Phải chấm dứt đánh giá Ban giám hiệu kiểu a dua, nịnh bợ

21/05/2019 06:41
Đăng Bình
(GDVN) - Có thể nói giáo viên là lớp người hèn yếu nhất hiện nay. Ai nói sao cũng được, ai làm gì cũng kệ, cũng xong miễn đừng có đụng chạm đến mình.

Bao năm qua, mỗi khi nhà trường tổ chức buổi đánh giá hiệu trưởng (phó hiệu trưởng) theo chuẩn thì gần như nhiều giáo viên đều sao y bản chính thang điểm tự đánh giá của Ban Giám hiệu vào phiếu của mình.

Năng lực Ban giám hiệu quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Năng lực Ban giám hiệu quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Mặc dù trước đó, những thầy cô giáo này đều ca thán phong thái, cách làm việc hay nhân phẩm của sếp mình khá nhiều.

Họ làm thế vì ai cũng muốn bình an, yên ổn để giảng dạy. Đã có một số tấm gương làm bài học để giáo viên rút kinh nghiệm cho mình.

Đó là một số thầy cô giáo đã bất ngờ bị chuyển trường đi khá xa nhà.

Đương nhiên lệnh điều động là của cấp trên (không phải từ trường) và lý do thuyên chuyển chỉ là tăng cường nhân sự cho đơn vị bạn.

Hai giáo viên bị thuyên chuyển ở trường A cho biết, hôm cuối năm nhà trường mở cuộc họp đánh giá hiệu trưởng.

Trong phiếu đánh giá của mình, 2 thầy cô đã ghi khá nhiều những khuyết điểm tồn tại của hiệu trưởng nhà trường.

Dù trên phiếu đánh giá không ký tên nhưng nét chữ của 2 người làm sao có thể che giấu?

Sau buổi bỏ phiếu, thái độ của hiệu trưởng khác hẳn.

Đánh giá kiểu hình thức thì chuẩn hiệu trưởng thế nào cũng vô nghĩa

Cáu bẳn, xét nét đủ điều, trong cuộc họp còn bóng gió xa xôi “làm việc mà có người chống đối là mệt mỏi, áp lực lắm”.

Chẳng biết hiệu trưởng đã “tỉ tê” gì với cấp trên mà chỉ sau 2 tháng nghỉ hè, 2 thầy cô ấy nhận quyết định chuyển trường khá xa.

Có cô con còn nhỏ mà phải đi dạy cách nhà hơn 20km (trong khi trước đó chỉ dạy cách nhà 3km).

Người đồng cảm tỏ ra thương xót, nhưng phần đông người ta chửi cô ngu. Bởi, nhiều tấm gương “đấu tranh tránh đâu” vẫn còn trước mắt.

Có người còn nói “nói thẳng nói thật tưởng là anh hùng sao? Rồi có được gì không? Họ vẫn là hiệu trưởng, chỉ có mình là chịu thiệt thòi thôi”.

Người thì vô trách nhiệm kiểu "Đánh giá họ tốt mình cũng có mất mát gì đâu? Ai thích tốt thì mình cho tốt".

Đây cũng chính là suy nghĩ chung của nhiều giáo viên lúc này.

Thế nên mới nói, giáo viên là lớp người hèn yếu nhất hiện nay (xin lỗi những thầy cô cương trực, mạnh mẽ vì số này khá ít).

Nó biểu hiện rõ nhất là, ai nói sao cũng được, ai làm gì cũng kệ, cũng xong miễn đừng có đụng chạm đến mình (đôi khi đụng đến mình còn không biết đứng lên bảo vệ chính mình nữa).

Vì sự mặc kệ ấy nên mới xảy ra tình trạng hàng trăm hiệu trưởng gần như xếp loại xuất sắc.

Chuẩn hiệu trưởng, con dao thanh trừng giáo viên?

Trong đó, có không ít hiệu trưởng đã vi phạm một số điều cấm, một số điều đảng viên không được làm.

Đó là hiệu trưởng trường A, trường B…vay nợ như chúa chổm, huy động giáo viên chơi tiền ảo, nợ nần không trả, dạy thêm trái phép, đến trường thường sau giáo viên và ra về thì luôn sớm nhất …

Thế nhưng mục nào cũng được giáo viên nhà trường đánh giá tốt và xếp xuất sắc.

Phần ưu điểm toàn những lời có cánh ca ngợi lên mây xanh. Phần nhược điểm tồn tại thường bỏ trống.

Nhưng ngoài vỉa hè, bên lề các cuộc họp, bên những ly cà phê…những vị hiệu trưởng này lại trở thành tội đồ cho những đồ tể (chính là những thầy cô mới đánh giá họ xuất sắc ấy) đưa lên bàn “phẫu thuật, "mổ, xẻ" không thương tiếc.

Hiện tượng vừa nêu không là cá biệt ở một trường, một địa phương mà phổ biến ở nhiều nơi.

Thay đổi chuẩn hiệu trưởng để thông qua đánh giá hằng năm, hiệu trưởng sẽ biết những điểm mạnh để phát huy, thấy tồn tại để khắc phục, sửa đổi hoàn thiện phẩm cách của một người đứng đầu.

Thế nhưng với cách đánh giá chuẩn hiệu trưởng hiện nay khẳng định luôn rằng không mấy hiệu quả.

Kiểu đánh giá a dua, nịnh bợ như thế chỉ tốn thời gian, giấy tờ.

Bộ Giáo dục cũng cần tìm hiểu và quy định lại quy trình đánh giá chuẩn hiệu trưởng sao cho phù hợp.

Đăng Bình