Tưởng chương trình mới giảm tải, ai dè chất thêm gánh nặng lên học sinh lớp 1

04/02/2018 07:03
Đỗ Quyên
(GDVN) - Mục tiêu của giáo viên khi dạy lớp 1 là cuối năm các em đọc thông, viết thạo đã là một thành công lớn. Chuyện tưởng đơn giản thế nhưng không dễ gì đạt được.

LTS: Trước những yêu cầu của chương trình mới gây ra áp lực cùng sự quá tải về lượng kiến thức đối với các em học sinh lớp 1, cô Đỗ Quyên đã chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này.

Theo cô, có khá nhiều nguyên nhân tác động nhưng nguyên nhân căn bản nhất vẫn do chương trình ôm đồm và khá nặng so với lứa tuổi của các em.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Học sinh lớp 1 hiện nay đang phải học một chương trình khá nặng so với lứa tuổi. Để đáp ứng được mục tiêu yêu cầu của môn học thì cả thầy và trò đang phải vật vã suốt ngày đêm.

Hy vọng, chương trình mới sẽ giảm tải, sẽ cởi trói để học sinh được trả về đúng tuổi thơ của mình.

Thế nhưng khá nhiều người quan tâm đến giáo dục đã phải thốt lên rằng, yêu cầu thế này thì con cháu mình vào lớp 1 còn phải học nhiều nữa.

Những yêu cầu mới đối với các em học sinh lớp 1 là quá nặng (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).
Những yêu cầu mới đối với các em học sinh lớp 1 là quá nặng (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).

Những đòi hỏi vượt sức học trò lớp 1

Học sinh lớp 1 mới bắt đầu làm quen với các âm vần, bảng chữ cái. Học xong lớp 1 các em mới có thể đọc khá trôi chảy một văn bản ngắn. Bên cạnh đó, vẫn có không ít em còn đọc ê a ngắc ngứ.

Thế nhưng chương trình mới lại yêu cầu học sinh lớp 1 phải “hiểu được ý nghĩa hay bài học được rút ra từ văn bản, thể hiện qua khả năng trả lời câu hỏi.

Chẳng hạn: “Em học được điều gì tốt ở nhân vật trong truyện?”, “Câu chuyện/bài thơ khuyên chúng ta điều gì?”.

Yêu cầu còn cao hơn khi các nhà biên tập đòi hỏi học sinh 6 tuổi:

“Bước đầu nhận biết được hình dáng, hành động của nhân vật thể hiện qua ngôn ngữ và hình ảnh trong truyện.

Biết liên hệ tranh minh họa với các chi tiết trong câu chuyện. Nêu được nhân vật yêu thích nhất và bước đầu biết giải thích vì sao.

Đọc mở rộng văn bản văn học với dung lượng khoảng 30 trang/năm, mỗi trang khoảng 110 chữ, có tranh minh họa.

Hỏi và trả lời được những câu hỏi đơn giản liên quan đến các chi tiết, nội dung chính được thể hiện tường minh trong văn bản."

Tưởng chương trình mới giảm tải, ai dè chất thêm gánh nặng lên học sinh lớp 1 ảnh 2Chương trình mới sẽ khiến trẻ em phải đi học thêm từ 4-5 tuổi

Nhờ sự gợi ý, hỗ trợ, hiểu được đề tài hay thông tin chính của văn bản, thể hiện qua khả năng trả lời câu hỏi, chẳng hạn: “Văn bản này viết về điều gì?”.

Bước đầu biết trả lời những câu hỏi như:

“Viết về ai, sự việc gì?”; “Những sự việc đó diễn ra ở đâu, vào lúc nào?” trước khi viết…

Dù có sự gợi ý, hỗ trợ của giáo viên thì yêu cầu như trên của chương trình mới cũng vượt quá khả năng nhận thức của học sinh.

Những yêu cầu ấy với lớp 2 cũng chỉ khoảng hơn 30% học sinh trong lớp đáp ứng được còn phần đông cũng “bó tay” nói gì đến lớp 1?

Các em đang phải học quá tải ở nhà trường

Những cô bé, cậu bé suốt ngày chỉ hát ca nhưng khi bước vào lớp 1 phải học biết bao môn như những học sinh khối 2, 3.

Ngoài hai môn chủ đạo Toán, tiếng Việt chiếm tới 20 tiết/tuần là môn Tự nhiên và Xã hội, môn Thủ công, Đạo đức, Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật…để tăng cường Toán, tiếng Việt người ta có thêm các tiết Toán (bổ sung), tiếng Việt (bổ sung), Tập viết, Luyện viết…

Cứ nhìn thời khóa biểu một ngày của học sinh lớp 1 chúng ta sẽ tưởng tượng ra con cháu mình hằng ngày phải vật vã thế nào với bài vở ở trường.

Ví dụ thời khóa biểu của lớp Một vào ngày thứ ba:

Sáng: Thể dục, tiếng Việt, Toán, tiếng Việt (bổ sung).

Chiều: tiếng Việt, tiếng Việt (bổ sung), Toán (bổ sung).

Ngày nào cũng vậy, từ lúc bước chân đến trường cho đến khi bước ra khỏi cổng trường, học sinh chỉ phải ngồi học cặm cụi hết kiến thức Toán đến tiếng Việt. Thế nhưng theo phản ánh của giáo viên lớp 1, khá nhiều em vẫn không theo nổi chương trình.

Tưởng chương trình mới giảm tải, ai dè chất thêm gánh nặng lên học sinh lớp 1 ảnh 3Thưa Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, học sinh đang quá tải vì lịch học kín cả tuần

Chỉ cần học sinh đọc được và nhớ các âm vần mình đã học đã khó.

Nay chương trình mới còn yêu cầu mục tiêu cần đạt cao như thế không biết giáo viên còn phải dạy trò như thế nào đây?

Trẻ khát khao được vui chơi, giải trí

Dù học sinh được học 2 buổi/ngày, nhưng thực tế không như nhận định của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rằng học cả ngày cũng là một cách giảm tải.

Chính các em đang chịu tăng tải vì lịch học buổi 2 cũng bị đan dày các môn Toán và tiếng Việt. Cụ thể học Toán (5 tiết chính khóa + 3 tiết bổ sung), tiếng Việt (7 tiết chính khóa + 5 tiết bổ sung).

Cả năm học nhà trường mới tổ chức diễn văn nghệ một lần. Khi chọn học sinh vào đội múa hát mới thấy được niềm háo hứng của các em đến thế nào.

Những cánh tay xung phong, những lời năn nỉ/; “Cô (thầy) ơi cho em múa với. Thầy (cô) cho em tham gia văn nghệ đi."

Nhiều phụ huynh kể lại, đi học về chưa bước vào nhà nhiều em đã la to từ ngoài cổng: “Mẹ ơi con được múa rồi”. Vẻ háo hức còn hiện lên trên từng khuôn mặt.

Những ngày ấy, vào lớp học các em vui nhiều hơn. Nhờ thế mà hiệu quả của những tiết học cũng cao hơn.

Mục tiêu cuối cùng của giáo viên khi dạy lớp 1 là cuối năm học sinh của mình đọc thông, viết thạo đã là một thành công lớn. Chuyện tưởng đơn giản thế nhưng không dễ gì đạt được.

Hàng ngày lên lớp, cô trò cùng vật vã từ sáng đến chiều nhưng kết quả vẫn không như mong muốn.

Có khá nhiều nguyên nhân tác động nhưng nguyên nhân căn bản nhất vẫn do chương trình ôm đồm và khá nặng so với lứa tuổi của các em.

Đỗ Quyên