm vào cơ thể nhau (nam với nữ) mà chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều trong thời gian qua cũng đủ có những người làm công tác giáo dục suy ngẫm.

Có lẽ, nói gì thì nói, vui gì thì vui nhưng khi tổ chức các trò chơi trong môi trường giáo dục thì lãnh đạo, giáo viên nhà trường phải đặt tính giáo dục lên trên hết.

Hoặc đó phải là trò chơi lành mạnh, phù hợp với chuẩn mực đạo đức của người Việt. Nếu nhà trường có khả  năng tổ chức được trò chơi phù hợp thì cả nên tổ chức.

Nếu không, ngày 8/3 tập hợp giáo viên trong trường ngồi lại với nhau sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tặng một số món quà cho giáo viên nữ cũng sẽ đủ đầy ý nghĩa hơn một số trò chơi phản cảm mà chúng ta đang thấy.

NHẬT DUY