Kể từ năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT quy định đánh giá chuẩn hiệu trưởng giáo dục phổ thông mới.
Chuẩn mới có 5 tiêu chuẩn, 18 tiêu chí đánh giá hiệu trưởng.
Chuẩn hiệu trưởng có làm thay đổi điều gì dưới mái trường không?(Ảnh minh họa: http://tuyenquang.gov.vn) |
Quy trình đánh giá cũng không khác trước đây. Trước hết, hiệu trưởng tự đánh giá mình trên phiếu cá nhân.
Có 4 mức để tự đánh giá: Chưa đạt, Đạt, Khá, Tốt.
Sau đó, nhà trường phát phiếu lấy ý kiến của giáo viên, công nhân viên trong trường.
Cũng có 4 mức độ để thể hiện ý kiến của các thành viên: Hoàn toàn không đồng ý; Ít đồng ý; Tương đối đồng ý; Hoàn toàn đồng ý.
Vẫn phổ biến kiểu đánh giá áp đặt
Trước đây, mỗi khi đánh giá về chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhiều trường thường tổ chức họp hội đồng sư phạm.
Hiệu trưởng (phó hiệu trưởng) đứng lên đọc mức điểm tự mình chấm ứng với từng tiêu chí.
Giáo viên ngồi dưới nghe và gần như sao y bản chính những con điểm mà hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tự chấm cho mình vừa đọc lên.
Với kiểu đánh giá như thế thì gần như 100% Ban Giám hiệu nhà trường đạt xuất sắc.
Kể cả một số hiệu trưởng đang bị tai tiếng về một chuyện gì đó, hoặc đã từng bị cấp trên nhắc nhở, phê bình trong năm vẫn lọt vào khung xuất sắc.
Chuẩn hiệu trưởng có làm thay đổi điều gì dưới mái trường không? |
Một số giáo viên cho rằng, chẳng mất gì của mình nên đánh đại cho xong việc.
Một số khác sợ nếu cho mức điểm thấp sẽ bị Ban Giám hiệu “trả thù”.
Cũng có trường, đưa phiếu cho giáo viên về nhà đánh giá.
Thế nhưng khi phiếu đánh giá được nộp lên, một số Ban Giám hiệu lại bỏ công ra truy tìm (nét chữ) những giáo viên đã không ủng hộ mình.
Thế là, những thầy cô giáo ấy đã lọt vào “tầm ngắm” của họ “chạy trời cũng không khỏi nắng”.
Thay đổi cách đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn mới, đòi hỏi Ban Giám hiệu nhà trường phải tự vận động, phải luôn học hỏi để nâng cao trình độ nhận thức, trình độ chuyên môn.
Thế nhưng chuẩn hiệu trưởng thay đổi nhưng cách đánh giá những tiêu chuẩn mới vẫn như bao năm qua chắc chắn vẫn không thay đổi được gì.
Biện pháp nào có thể để đánh giá chuẩn hiệu trưởng một cách khách quan?
Hiểu thế nào là “ít đồng ý”, “tương đối đồng ý” khi đánh giá chuẩn Hiệu trưởng? |
Đánh giá chuẩn hiệu trưởng nên tổ chức 2-3 năm/lần.
Tuyệt đối không giao cho nhà trường tổ chức lấy ý kiến tập thể.
Vì làm như thế, sẽ không có nhiều thầy cô giáo mạnh dạn dám đánh giá thực chất.
Để công bằng, khách quan cần có cấp trên giám sát buổi lấy ý kiến đánh giá.
Phiếu lấy ý kiến của giáo viên, công nhân viên phải được bỏ vào thùng niêm phong và chuyển về phòng giáo dục.
Cấp phòng sẽ là người khui thùng phiếu và tổng hợp ý kiến đánh giá.
Sau đó, thống kê và báo kết quả về trường.
Làm thế chắc chắn nhiều thầy cô sẽ mạnh dạn hơn trong việc đưa ra ý kiến của mình mà không sợ bị ai để ý, trù úm.
Khi kết quả đánh giá hiệu trưởng thực chất từ tập thể cũng sẽ là đòn bẩy để mỗi Ban Giám hiệu nhà trường tự nhìn nhận lại bản thân, công việc mình làm từ đó có kế hoạch phấn đấu và khắc phục.
Nếu cữ giữ cách đánh giá như hiện nay, Ban Giám hiệu nào cũng tin chắc mình sẽ lọt vào vòng xuất sắc dù thực tế không phải vậy.
Họ sẽ trở nên tự mãn với bản thân mình và chẳng bao giờ chịu thay đổi.