Nguyên nhân sâu xa của những mâu thuẫn ở ĐH Hùng Vương

12/03/2012 18:22
Theo Báo Phụ nữ
Tạm đình chỉ chức vụ đối với Chủ tịch hội đồng quản trị và Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương là những vấn đề được dư luận chú ý trong tuần qua. Nguyên nhân của vấn đề được cơ quan thanh tra TP.HCM xác định là do đối đầu gay gắt về lợi ích nhóm. 
 
Trường ĐH Hùng Vương hiện đang rất cần các nhà đầu tư, nhưng cũng rất "sợ" các nhà đầu tư
Trường ĐH Hùng Vương hiện đang rất cần các nhà đầu tư, nhưng cũng rất "sợ" các nhà đầu tư
Tạm đình chỉ chức vụ đối với Chủ tịch hội đồng quản trị và Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương là những vấn đề được dư luận chú ý trong tuần qua.Nguyên nhân của vấn đề được cơ quan thanh tra TP.HCM xác định là do đối đầu gay gắt về lợi ích nhóm. Thực tế, mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhóm thành viên trong các trường ĐH dân lập đã âm ỉ ngay từ khi trường mới ra đời và tiếp tục tồn tại trong quá trình chuyển đổi từ dân lập sang tư thục. Tại sao?

Bất cập nối tiếp bất cập

Vào những năm 1990, do yêu cầu xã hội hóa giáo dục, các trường ĐH ngoài công lập được hình thành. Nhưng lúc đó, vì ngại chữ “tư thục” nên khái niệm “dân lập” và mô hình trường ĐH dân lập đã ra đời. Theo quy chế 86/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trường ĐH dân lập phải do một tổ chức đứng ra thành lập. Nhưng quy định này chỉ mang tính hình thức, bởi trên thực tế, không có tổ chức nào bỏ vốn đầu tư, mà vốn là do các cá nhân bỏ ra, trong khi quyền sở hữu tài sản lại xác định: “tài sản của trường ĐH dân lập sau khi trừ phần vốn góp của tập thể, cá nhân và phần chi phí cho các hoạt động của trường kể cả phần trả lãi vốn vay, vốn góp là tài sản không chia thuộc sở hữu tập thể nhà trường” (điều 36). Sự không tường minh về sở hữu tài sản cộng với khái niệm có tính “nửa dơi, nửa chuột” (Luật Giáo dục không có mô hình trường dân lập) nên vào ngày 26/5/2006 Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký quyết định 122/QĐ-TTg cho phép 19 trường ĐH dân lập chuyển sang tư thục. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đã phát sinh hai vấn đề nổi cộm là hình thức sở hữu và quyền lãnh đạo nhà trường.
Về hình thức sở hữu, với việc xác định tài sản thuộc “sở hữu tập thể” nên phần lớn tài sản của các trường ĐH dân lập sẽ là thuộc “sở hữu tập thể”, vì vốn góp của các cá nhân ban đầu là không đáng kể so với giá trị tài sản hiện có. Nhưng khi chuyển sang mô hình trường tư thục (tài sản thuộc “sở hữu tư nhân”) theo quy chế 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, khối tài sản “sở hữu tập thể” ấy sẽ thuộc “sở hữu chung của toàn trường”. Điều này khiến người ta nghĩ rằng khối tài sản “sở hữu tập thể” đã bị đem “biếu không” cho trường tư. 

Để khắc phục những bất cập trên, ngày 10/11/2011, Chính phủ ban hành quy chế 63/2011/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung thay cho quy chế 61, trong đó có xác định người đại diện cho khối tài sản “tập thể”. Nhưng các thành viên của “tập thể” chẳng được hưởng lợi gì từ khối tài sản của họ (cổ tức từ khối “tài sản tập thể” không được phân chia mà để tăng thêm vốn tích lũy cho trường ĐH tư thục); trong quá trình chuyển đổi, người ta lại cố tình “hạ giá” khối tài sản này và không tính đến giá thương hiệu của trường ĐH... với mục đích được mua (hoặc “thôn tính”) trường với giá rẻ nhất có thể... Tất cả đã làm cho tiến trình chuyển đổi hầu như giẫm chân tại chỗ.

Về quyền lãnh đạo nhà trường cũng phức tạp không kém. Linh hồn của một trường ĐH chính là đội ngũ các nhà giáo dục và khoa học của trường đó. Ấy vậy mà trong quy chế về trường ĐH tư thục, người ta chỉ thấy nói đến quyền lực của người có tiền, tiền càng nhiều thì quyền càng cao, mà không thấy được vị trí của các nhà khoa học, giáo dục.

Từ hai bất cập vừa nêu đã kéo theo sự bất phục, chống đối, thậm chí là lôi kéo thành phe nhóm chống đối lẫn nhau giữa những người đang lãnh đạo nhà trường và các nhà đầu tư. 

Muốn ổn định thì phải sửa

Các trường ĐH đang “khát” vốn để xây dựng và phát triển là sự thật, nhưng có người đầu tư vào là nảy sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân của mâu thuẫn này, theo ông Trần Chút - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, là do cả hai phía. Vì “khát” vốn để phát triển, nên khi có nhà đầu tư là trường ĐH chấp nhận ngay, bất chấp điều kiện, trong khi các nhà đầu tư thì hăm hở bỏ tiền vào với mục tiêu “thôn tính” trường. Do mục đích trái ngược nhau nên khi “bắt tay hợp tác” là phát sinh mâu thuẫn. Ví dụ: theo biên bản thỏa thuận góp vốn giữa trường ĐH Hùng Vương với các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư sẽ góp vốn “tự nguyện và bất vụ lợi vĩnh viễn”. Thế nhưng trên thực tế, vì lợi ích của mình, các nhà đầu tư đã làm nhiều việc trái quy định.

Về vấn đề này, ông Trần Chút đề xuất: trước khi đưa ra quyết định đầu tư và mời gọi đầu tư, các nhà đầu tư và trường ĐH cần phải cùng nhau lập dự án và thảo luận thẳng thắn để làm rõ và cam kết bốn điểm gồm: mục tiêu đầu tư, lộ trình đầu tư, năng lực tài chính để thực hiện lộ trình đầu tư, phương thức quản lý (đặc biệt là quản lý tài chính) đồng thời phải pháp lý hóa nó để tránh lật lọng giữa đôi bên.

Theo quyết định 122/QĐ-TTg ngày 26/5/2006, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm yêu cầu 19 trường ĐH dân lập phải chuyển sang tư thục cho đến trước 30/6/2007. Đến nay, hạn cuối đã quá gần 5 năm, nhưng mới chỉ có 3/19 trường thực hiện xong việc chuyển đổi. Riêng ĐH Hùng Vương, trong quá trình chuyển đổi thì phát sinh mâu thuẫn giữa CBGV-CNV với các nhà đầu tư trong việc định giá tài sản và quyền kiểm soát nhà trường.

Sẽ còn rất nhiều điều phải suy nghĩ, cân nhắc, sửa đổi trong những quy định về mô hình trường ĐH tư thục và quy trình chuyển đổi từ ĐH dân lập sang ĐH tư thục nếu không muốn “sự kiện Hùng Vương” lặp lại ở những trường ĐH khác.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo Báo Phụ nữ