Quốc hội chất vấn về giáo dục, Chính phủ đã làm được gì?

30/10/2018 09:38
Đỗ Thơm
(GDVN) - Qua 4 năm thực hiện, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan…

Từ ngày 30/10 đến ngày 1/11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Khác với những lần trước Quốc hội chất vấn theo nhóm vấn đề, lần này đại biểu sẽ nghe báo cáo việc thực hiện các nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Sau đó, các đại biểu sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực lời hứa từ đầu nhiệm kỳ.

Sáng 30/10, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã trình bày báo cáo tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Xác định những nhiệm vụ đã cam kết tại các phiên chất vấn qua các kỳ họp có ảnh hưởng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.

Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ với kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, thống nhất hành động, sâu sát thực tiễn, giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm và vấn đề phát sinh theo thẩm quyền.

Chính phủ đề cao vai trò của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, tạo sự thống nhất, thông suốt, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ.

Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện rất nhiều công việc để thực hiện nghị quyết chất vấn của Quốc hội.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, phân tích những tác động tích cực và hạn chế của Luật Giáo dục hiện hành; tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Giáo dục; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhân dân một cách nghiêm túc để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục.

Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), thừa ủy quyền của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Chính phủ đã ban hành chương trình hành động và chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng, triển khai 14 đề án (04 đề án có điều chỉnh không ban hành).

Quốc hội chất vấn về giáo dục, Chính phủ đã làm được gì? ảnh 2Bộ trưởng Tô Lâm nói gì về thông tin mở rộng điều tra tiêu cực thi cử?

Việc ban hành và triển khai các đề án đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng các hoạt động Giáo dục và Đào tạo ở tất cả các cấp học.

Chính phủ đã xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu kế thừa những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục các bất cập của kỳ thi “3 chung” trước đây.

Đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Báo cáo của Chính phủ nhận định, qua 4 năm thực hiện, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Bất cập, sai phạm trong tổ chức thi ở một số địa phương đã được chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng đảm bảo quyền tự chủ của các trường theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông.

Đồng thời chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề; liên kết giữa cơ sở giáo dục trung học với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện việc tư vấn nghề.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh truyền thông hướng nghiệp để thu hút học sinh học xong trung học cơ sở vào học trung cấp; tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông chuyển sang học nghề có xu hướng tăng.

Xây dựng và triển khai đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0.

Xây dựng và triển khai đề án thí điểm đào tạo học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo mô hình của Nhật Bản (cấp bằng cao đẳng và công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành).

Đẩy mạnh gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học để đảm bảo phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Luật Quy hoạch, trong đó chú trọng sử dụng các công cụ quản lý chất lượng để điều chỉnh và hoàn thiện mạng lưới.

Ban hành một số văn bản để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Đánh giá kết quả thực hiện chính sách cử tuyển cho thấy việc bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển gặp nhiều khó khăn do hình thức tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức đã có nhiều thay đổi theo quy định Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện".

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về việc thực hiện chính sách cử tuyển trong Luật Giáo dục (sửa đổi) theo hướng Nhà nước dành riêng chỉ tiêu cử tuyển đối với các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách tạo nguồn tuyển sinh trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để học sinh các dân tộc này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học. Chính sách về hỗ trợ đào tạo người dân tộc thiểu số được thực hiện công khai, minh bạch.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất ban hành Nghị định quy định chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức thuộc nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp (gồm 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người và một số dân tộc: Kháng, Gia Rai, Ba Na, Mông, Thái, Khmer, Raglai, Xtiêng, Khơ Mú, Co, Giẻ Triêng).

Đề xuất ban hành Nghị định quy định chế độ, chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng, đãi ngộ, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn

Ngay sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Trong lĩnh vực giáo dục, báo cáo thẩm tra chỉ rõ, Chính phủ đã nghiêm túc trong việc ban hành và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Việc đổi mới tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã mang lại những kết quả nhất định.

Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được đẩy mạnh, công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông được tăng cường.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông cơ bản được thực hiện theo lộ trình.

Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và dự thảo các chương trình môn học được triển khai khá thận trọng.

"Việc thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ đã đạt được những kết quả nhất định.

Những bất cập trong việc triển khai mô hình trường học mới ở một số địa phương đang dần được khắc phục", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Hệ thống các cơ sở đào tạo trong cả nước phát triển ổn định. Nhân lực trình độ cao làm việc trong một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn có sự gia tăng.

Quốc hội chất vấn về giáo dục, Chính phủ đã làm được gì? ảnh 4Thực hiện lời hứa trong lĩnh vực giáo dục, giao thông sẽ nóng nghị trường?

Công tác đào tạo nhân lực theo hướng nâng cao chất lượng đã có nhiều thay đổi. Quản lý nhà nước về đào tạo có nhiều đổi mới.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đào tạo đội ngũ giảng viên trình độ cao được quan tâm.

Công tác phối hợp, gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, người sử dụng lao động được tăng cường. 

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các đề án còn chậm so với kế hoạch , chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều. Hiệu quả của chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số chưa cao; việc tuyển dụng cán bộ cử tuyển gặp khó khăn.

"Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia còn một số tồn tại nhất định như chất lượng ngân hàng đề thi, tính bảo mật trong quy trình thi dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại một số địa phương ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của xã hội", báo cáo đánh giá.

Tỷ lệ phân luồng sau trung học cơ sở chưa đạt yêu cầu. Công tác giáo dục hướng nghiệp cho trung học phổ thông còn hạn chế.

Việc dạy và học ngoại ngữ còn những khó khăn nhất định. Việc ban hành chương trình tổng thể và các chương trình môn học còn chậm. 

Đỗ Thơm