Gọi bổ sung những thí sinh bị “trượt oan” nhập học có được không?

14/05/2019 06:45
THANH AN
(GDVN) - Các trường có thể gọi bổ sung, thay thế cho 82 thí sinh đã bị đuổi học và các thí sinh bổ sung này sẽ nhập học vào tháng 8 tới đây là điều phù hợp nhất.

Câu chuyện về gian lận điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 có thể sẽ được hậu thế còn nhắc mãi về sau bởi nó đã trở thành một vết nhơ không thể nào gột rửa được.

Vì thế, lãnh đạo ngành giáo dục ở thời điểm hiện tại cần có hướng giải quyết, xử lý nghiêm minh với những thí sinh gian lận điểm thi.

Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo cho những thí sinh đã bị “trượt oan” trong kỳ thi năm 2018 có cơ hội được nhập học vào các trường đã đăng ký là điều nên làm.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục đã chia sẻ về việc không gọi bổ sung thí sinh (Ảnh: VOV)
Lãnh đạo Bộ Giáo dục đã chia sẻ về việc không gọi bổ sung thí sinh (Ảnh: VOV)

Việc gọi những thí sinh bị trượt oan trong năm 2018, theo chúng tôi là làm được và Bộ Giáo dục nên chỉ đạo, bàn bạc với các trường đại học gọi những thí sinh có điểm sát với điểm chuẩn năm 2018 của các trường vừa đuổi 82 thí sinh gian lận điểm về địa phương.

Còn việc nhập học hay không sẽ là chuyện của các thí sinh được gọi bổ sung. Làm như vậy, sẽ đảm bảo được quyền cho các thí sinh và cũng là một cách để Bộ Giáo dục sửa sai trong kỳ thi năm 2018.

Thực tế, vào thời điểm này thì năm học cũng đã gần kết thúc, việc gọi bổ sung những thí sinh mới vào học cùng với số thí sinh đang học ở năm học này thì chắc chắn là không thể được bởi đã quá muộn rồi.

Nhưng, các trường có thể gọi bổ sung, thay thế chỗ 82 thí sinh đã bị đuổi học và các thí sinh bổ sung này nhập học vào tháng 8 tới đây là điều phù hợp nhất.

Cho dù gọi vào thời điểm này thì chắc chắn sẽ có nhiều thi sinh không nhập học nữa bởi nhiều em đã quen với môi trường mình học tập suốt gần một năm qua.

Song, có thể vẫn có những em sẽ nghỉ học ở trường hiện tại mà theo học trường các em đã bị những thí sinh gian lận ở Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình cướp mất chỗ vào tháng 8 năm trước.

Gọi bổ sung những thí sinh bị “trượt oan” nhập học có được không? ảnh 2Xử lý tiêu cực điểm thi năm 2018, các bên đã thiếu cương quyết ngay từ đầu

Tuy nhiên, trả lời báo chí trong ngày 11-5 vừa qua thì bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đã chia sẻ về việc gọi bổ sung sinh thí sinh như sau:

"Chúng ta chỉ khắc phục đối với những hậu quả có thể khắc phục được, hay nói cách khác là có tính khả thi”.

Cũng theo bà Phụng thì: “Gọi nhập học những thí sinh mất chỗ oan vì gian lận thi cử sẽ gây xáo trộn lớn;

Ở một góc độ nào đó, câu hỏi đặt ra về quyền lợi của thí sinh mất chỗ oan vì gian lận thi cử là có lý, nhưng đó là việc không thể giải quyết được đến cùng một cách hợp lý cho tất cả các thí sinh liên quan”.

Điều này cũng đồng nghĩa là lãnh đạo Bộ và trường đại học đã chủ trương không gọi bổ sung thí sinh vào số lượng thí sinh bị đuổi học trong những ngày qua.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phụng còn chia sẻ thêm: “Năm ngoái, các thí sinh đăng ký từ 1 đến 48 nguyện vọng. Vậy nếu giải quyết thì sẽ gây xáo trộn toàn bộ hệ thống.

Và thậm chí lúc đó lại đặt ra tiếp vấn đề 22.000 thí sinh trúng tuyển không nhập học thì giải quyết quyền lợi cho các thí sinh khác muốn nhập học vào 22.00 chỉ tiêu đó như thế nào”.

Chúng tôi cho rằng bà Phụng đã so sánh hai sự việc này với nhau không phù hợp bởi 2 sự việc này hoàn toàn khác xa nhau và không thể đánh đồng chung một khái niệm.

Việc thí sinh cận điểm đậu nhưng vì có những thí sinh gian lận điểm nên điểm cao hơn và đương nhiên các em thí sinh “thi thật” đã bị mất cơ hội.

Nay, các cơ quan chức năng đã tìm ra những thí sinh sai phạm thì việc gọi bổ sung là trả lại quyền lợi chính đáng cho các thí sinh này. Đây cũng là điều hợp cả lý và tình với các thí sinh.

Gọi bổ sung những thí sinh bị “trượt oan” nhập học có được không? ảnh 3Cử tri kiến nghị cần xử lý phụ huynh, thí sinh được nâng điểm thi

Việc 22. 000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học đó là sự tự nguyện của các em bởi quy chế thi của Bộ là cho thí sinh đăng ký từ 1 đến 48 nguyện vọng.

Tất nhiên, mỗi thí sinh chỉ có thể chọn được một nguyện vọng để học tập mà thôi.

Việc 22.000 thí sinh trúng tuyển mà không nhập học ở đây cũng đồng nghĩa đa phần đó là nguyện vọng ảo. Hơn nữa, thời điểm đó là lúc mới bước vào đầu năm học, các trường đại học gọi đợt này không đủ thì họ đã gọi bổ sung cho đến lúc đủ chỉ tiêu được phân bổ.

Như vậy, quyền lợi thí sinh và các trường đại học đã được đảm bảo ngay từ đầu năm học.

Vì thế, chắc chắn không có ai đặt ra vấn đề quyền lợi với 22.000 thí sinh trúng tuyển mà không nhập học như bà Phụng nói làm gì. Bởi, tất cả những  chỉ tiêu, nguyện vọng, quyền lợi của các thí sinh đã được giải quyết dứt điểm từ đầu.

Khi sự việc tiêu cực xảy ra, tất nhiên lãnh đạo Bộ Giáo dục không mong muốn điều này nhưng nó đã xảy ra rồi thì cũng cần có những giải pháp tối ưu nhất.

Tuy nhiên, điều dư luận trông chờ một giải pháp cụ thể, phù hợp nhất lại chưa thấy từ lãnh đạo Bộ Giáo dục.

Chính sự dùng dằng của lãnh đạo Bộ trong việc công bố danh sách thí sinh đã được xác định gian lận điểm và việc khẳng định không gọi bổ sung thí sinh vào chỗ những thí sinh đã bị các trường đuổi học càng khiến cho dư luận không đặt trọn niềm tin vào sự công bằng của một kỳ thi quốc gia!

Tài liệu tham khảo:

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/thi-sinh-mat-cho-oan-vi-gian-lan-thi-cu-la-hau-qua-khong-the-khac-phuc-530714.html

THANH AN