Tính đến ngày 22/1/2019, Bộ đã nhận được: Báo cáo của 53/63 sở giáo dục và đào tạo với 812.591 ý kiến; 195 Phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực;113 người tham gia góp ý; 13 văn bản góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội- xã hội nghề nghiệp và xã hội, hiệp hội; 31 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; 130 bài báo…
Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, kết quả lấy ý kiến cho thấy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này.
Về việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: về vấn đề này, cơ bản có hai loại ý kiến.
Có ý kiến không đồng ý mỗi môn học có một số sách giáo khoa, mà mỗi chương trình có một số bộ sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Đỗ Thơm |
Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với Điều 30 dự thảo Luật vì đã sửa đổi, bổ sung theo hướng luật hóa đường lối, chủ trương của Nghị quyết 29-NQ/TW về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; pháp điển hóa, kế thừa những nội dung phù hợp của Nghị quyết số 88/2014/QH13 và nâng các quy định tại các văn bản hướng dẫn dưới luật thành quy định của Luật Giáo dục (sửa đổi) về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa nhằm hạn chế bất cập về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa hiện nay.
Đó là nặng tính lý thuyết, giáo điều, cứng nhắc, hạn chế quyền lựa chọn của giáo viên và người học; không đáp ứng được yêu cầu liên thông, phân luồng, hướng nghiệp; không đúng theo xu hướng quốc tế hiện nay và làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục; khắc phục những quy định của Luật Giáo dục hiện hành đã lạc hậu, không phù hợp với chủ trương đổi mới về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa theo Nghị quyết 29-NQ/TW và những quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến thứ hai đề nghị, chương trình giáo dục phổ thông nên thống nhất trong cả nước để đảm bảo chuẩn đầu ra và không làm khó cho học sinh khi do hoàn cảnh của gia đình phải chuyển trường, chuyển chỗ ở qua các huyện, tỉnh và vùng khác, nhưng không đồng ý mỗi môn học có một số sách giáo khoa, mà mỗi chương trình có một số bộ sách giáo khoa.
Bộ sách giáo khoa được sử dụng chỉ sau khi đã được thử nghiệm ít nhất một năm học (trọn bộ). Các bộ sách giáo khoa phải chuyển thành sách điện tử.
Không nên xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa vì có thể dẫn tới trường hợp không bảo đảm chất lượng trong giảng dạy và học tập
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu một số nội dung trong quá trình triển khai thực hiện không phù hợp có thể nghiên cứu sửa đổi quy định tại dự thảo Luật để đảm bảo giá trị pháp lý để thực thi Luật phù hợp và khả thi khi triển khai thi hành Luật.
Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của Nhân dân nêu trên để sửa đổi, bổ sung quy định tại điều về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, theo hướng: Luật hóa đường lối, chủ trương của Nghị quyết 29-NQ/TW về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; pháp điển hóa, kế thừa những nội dung phù hợp của Nghị quyết số 88/2014/QH13 và nâng các quy định tại các văn bản hướng dẫn dưới luật thành quy định của Luật Giáo dục (sửa đổi) về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, tạo hàng lang pháp lý cho việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Điều 30. Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa 1. Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước; phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông phải được tổ chức thực nghiệm trước khi ban hành. Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường. 2. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Sách giáo khoa gồm sách in, sách giáo khoa điện tử và học liệu. Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được Hội đồng cấp tỉnh thẩm định và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. 3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; ban hành Chương trình giáo dục, phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, sách giáo khoa gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng thẩm định và các thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. 4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông; chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương pháp giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông. |