Thế nào là “khôn”, thế nào là “mống”, thế nào là “hiu hiu”?

06/11/2014 08:07
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - “Khôn” hay “mống” cũng không tránh khỏi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, chỉ có người “biết”, người “khôn ngoan” mới có được thiên hạ, là "sống" sau khi đã chết.

Cuộc đời con người, như  Đỗ Phủ nói “thất thập cổ lai hy”, dân gian còn thêm “bát thập như nhi”. Sống đến tám mươi là thượng thọ, ngoài tám mươi, đa phần tai trở nên nghễnh ngãng, ăn phải có người bón, đi phải có người dìu, chẳng khác gì con trẻ (như nhi).

Khổng Tử khi nói về các mốc cuộc đời mình chỉ nói đến tuổi bảy mươi: “Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ". Con người ta, nếu được giáo dục nghiêm túc từ nhỏ, nếu có tư chất thông minh, nếu biết tiếp thu tinh hoa của các thế hệ đi trước thì vào tuổi bảy mươi sẽ tự nhiên chỉ làm việc đúng, không bao giờ vượt quá khuôn khổ của đạo lý. Đó được gọi là đỉnh cao của triết lý cuộc sống mà Khổng Tử đã đúc kết từ 2.500 năm trước.

Thế nào là “khôn”, thế nào là “mống”, thế nào là “hiu hiu”? ảnh 1Nước ngập tận nóc, thảm họa hết đường cứu chữa

(GDVN) - Giáo dục bằng cách “cấm” là giáo dục từ ngọn, phải giáo dục cho học sinh nhận thức được cách tôn trọng người khác thông qua sự tôn trọng chính bản thân mình.

Các mốc của cuộc đời con người khác với một triều đại hay tổ chức chính trị, nhưng luôn có điểm chung  là “sinh lão bệnh tử”, khác chăng là vài chục hay vài trăm năm chứ chẳng có gì là trường tồn vĩnh cửu.

Người Việt có câu: “Khôn sống mống chết”, câu này đã được Luật sư Trương Trọng Nghĩa – ĐBQH TP.HCM, viện dẫn trong phát biểu làm nóng nghị trường để nói về hiện tình đất nước.

Từ “mống” trong thành ngữ trên nghĩa đen là ngắn (mống cầu vồng), là không còn gì (chết không còn một mống), cũng có thể là cách đọc chệch của từ “mông” trong “mông muội” tương đương với “dốt nát, thiếu hiểu biết…”.

Trên bình diện lãnh đạo quốc gia, dân tộc, thế nào là “khôn”, thế nào là “mống”?

Giữ được toàn vẹn lãnh thổ là khôn. 

Giữ cho cuộc sống người dân thanh bình, tránh cho đất nước khỏi binh đao khói lửa là khôn. 

Làm cho dân giàu nước mạnh, pháp luật nghiêm minh, công bằng xã hội là khôn. 

Phát triển nòi giống khỏe về thể chất, cao về trí tuệ là khôn.

Ngược lại đều là “mống”. 

Trong các loại “mống”, đặt quyền lợi cá nhân, gia đình, lợi ích nhóm lên trên lợi ích quốc gia, dân tộc là “mống” nhất.

“Khôn” và “mống” luôn phản ánh trình độ và ý chí của tầng lớp lãnh đạo và người bị lãnh đạo. Để một đất nước trở thành “khôn”,  ý chí của cấp lãnh đạo là điều kiện cần, ý chí của người bị lãnh đạo (tức là người dân) là điều kiện đủ.

“Điều kiện cần” cấp thiết ngày nay là gì?

Là phải loại bỏ ngay, kiên quyết loại bỏ những người thuộc loại “mống” trong hàng ngũ lãnh đạo. Vì sao chỉ nói đến hàng ngũ lãnh đạo, vì điều này đã được ghi rõ trong nghị quyết TƯ4 khóa 11: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… ”. [1]

Những từ ngữ sử dụng trong nghị quyết TƯ4 để đánh giá “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” gần như đã tập hợp tất cả thói hư tật xấu trên đời (cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí…). Phải thừa nhận rằng, những người trong số này khi đã leo đến vị trí “lãnh đạo cao cấp” đều là những người có “bản lĩnh” nhưng không phải là người “khôn” theo đúng nghĩa đã nói. Khi thế sự xoay vần họ thừa bản lĩnh để “bán đứng” đồng chí, đồng bào.

Kết luận của TƯ chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái  tư tưởng chính trị là nguy cơ có thật  nhưng chưa phải là nguy cơ cao nhất.  Điều mà nghị quyết TƯ chỉ ra “một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…” mới là nguy cơ cao nhất ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, dân tộc.

Chức vụ thấp thì tầm ảnh hưởng thấp, chức vụ cao thì tầm ảnh hưởng rộng, một khi đã là lãnh đạo cao cấp thì tầm ảnh hưởng sẽ không còn bó hẹp trong một địa phương hay một bộ.

Thông báo của Ủy ban Kiểm tra TƯ về kỳ họp thứ 32 ngày 9/7/2010 viết: “UBKT TƯ xem xét, kết luận giải quyết tố cáo đối với 12 cá nhân, gồm: Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; các đồng chí: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị; Tổng Giám đốc; Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng); các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Qua giải quyết thư tố cáo, ở mức độ khác nhau, đồng chí nào cũng có khuyết điểm, có đồng chí phải làm quy trình xử lý kỷ luật”. [*]

Trong vòng 5 năm tính từ 2010 đến tháng 10/2014, thống kê chưa đầy đủ các thông tin đã công bố và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương [*]  cho thấy, đã có mười Chủ tịch tỉnh (Điện Biên, Hà Giang, Đắc Lắk, Bình Phước, Bình Thuận, Sóc Trăng,Trà Vinh, Ninh Bình, Thái Bình, Cà Mau) và sáu Bí thư tỉnh ủy (Hà Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Cà Mau) mắc khuyết điểm bị nhắc nhở hoặc kỷ luật từ các hình thức “nghiêm khắc viết kiểm điểm”, khiển trách đến cách chức, khai trừ khỏi Đảng, tước danh hiệu thi đua hoặc nghỉ công tác chờ nghỉ hưu (chưa kể các cấp hàm tương đương như bộ trưởng, tướng lĩnh…).

Có những sai phạm theo kết luận của UBKT TƯ là “ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội và môi trường” như trường hợp Ban cán sự Đảng tỉnh Quảng Ninh. [2]

Thế nào là “khôn”, thế nào là “mống”, thế nào là “hiu hiu”? ảnh 3Chủ quyền quốc gia, lãnh đạo bận họp và âm mưu ác độc của loài Tu hú

(GDVN) - Dù ra đời nhờ tổ chim chích, nhưng khi vừa mới nở, Tu hú đã dùng sức mạnh đẩy chim chích non, những quả trứng còn lại rơi xuống đất, để nó độc chiếm cái tổ...

Hiện cả nước có 63 tỉnh thành phố,  số Chủ tịch và Bí thư tỉnh ủy mắc khuyết điểm là 16 người (khoảng 25%), đó là một tỷ lệ không thể chấp nhận. Điều đáng nói là các trường hợp đã nêu chỉ bị xử lý kỷ luật chứ hầu như không thấy xử lý hình sự mặc dù khuyết điểm của họ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội”.

Trả lời phỏng vấn, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Một bộ phận”, “một bộ phận không nhỏ”, “một số”… là cách nói thận trọng của chính trị gia, nhưng không phải là không thể hiện sự đánh giá mức độ cụ thể. Tuy nhiên, nói mà không chỉ ra được bộ phận không nhỏ đó nằm ở đâu thì hoặc là nói sai hoặc là bất lực nên không chỉ ra được”. [3] 

Thống kê  nêu trên cho thấy TƯ không nói sai, cũng không phải là “không chỉ ra được”, vấn đề là ở chỗ “chỉ ra rồi thì làm gì”? Những cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm ảnh hưởng “nghiêm trọng đến trật tự xã hội” mà chỉ xử lý nhẹ nhàng, vẫn để tiếp tục công tác thì hoặc là trong đội ngũ không còn người giỏi hơn, hoặc là sợ “rút giây động rừng”!

Một bài viết đăng trên trang web của Viện Khoa học tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ viết: “Nhà lãnh đạo chức vị có quyền hành do vị trí, nghi thức, truyền thống và các cơ cấu tổ chức đem lại. Nhà lãnh đạo này sử dụng chức vụ để gây ảnh hưởng lên người khác, khi mất chức rồi thì không còn gây ảnh hưởng lên người khác được nữa. Mọi người sẽ không phục tùng nhà lãnh đạo này nếu sự việc nằm ngoài thẩm quyền của ông ta. 

Nhà lãnh đạo thât sự là nhà lãnh đạo dùng tài năng, phẩm chất của mình để gây ảnh hưởng tới mọi người, lôi cuối mọi người đi theo con đường của họ. Đây mới là những nhà lãnh đạo có giá trị bền vững, sức mạnh của họ đến tự nhiên, xuất phát từ con người họ chứ không phải từ cái gì bên ngoài họ”. [4]

Những người đạt được vị trí lãnh đạo không phải bằng năng lực, phẩm chất bản thân mà qua các cuộc “thương lượng” hoặc bằng các “nghi thức phi chính quy” sẽ chỉ làm hại đất nước và đương nhiên cũng làm hại cho tổ chức. Loại người này không những không cần mà còn phải luôn luôn để mắt tới.

Những người có tài, có đức, yêu tổ quốc, được giao trọng trách mà không quyết đoán thì hoặc là năng lực lãnh đạo kém, hoặc là không đủ phẩm chất gây ảnh hưởng, lôi cuốn người khác. Đó không phải là người “khôn” mà đất nước cần.

Con người là yếu tố quyết định nhưng không phải cứ khi đất nước cần là tự nhiên xuất hiện “Nhà lãnh đạo thât sự”. Trong khi chưa thể tìm được “người khôn” đúng nghĩa, giải pháp tình thế là phải tạm thời chấp nhận người “khôn lỏi” chứ không thể trao quyền cho người “khôn ba năm, dại một giờ”. "Dại một giờ” có thể dẫn tới sự lệ thuộc về chính trị, kinh tế, là mất đất, mất đảo, mất chủ quyền...

Thế nào là “khôn”, thế nào là “mống”, thế nào là “hiu hiu”? ảnh 4Rơi nước mắt đi tìm “Bộ phận không nhỏ”

(GDVN) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi,Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được

Nói là giải pháp tình thế chứ không thể  trong 60 triệu người Việt (độ tuổi từ 20 trở lên) lại không thể tìm được những người đủ khả năng lãnh đạo đất nước, muốn thế như một ĐBQH phát biểu “Đại hội 12 sắp tới, phải làm một cuộc cách mạng nhân sự”. [5] 

Tiếng Việt có từ kép “khôn ngoan”, với người nắm cương vị lãnh đạo, khôn là để giúp ích cho đời, ngoan là giúp cho chính bản thân mình. Người “khôn” biết rời khỏi chính trường đúng lúc là vừa “khôn” vừa  “ngoan”. Tiếc rằng đất nước hơn nửa thế kỷ qua, những người tự nguyện từ chức, đếm trên đầu ngón tay vẫn thừa vài ngón.

Những người có tài, có tâm, nghỉ hưu không có nghĩa là không thể giúp ích cho quốc gia, xã tắc. Người ta bảo về hiu (hưu) có năm bảy đường: hiu trí, hiu vượn, hiu hiu, hiu trâu, hiu đốn, hiu hắt…

“Hiu trí” là về hiu mà vẫn còn trí, còn minh mẫn đế góp trí cho dân, cho nước. “Hiu trí” là do độ tuổi, do quy định của luật chứ không phải là do năng lực kém hay uy tín thấp.

“Hiu vượn” là về hiu rồi mới nói ra những lời hay, ý đẹp, mới mạnh dạn phê phán cái mà lúc chưa hiu không bao giờ dám nói. “Hiu vượn” thể hiện sự cơ hội của người từng có chức, có quyền. Họ không ngại “vung vãi”  cái sự  uyên bác của mình chẳng khác gì mấy cô ca sĩ trẻ khoe “chỗ nhạy cảm” nhằm đánh bóng thương hiệu, lôi kéo sự chú ý của những kẻ nhàn cư.

“Hiu hiu” là về hiu rồi thì “mắt nhắm mắt mở”, thỉnh thoảng đeo bông hồng giấy trước ngực ghé chỗ này chỗ nọ, làm chuyến du lịch miễn phí (có khi lại còn được thêm cái phong bì), rủi không có ai mời thì ngồi hóng mát, thiên hạ thế nào cũng được.

“Hiu đốn” là về hiu thì đổ đốn, hết xây biệt thự khủng lại đi tìm “rau sạch”, tiền sẵn lại không phải để dành, hậu duệ thì đã lo ấm chỗ rồi, tội gì mà khổ thân, hưởng thụ cho bõ cái ngày “ở nhờ” nhà nước, ăn cơm công vụ.

“Hiu trâu”  gồm hai đối tượng, loại thứ nhất thì tham tiền, hiu một cái là về tập đoàn, công ty…, “cố đấm” để “thêm sôi” đến nỗi thân bại danh liệt. Loại thứ hai là về hiu mà vẫn “cày như trâu húc mả”, không cày thì đói, thì khổ con, khổ cháu mà cũng khổ chính mình.

Loại cuối cùng là “hiu hắt”, về hiu là hết, hết bạn bè, hết đồng chí, hết cả kính thưa, kính gửi, cuộc đời như lão Grăngđê suốt ngày ngắm sự lấp lánh của những đồng tiền vàng mà chết không thể mang theo xuống mồ.

Suy cho cùng, “khôn” hay “mống”  cũng không tránh khỏi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, chỉ có người “biết”, người “khôn ngoan” mới có được thiên hạ, mới là người “sống” sau khi đã chết.

Được ngày chủ nhật nhàn cư, có ấm chè ngon đãi hàng xóm, chú em thợ hàn vừa nâng ly chè, vừa nhẩn nha đọc “khôn chốn quan trường là khôn dại, dại chốn văn đàn ấy dại khôn”, ngẫm kỹ mới thấy thật chí lí. Biết là như thế nhưng trên đời, triệu người chưa chắc đã có một người làm được./.

Tài liệu tham khảo:

[*]http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/details.asp?topic=191&subtopic=305&leader_topic=986&id=BT1071031937

[*]http://www.vietnamplus.vn/thong-bao-ket-qua-ky-hop-25-va-26-cua-uy-ban-kiem-tra-tw/285264.vnp 9/10/2014

[*]http://www.vietnamplus.vn/uy-ban-kiem-tra-tw-yeu-cau-ky-luat-mot-so-can-bo/210952.vnp

[*]http://vtv.vn/trong-nuoc/thong-bao-ky-hop-thu-21-uy-ban-kiem-tra-trung-uong-108645.htm

[*]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ky-luat-3-lanh-dao-cao-nhat-tinh-ninh-binh-2177723.html

[1]http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Nghi-quyet-Hoi-nghi-Trung-uong-4-Mot-so-van-de-cap-bach-ve-xay-dung-Dang-hiennay/20121/125067.vgp

[2] http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/nguoinoitieng/2010/9/133472.cand

[3] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Quan-chuc-Viet-Cu-bi-dung-cham-la-phan-ung-post151791.gd

[4] http://isos.gov.vn/Thongtinchitiet/tabid/84/ArticleId/627/language/vi-VN/Th-nao-la-nha-lanh-d-o.aspx

[5] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Tien-nhan-da-day-Khon-thi-song-mong-thi-chet-post151736.gd

XUÂN DƯƠNG