Ngày 30/3/2019, tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest, khu đô thị mới Nghĩa Đô - ngõ 106 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội đã diễn ra buổi Hội thảo Giáo dục Everest 2019.
Tại hội thảo, Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Hồng Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest đã giới thiệu đến các phụ huynh những thế mạnh, các phương pháp về giáo dục mà nhà trường đang áp dụng để dạy cho học sinh, đồng thời giải đáp những băn khoăn của các gia đình đến đăng kí cho con nhập học.
Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest trong các tiết mục biểu diễn văn nghệ. Ảnh: Tùng Dương. |
Được thành lập năm 2017-2018, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest đã có hơn 700 gia đình tin tưởng, gửi con em vào học. Đây là con số khá ấn tượng đối với một ngôi trường mới, nó thể hiện sự tin tưởng của các bậc phụ huynh học sinh đối với nhà trường.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Hồng Hà có nhấn mạnh về định hướng, quan điểm giáo dục của trường rất rõ ràng với 3 vấn đề chính.
Thứ nhất: Kiến thức văn hóa là nền tảng, các con học tại nhà trường có thể tự tin tiếp cận các kì thi với nền tảng kiến thức đã được học một cách cơ bản, vững chắc.
Thứ hai: Trường lựa chọn tiếng Anh là môn mũi nhọn trong nhà trường, vì vậy số tiết học tiếng anh trong một tuần có từ 12 đến 15 tiết học với giáo viên bản địa và giáo viên nước ngoài.
Thứ ba: Xây dựng kĩ năng để các con trở thành công dân toàn cầu, ngoài những kiến thức về văn hóa, khả năng phát triển tư duy, khả năng quản lí cảm xúc, khả năng sáng tạo, hợp tác và những thành tố thể hiện là những công dân của thế kỉ mới.
Với những quan điểm như vậy, Ban giám hiệu rất coi trọng sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh, mỗi một quá trình phát triển của một học sinh, nhà trường sẽ có những phương pháp giáo dục phù hợp, nâng dần theo từng lứa tuổi.
Đặc biệt, phát triển học sinh một cách toàn diện, không chỉ là về kiến thức văn hóa, mà còn về các kĩ năng sống, hay còn gọi là kĩ năng mềm, đây sẽ là những yếu tố quyết định để giúp học sinh phát triển IQ-EQ.
Nhà trường luôn cố gắng phát huy thế mạnh của từng học sinh, để có những biện pháp giáo dục phù hợp với các em, nâng dần những mặt mà các em còn hạn chế, phương pháp này hơn hẳn với mô hình giáo dục truyền thống, vẫn dạy theo mô hình tường gom, giáo dục tổng thể.
Có nhiều phụ huynh thắc mắc: Con tôi đang học ở trường công lập, bây giờ muốn về trường tư, nhưng nghe các ý kiến thì thấy trường tư thục chiều các con quá, nên tôi thấy rất lo.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Hồng Hà chia sẻ: “Thực chất không phải là chiều các con, mà mỗi nơi có một phương pháp giáo dục. Ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest có phương pháp giáo dục riêng, rèn cho học sinh tính tự giác, tính tích cực và động viên để học sinh phát triển.
Không phải là thầy cô dễ dãi, vì mỗi con có sự phát triển khác nhau, nên phương pháp giáo dục không thể đồng nhất, mà nên có từng biện pháp giáo dục. Vì vậy trong hai năm qua, nhà trường luôn đi theo những tiêu chí đó, và trong quá trình thực hiện đều có sự điều chỉnh”.
Các phụ huynh học sinh tham dự Hội thảo Giáo dục 2019 tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest. Ảnh: Tùng Dương. |
Khâu then chốt nhất là về đội ngũ quản lí, đây là yếu tố quyết định đến chất lượng dạy và học của nhà trường, vì vậy ngay từ khi thành lập, hội đồng quản trị đã rất quan tâm, tìm ra một đội ngũ lãnh đạo có kinh nghiệp trong quản lí giáo dục chất lượng cao.
Về đội ngũ giáo viên, tuy là trường mới nhưng phần lớn các thầy cô đều là những người có kinh nghiệm trong giảng dạy, đã đạt được nhiều thành tích cao.
Trong hai năm qua, đội ngũ giáo viên của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest tăng lên rất nhiều, bên cạnh đó nhà trường vẫn thường xuyên có những tiết đào tạo giáo viên, thông qua việc bố trí cho giáo viên làm Phó chủ nhiệm của lớp, qua đó, các thầy cô có thời gian tiếp tục bồi dưỡng, trước khi trở thành giáo viên chính.
Ngoài ra các thầy, cô thường xuyên được tham gia các khóa đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn.
Đội ngũ giáo viên của trường không chỉ có kiến thức chuyên môn tốt, mà còn có năng lực và phương pháp trong công tác chủ nhiệm lớp, khả năng giao tiếp, kĩ năng hiểu biết tâm lí để giúp đỡ cho học sinh phát triển. Qua từng năm, nhà trường đều có sàng lọc đội ngũ các thầy cô giáo.
Cũng theo nhà giáo Phạm Thị Hồng Hà: “Về giảng dạy, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest chủ động xây dựng chương trình riêng, phù hợp, dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và trên định hướng phát triển của nhà trường mà chúng tôi xây dựng chương trình.
Vậy nên số tiết học có khác so với nhiều trường, nhưng hàng năm đều được Phòng Giáo dục phê duyệt, điều chỉnh cho phù hợp với chương trình khung. Về học sinh, chúng tôi quan tâm đánh giá các năng lực theo nhiều hình thức, các mức độ như thông qua kiểm tra định kì, thông qua các hoạt động, các trải nghiệm.
Ban giám hiệu Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest giải đáp những thắc mắc của phụ huynh học sinh. Ảnh: Tùng Dương. |
Về phương pháp giảng dạy, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest tổng hòa các phương pháp sau: Giờ học theo phát triển năng lực của học sinh, không phải dạy những gì giáo viên có, mà nhà trường dạy những cái học sinh cần, đây là quan điểm nhất quán của Ban lãnh đạo nhà trường.
Dạy học sinh sát đối tượng, phát triển khả năng của từng học sinh, dạy học theo từng dự án, làm việc nhóm có tích hợp với quan điểm tôn trọng sự phát triển của học sinh, và chấp nhận sự khác biệt, làm thế nào để cho mỗi một học sinh học ở trường Everest, sau mỗi năm học thì học sinh đó đều phát triển toàn diện.
Chúng tôi áp dụng phương pháp giáo dục tích cực, giúp cho học sinh được chủ động, sáng tạo. Đặc biệt là phương pháp đánh giá, kỉ luật học sinh, thì chúng tôi áp dụng phương pháp không cứng nhắc, mang tính giáo dục, cho học sinh rèn luyện để tự nhận ra khuyết điểm, không đề cao kỉ luật nặng, nhưng học sinh phải tự biết lỗi và sửa chữa.
Quan tâm và khơi dậy tính tích cực cho học sinh, bởi vì các em còn nhỏ nên việc bị cô giáo phê bình không đúng thì rất dễ ảnh hưởng đến sự phát triển, mặc cảm của học sinh. Nhưng nếu thầy cô giáo biết khơi dậy những mặt mạnh của các con, biết giúp các con phát triển hoàn thiện hơn thì đó là việc rất tốt.
Chính vì áp dụng những phương pháp đó mà trong hai năm qua, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest rất thành công ở những vấn đề như vậy, nhiều phụ huynh đưa con đến học tại trường, nhưng chỉ sau một học kì là đã thấy sự tiến bộ vượt bậc của con mình”.
Việc chăm sóc học sinh trong nhà trường, đây cũng là vấn đề được Ban giám hiệu rất quan tâm, việc này giúp cho học sinh có sức khỏe, vậy nên bếp ăn của nhà trường rất được coi trọng, trường luôn đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ đầu bếp giỏi để học sinh có những bữa ăn ngon, hợp khẩu vị và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, mỗi một cấp học ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest đều có một cô giáo Phó chủ nhiệm, ngoài việc dạy kiến thức, cô còn chăm sóc mọi sinh hoạt như ăn, ngủ và sức khỏe cho học sinh.
Trường luôn quan tâm đến sự kết hợp của từng phụ huynh với cô giáo chủ nhiệm và nhà trường, luôn mong muốn phụ huynh có những nhận xét, góp ý, để từng bước giúp cho nhà trường làm tốt hơn công tác giảng dạy đối với các em học sinh.
Góc trưng bày những sản phẩm sáng tạo của các em học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest. Ảnh: Tùng Dương. |
Hai năm qua nhà trường đã có rất nhiều nỗ lực, tuy là ngôi trường mới thành lập, nhưng bộ máy quản lí nhà trường và giáo viên là những người có kinh nghiệm, quy mô năm học 2018 - 2019 là 28 lớp, dự kiến năm học 2019 - 2020 là 39 lớp (Tiểu học là 31, Trung học cơ sở là 08).
Đến năm học 2020 - 2021 (năm học thứ 4), nhà trường phấn đấu đạt quy mô 45 lớp (theo đề án được phê duyệt). Trường đang trong quá trình xây dựng đề án Trung học phổ thông liên cấp (Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông)
Trong kì thi Olympic Tiếng Anh cấp Quận vừa qua, học sinh đạt giải nhất Quận Bắc Từ liêm là học sinh của Everest. Hội thi Thể dục thể thao cấp Quận đạt giải nhất và giải nhì môn cờ vua.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bắc Từ Liêm đánh giá là thực hiện tốt phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp, kĩ năng sống, hoạt động Thể dục thể thao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.