Giáo viên hợp đồng tại Ba Vì rơi nước mắt làm đủ thứ nghề để sống

10/04/2019 06:25
Vũ Ninh
(GDVN) - Sau giờ lên lớp, cô giáo Thúy lại mải mốt đi làm thêm đủ nghề: trông trẻ thuê, dọn nhà theo giờ, chăm sóc người già ốm, dán áo mưa.

Sự hi sinh của giáo viên hợp đồng

Cô Thúy lau nước mắt, ngoái lại mỉm cười: "Cô không hứa trước đâu.

Nếu năm sau cô không dạy nữa có việc thắc mắc gì về môn Sử em vẫn có thể hỏi cô nhé".

Đám học trò của cô Thúy khăn quàng bay phấp phới mặt tiu nghỉu đứng nhìn bóng cô mất hút dần. Chúng biết cô còn bận đi làm thêm.

Dạy ở Hà Nội, lương 1,2 triệu mỗi tháng, người ta hỏi sao tôi vẫn lên lớp?

Ngày đó, cô Thúy về giảng dạy tại mái trường Trung học cơ sở Vật Lại (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Những học sinh khóa đầu tiên của cô mới chỉ 13-14 tuổi, tóc lỏm chỏm, da cháy nắng.

Sau gần 20 năm, mái tóc cô đã lốm đốm, nước da đã nhăn nheo vài phần.

Nhiều đứa trẻ cô đang dạy là con của học sinh cũ.

Vậy mà từng đấy năm cô vẫn là giáo viên hợp đồng.

Cô Thúy vội vàng nổ chiếc xe máy cũ đến nhà một chị đồng nghiệp trong trường để dọn nhà, giúp việc.

Số là đồng nghiệp thấy chị khổ quá, lương thấp, một nách 3 con nên ở nhà cần người làm thêm, giúp việc là họ để dành cho chị.

Có những hôm học sinh đến học thêm Toán, thấy cô Thúy đang lau dọn nhà cửa và chăm người mẹ già của giáo viên ấy.

Chúng ái ngại nhìn cô Thúy của mình, một vài đứa mắt đỏ hoe, thương cô.

Trong căn nhà tuyềnh toàng, cô Thúy ăn mặc giản dị, vóc người nhỏ bé và dáng đi vất vả. Cô thu gom mớ giấy khen trong quá trình dạy học 20 năm ở trường.

Vân vê tập giấy khen, cô bần thần nhớ lại những tháng 5 mùa gặt năm ấy:

"Mùa lúa tháng 5 năm ấy. Tôi khi đó đã có một gia đình nhỏ nhưng không hạnh phúc.

Gia đình chồng cho rằng tôi không làm được trò trống gì. Vì gần như không làm ra được kinh tế mặc dù khi đó tôi đang là giáo viên.

Đỉnh điểm đến một hôm cả mẹ chồng và em dâu cũ đều viện cớ tôi chỉ chú tâm vào công việc của trường, lười nhác mà đánh đuổi tôi".

Vậy là từ đó đến nay cô Thúy thà bỏ chồng chứ không bỏ nghề.

"Nếu nói về yêu nghề thì tôi yêu nghề thật sự. Nếu không yêu nghề thì chắc chắn không thể vượt qua được nhiều khó khăn đến vậy.

Có những hôm lên lớp giảng nhìn thấy học sinh cứ tròn mắt chăm chú nghe cô dạy. Đấy là cái động lực lớn nhất của mình.

Tôi chủ nhiệm được lâu năm rồi. Có những em học sinh gia cảnh khổ vô cùng, bố thì nghiện ngập, đánh đập, mẹ thì bỏ đi.

Nhìn thấy học sinh như vậy mình chỉ biết rơi nước mắt. Đó cũng là động lực cho tôi còn theo đuổi nghề này".

Mấy ngày trước, Khôi, một học sinh cũ trở về thăm người mẹ thứ hai của mình – cô Thúy.

Nhớ về Khôi, cô Thúy lại mường tượng ra hình ảnh cậu học trò nhỏ òa khóc khi nhắc về Mẹ:

"Thằng Khôi khi đấy sống gần như bất cần vì nó khổ quá. Chỉ có một hôm tôi gọi nó lại hỏi: Khôi! Con cần tình thương của mẹ lắm phải không?

Thế mà nó òa lên nó khóc. Tôi bảo nếu mà con cần tình thương, chấp nhận được cuộc sống nghiêm khắc thì sang nhà cô ở với ông bà.

Nhưng nó không ở, nó coi tôi như người mẹ thứ hai".

Cô Thúy chấp nhận làm thêm nhiều công việc để tiếp tục được dạy học (Ảnh: Vũ Ninh)
Cô Thúy chấp nhận làm thêm nhiều công việc để tiếp tục được dạy học (Ảnh: Vũ Ninh)

Nghĩ về chồng, nghĩ về nghề, cô Thúy cảm thấy xót xa và đau đớn. Ngoài sân có tiếng người già đi dép loẹt quẹt. Cô Thúy lại nghẹn ngào:

"Hôm trước chị nói với một anh cùng trường. Nếu bây giờ em bỏ nghề thì mang tội bất hiếu với bố mẹ.

Bố mẹ cho mình ăn học thành người mong muốn mình có một cuộc sống và công việc ổn định.

Nhưng bây giờ đúng là mình chẳng có một cái gì phải sống nhờ vào sự cưu mang của bố mẹ, người thân".

Về mức lương cô Thúy đang được hưởng hơn 1,3 triệu đồng một tháng.

Một nách 3 đứa con với mức lương như vậy cô Thúy phải xoay sở đủ thứ nghề: trông trẻ, chăm sóc người già, đan lát.

"Mấy năm trước có người hỏi sao tôi không bỏ nghề. Tôi nghĩ rằng nghề giáo là đam mê và giúp mình rèn chuẩn đạo đức.

Chứ còn làm thêm thì tôi vẫn làm để duy trì cuộc sống còn nghề thì không bỏ được".

Lương nửa tháng phụ hồ bằng đúng hai tháng lương của giáo viên hợp đồng

Cô Hằng là một trường hợp giáo viên hợp đồng khác của huyện Ba Vì có cuộc sống vô cùng khó khăn, chật vật.

Gia đình tan vỡ, kinh tế eo hẹp, bốn mẹ con cô bồng bế nhau đi ở nhờ gian nhà cũ của một cặp vợ chồng tốt bụng trong xóm.

Đến lượt 114 giáo viên hợp đồng huyện Đông Anh viết đơn kêu cứu

Nơi ở cách trường 10 km. Lương thấp không đủ cô mua nổi một chiếc xe máy.

Cô đi dạy cũng nhờ chiếc xe máy mà cha mẹ cô khi còn sống mua cho cô.

Cũng giống như cô Thúy, lương của cô Hằng sau 21 năm dạy hợp đồng hiện nay đang nhận 1,3 triệu đồng/1 tháng.

Cô con gái lớn lên trong những tiếng mẹ lẩm nhẩm đọc giáo án. Em cũng đã từng có một ước mơ và tình yêu với nghề giáo.

Nhưng lớn lên, khi hiểu chuyện, thấy mẹ vất vả và chật vật với nghề, với đồng lương, ước mơ của em cũng thui chột dần:

"Công việc này ai cũng thích. Nhưng để nói đảm bảo cuộc sống, với mức thu nhập như thế này thực sự ra không bằng người đi phụ vữa.

Phụ vữa bây giờ công 200.000 đồng/ 1 ngày. Cứ cho rằng người ta làm nửa tháng, chơi nửa tháng người ta đã hơn mình rồi.Người ta làm nửa tháng lương bằng mình làm 2 tháng.

Thực sự để nói công của giáo viên hợp đồng bây giờ quá thấp. Nói từ lương cho oai chứ không bằng tiền trợ cấp".

Năm nay cô Hằng chính thức bước sang năm thứ 22 làm giáo viên hợp đồng.

Từng ấy năm với sự khó khăn và vất vả như thế chỉ có tình yêu nghề là động lực duy nhất để cô còn tiếp tục gắn bó:

"Năm nay tôi bước sang năm thứ 22 đi dạy. Mình theo đuổi nghề giáo vì bố mẹ cho ăn học, xin việc, đi làm. Tôi cống hiến 21 năm bước sang năm thứ 22.

Bây giờ nói bỏ thì cả quãng thời gian như thế, mình cống hiến cuối cùng chẳng nhận lại được cái gì.

Nếu không yêu nghề thì tôi bỏ lâu rồi. Nhiều giáo viên họ đã bỏ rồi đấy nhưng tôi vẫn còn gắn bó với nghề giáo".

Đồng lương eo hẹp, cô Hằng phải làm đủ mọi thứ nghề: đan giỏ hoa, làm vàng mã, quản lý quán ăn...Việc gì chân chính làm ra tiền là cô không nề hà lăn vào làm.

Có giáo viên hợp đồng được chào mời “chạy viên chức" với giá vài trăm triệu đồng

"Với mức lương như hiện nay thì không làm thêm không được.

Nói thật số tiền này bản thân mình ăn còn chẳng đủ chứ đừng nói gì đến việc nuôi con.

Cũng may người ta cho ở nhờ chứ không thì không biết xoay sở sao".

Có thời gian phải làm quản lý quán ăn đến 1-2 giờ đêm. Sáng ra cô lại tiếp tục đi dạy học.

Những ngày không đi làm xa 4 mẹ con cặm cụi ngồi nhà để đan giỏ hoa kiếm thêm thu nhập.

Cô Hằng chỉ ao ước được giữ lấy nghề. Vì ở cái tuổi của cô làm gì cũng khó.

Sau 21 năm cống hiến miệt mài, đánh đổi và hy sinh trên môi của người giáo viên này vẫn nở một nụ cười thật đẹp khi nghĩ đến hai chữ nghề giáo.

Cô Hằng tâm sự vẫn còn rất yêu nghề và muốn gắn bó với nghề dạy học (Ảnh: Vũ Ninh)
Cô Hằng tâm sự vẫn còn rất yêu nghề và muốn gắn bó với nghề dạy học (Ảnh: Vũ Ninh)

Câu chuyện của những giáo viên hợp đồng tại huyện Ba Vì như cô Thúy, cô Hằng đều minh chứng cho tình yêu nghề, sự hi sinh của các thầy cô.

Riêng cô Thúy chỉ ao ước được tiếp tục đi dạy, truyền lửa và lấp lỗ hổng kiến thức lịch sử cho bọn trẻ hiện nay.

Hạnh phúc của cô là được kể những chiến tích hào hùng của dân tộc, kể chuyện về Bác Hồ.

Những học sinh bé bỏng mắt tròn xoe, há hốc miệng nghe bài giảng của cô.

Cô bảo vẫn tiếp tục đi làm thêm để ngày ngày được đi dạy. Tấm lòng của người giáo viên đâu phải vì đồng lương ít ỏi như hiện nay.  

Bất giác tôi nhớ lại câu hỏi của một giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội):

"Đến thời điểm này tôi cũng không biết vì sao mình còn gắn bó với nghề dạy học"? Có lẽ là vì 2 chữ "yêu nghề" cô giáo ạ!

Vũ Ninh