Thi tốt nghiệp năm nay thí sinh, phụ huynh đừng nghĩ có thể gian lận được

18/05/2019 07:53
Phương Linh
(GDVN) - Đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định như vậy, trong buổi trao đổi thông tin với báo giới về kỳ thi quốc gia năm nay sắp diễn ra.

Ngày 17/5/2019, tại tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Lê Hải An đã chủ trì buổi trao đổi thông tin một số nội dung quan trọng trong lĩnh vực giáo dục với phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí ở khu vực phía Nam.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ này, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đã cho biết, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp diễn ra, Bộ đã có những điều chỉnh về mặt quy trình kỹ thuật, nhằm đảm bảo việc phòng ngừa, phát hiện các gian lận trong thi cử.

Thí sinh, phụ huynh đừng nghĩ sẽ có thể gian lận được

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, khu vực lưu trữ đề thi, bài thi sẽ phải có camera giám sát, công an trực an ninh 24/24h. Phó trưởng điểm thi, hoặc thư ký phải là người của các trường đại học, cao đẳng cần phải ngủ đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi.

Việc phân công cán bộ coi thi, phát đề thi, chấm thi trắc nghiệm cũng có nhiều thay đổi so với kỳ thi của năm 2018.

Phiếu làm trắc nghiệm của thí sinh năm nay cũng sẽ được làm phách điện tử, để nhằm ngăn chặn việc gian lận, can thiệp từ bên ngoài. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm cũng sẽ được điều chỉnh. Các thao tác trên phần mềm chấm thi trắc nghiệm đều được lưu dấu vết, chỉ người nào có trách nhiệm mới có quyền được truy cập.

Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh: Phụ huynh, thí sinh đừng nghĩ là sẽ có ý tưởng gian lận. Bộ Giáo dục và Đào tạo chắc chắn sẽ không bao giờ dung túng cho bất kỳ hành vi gian lận nào.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - ông Mai Văn Trinh nói về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (ảnh: P.L)
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - ông Mai Văn Trinh nói về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (ảnh: P.L)

Các chương trình tập huấn nghiệp vụ thi năm nay, Bộ cũng đã mời lực lượng An ninh và phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an tới dự, nhằm giúp phát hiện, phòng ngừa gian lận thi cử bằng công nghệ cao, giúp cán bộ có thể nhận dạng các thiết bị có thể sử dụng trong quá trình thi cử.

Cho dù đã có nhiều sự điều chỉnh về mặt quy trình, kỹ thuật, nhưng ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khẳng định rằng, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Các loại phương tiện chỉ là thứ để hỗ trợ.

Việc lựa chọn cán bộ coi thi, ông Mai Văn Trinh cũng đã đề nghị cần phải có sự lựa chọn hết sức cẩn thận, am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững quy trình, có tinh thần trách nhiệm, ai ở vị trí nào thì phải làm tốt ở vị trí đó.

Thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội tăng cao

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo Mai Văn Trinh chia sẻ: Năm nay, toàn quốc có khoảng hơn 887.000 thí sinh đăng ký dự thi trung học phổ thông quốc gia, tỷ lệ chỉ xét tuyển chiếm khoảng 74%.

Tỷ lệ thí sinh năm nay đăng ký thi tổ hợp khoa học xã hội tăng cao, chiếm 53%, trong khi tổ hợp khoa học tự nhiên chỉ chiếm khoảng 34%, còn lại là các em đăng ký thi cả hai tổ hợp.

Trong nhiều năm trở lại đây, số lượng thí sinh đăng ký thi tổ hợp khoa học xã hội luôn chiếm ưu thế hơn so với khoa học tự nhiên, và có xu hướng tăng dần theo từng năm.

Đại diện lãnh đạo Bộ cũng đã đưa ra ví dụ: Năm 2017, tỷ lệ này là 43%, thì năm 2018 đã tăng lên 48%, và năm nay là 53%.

Việc thí sinh lựa chọn bài thi khoa học xã hội nhiều hơn, theo giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, là do các em nhìn nhận, các bài thi trong tổ hợp này tương đối gần gũi với cuộc sống, có thể suy luận tình huống, đáp án.

Chính vì vậy, một số em có thể chưa thật sự về mặt kiến thức khoa học tự nhiên, thì có thể chọn bài thi khoa học xã hội, nhằm thoát điểm liệt, để có thể được xét tốt nghiệp.

Song song đó, còn một lý do khác để thí sinh có thể chọn bài thi thuộc tổ hợp khoa học xã hội, là do năm nay, Bộ thay đổi cách tính điểm để xét tốt nghiệp, trong đó điểm thi chiếm tỷ lệ 70%, điểm học bạ chiếm 30%, nên thí sinh cũng cần tính toán để đảm bảo an toàn khi xét tốt nghiệp.

Phương Linh