Việt Nam - giấc mơ 2035: Phần 3 - Vì sao tụt hậu?

23/10/2016 07:00
Xuân Dương
(GDVN) - Người Việt cần bao lâu để gột rửa sạch những “tập nhiễm xấu” đã di truyền “từ trước đến nay” và bao lâu nữa để bắt kịp nhịp điệu sáng tạo của nhân loại?

Một trong những trăn trở của người viết là “Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035” sau khi công bố, liệu có được chấp thuận (trong thực tế) như một định hướng bắt buộc, một Nghị quyết mà mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội phải tuân thủ hay chỉ là một tham luận thể hiện nguyện vọng hơn là ý chí vươn tới tầm cao nhân loại?

Thực thi những giải pháp trong Báo cáo liệu có thực sự giúp Việt Nam cất cánh sau 20 năm nữa?

Trước khi quay lại với phần cuối trong Báo cáo “Con đường phía trước”, trong bài này người viết sẽ cố tìm câu trả lời cho câu hỏi xuyên suốt và cũng là câu hỏi cần câu trả lời nhất đặt ra đối với Báo cáo: “Vì sao Việt Nam tụt hậu nhiều thập niên so với các nước trong khu vực”?

Nhiều lý do được nêu lên rải rác trong các phần của Báo cáo như thể chế, chính sách, điều kiện khách quan, chủ quan… nhưng đâu là nguyên nhân chính khiến đất nước tụt hậu, dù đường lối được khẳng định là đúng đắn, dù đất nước đã có mấy chục năm sống trong hòa bình?

Hà Nội - Vẻ đẹp Việt Nam tầm cỡ thế giới (Ảnh: TTXVN).
Hà Nội - Vẻ đẹp Việt Nam tầm cỡ thế giới (Ảnh: TTXVN).

Khó khăn ở đây không phải là đặt ra câu hỏi vì nhiều người đã đặt rồi, khó khăn cũng không phải là tìm câu trả lời vì không ít người đã biết câu trả lời.

Khó khăn là ở chỗ diễn giải câu trả lời sao cho vừa “đúng quy trình” vừa dễ hiểu với mọi đối tượng và (một điểm khác không kém phần quan trọng) là nhận được sự đồng tình, không bắt bẻ!

Việt Nam xếp hạng cuối trong danh sách các quốc gia đóng góp cho nhân loại có thể là một gợi ý cho câu trả lời, [1] nói cách khác sự tụt hậu của Việt Nam là do “người Việt không sáng tạo”.

Xét về tổng thế, “không sáng tạo” bao gồm ba cung bậc: “không biết sáng tạo, không muốn sáng tạo và không dám sáng tạo”.

Trước khi lý giải vì sao nói “người Việt không sáng tạo”, xin nêu vài ví dụ minh họa liên quan đến các lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục:

Sau khi hòa bình lập lại, chúng ta tiến hành cải cách ruộng đất, phương pháp tiến hành và “định mức” địa chủ, tư sản mà các địa phương phải tìm đều phỏng theo mô hình nước ngoài, nhưng sai lầm phải trả giá thì không ai khác, chính là chúng ta phải chịu;

Mô hình tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gọi đúng nghĩa là sự “học mót” một cách không đầy đủ mô hình Chaebol của Hàn Quốc, hậu quả khủng khiếp với nền kinh tế thì không cần bàn luận;

Được cho mấy chục triệu USD là vội vã triển khai mô hình giáo dục VNEN theo kiểu Columbia;

Gần như 100% dàn cảnh (Format) các chương trình truyền hình giải trí (Ai là triệu phú, Thần tượng âm nhạc…) bản quyền là của nước ngoài;

Thiết kế kiến trúc đền, đình, chùa mới xây dựng theo kiểu ngoại lai, đặc biệt là hoành phi, câu đối không phải bằng tiếng Việt không phải là hiếm…

Một vài dẫn chứng cho thấy, sẽ còn một chặng đường khá dài cho đến khi người Việt có được triết lý của riêng mình. Nhận thức của người Việt hiện đại về thế giới (tự nhiên và xã hội) là sự pha trộn tín ngưỡng thờ Mẫu với một ít Phật giáo, Khổng giáo, một ít triết học Mác - Lênin và một ít triết học Tư sản.

Nồi canh lý luận ấy “thơm” bởi có nhiều hương vị nhưng bổ thì không ai dám khẳng định. Vấn đề là tại sao người Việt - vốn thông minh, cần cù, chịu khó - lại “không sáng tạo”?

Để trả lời câu hỏi này cần quay lại một chút với học thuyết tiến hóa của Lamac, đó là khả năng di truyền các đặc tính tập nhiễm - đặc tính thu được trong vòng đời của cá thể.

Theo Lamac “những biến đổi trên cơ thể do tác dụng của ngoại cảnh hoặc do tập quán hoạt động của động vật đều được di truyền và tích lũy qua các thế hệ”.

Lý thuyết của Lamac không loại trừ con người và vì thế việc di truyền các thứ “tập nhiễm” trong xã hội loài người không phải là hiện tượng dị biệt.

Khi một lực lượng khá đông đảo trong đội ngũ Tiến sĩ, Giáo sư, Phó giáo sư - những tinh hoa của đất nước - chưa đạt đến “chuẩn học mót” kiểu Trung Quốc thì những tật xấu như thói kèn cựa, ghen ghét, giả dối… đã kịp “tập nhiễm”, đã kịp di truyền qua nhiều thế hệ.

Cách thức mà nền giáo dục dập khuôn hơn nửa thế kỷ qua là trẻ con nghe giáo viên giảng và làm bài tập theo Sách giáo khoa, không sáng tạo, không tranh biện.

Những người làm việc trong các lĩnh vực lý luận, văn hóa, truyền thông… luôn phải dựa vào ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tất cả các tỉnh, thành, bộ và cơ quan ngang bộ động một tí đều phải “báo cáo Thủ tướng”, công chức trở thành người máy được lập trình chỉ biết vâng lời, nghe lệnh một lần là cứ thế làm việc.

Nói thế không phải là không có ngoại lệ, “Chiến tranh nhân dân” là một sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam thế kỷ 20, giúp đất nước đương đầu thắng lợi trước những kẻ địch hùng mạnh nhất thế giới.

“Khoán 10” là một sáng tạo giúp đất nước thoát nạn đói triền miên, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tiếc rằng đó chỉ là những ví dụ hiếm hoi và không thể giúp đất nước thoát vị trí đội sổ về đóng góp cho nhân loại.

Không sáng tạo bởi vì đa số người Việt không biết sáng tạo thế nào cho phải, bởi vì thay từ “bắp” bằng từ “ngô” là không được phép, là trái quy định, là mất 6 tháng chờ đợi để được phê duyệt; bởi vì muốn thử nghiệm tàu ngầm tự chế thì phải trình ra bằng lái tàu ngầm và giấy chứng nhận đăng kiểm cho con tàu vốn đang thử nghiệm để xin đăng kiểm!

Việt Nam - giấc mơ 2035: Phần 3 - Vì sao tụt hậu? ảnh 2

Việt Nam - giấc mơ 2035

Trong ba cấp độ của “không sáng tạo”, đáng nói nhất là “không dám sáng tạo” mà nguyên nhân có lẽ là do “chìa khóa để người dân cất lên tiếng nói của mình, qua đó tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước, còn thiếu trầm trọng. Từ trước đến nay, cách thức quản trị Nhà nước chưa khuyến khích sự cởi mở và minh bạch và cũng chưa thực sự tạo điều kiện để người dân bàn luận về các hành động của Nhà nước”. (Tr. 108)

Sử dụng cụm từ “Từ trước đến nay” chắc chắn các chuyên gia đã cân nhắc kỹ lưỡng bởi lẽ nó cho thấy một tiến trình xuyên suốt, kéo dài từ trước đến nay chứ không phải vài chục năm trở lại đây.

Sự diễn giải cũng không thể “khéo” hơn khi Báo cáo của Chính phủ và WB cho rằng nước Việt  “thiếu trầm trọng chìa khóa” để “người dân cất lên tiếng nói của mình”. Tại sao lại là “chìa khóa” mà không phải là “điều kiện” hay “nguyên tắc” hay một cụm từ nào đó cụ thể hơn?

Thiếu chìa khóa để “người dân cất lên tiếng nói của mình” chính là nguyên nhân trong các nguyên nhân khiến người Việt “không biết sáng tạo, không muốn sáng tạo và không dám sáng tạo”.

Gần một năm đã trôi qua kể từ khi Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 được Chính phủ công bố, liệu đã có những thay đổi, chí ít là trong nhận thức của đội ngũ lý luận và quản lý các cấp?

Thủ tướng vẫn phải liên tục chỉ đạo những vụ việc cỏn con như vụ quán Xin chào, vụ cướp bánh mỳ, vụ nước mắm nhiễm thạch tín… và một bộ phận công chức vẫn hành xử theo thói quen “vung tay chạm má, đá chưa trúng người” như hai anh em ruột là công an thành phố Hạ Long - Quảng Ninh, hay hai cán bộ thanh tra giao thông Hà Nội đánh người ở sân bay Nội Bài…

Trong một thế giới biến động liên tục, nếu chúng ta không biến động theo, nếu cứ giữ những gì đã “tập nhiễm” được “từ trước đến nay” thì sự tụt hậu là điều không thể tránh khỏi.

Trong tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên", Ăngghen cho rằng: “vận động, hiểu theo nghĩa chung nhất, là một phương thức tồn tại của vật chất, là một thuộc tính cố hữu của vật chất”.

Vì vận động là thuộc tính cố hữu của vật chất nên sẽ không có vật chất không vận động và không có vận động không gắn với vật chất, đó là nguyên lý bao trùm vũ trụ và xã hội loài người không thể là ngoại lệ.

Không có sự vận động - chuyển hóa, lượng tinh bột trong quả chuối xanh không thể biến thành đường trong quả chuối chín. Không có sự vận động - chuyển hóa con người mãi mãi chỉ là loài linh trưởng và nhân loại không thể có kỷ nguyên tri thức khi bước sang thiên niên kỷ thứ ba!

Nhân loại, cùng với trái đất và hệ mặt trời không ngừng lang thang trong vũ trụ từ hàng triệu năm qua, hàng tỷ người sinh ra và hàng tỷ người nằm xuống, sự sáng tạo là không ngừng và vô tận.

Sẽ không có con người trưởng thành nếu cứ khư khư ôm lấy tuổi thơ, sẽ không có chiến binh dạn dày trận mạc nếu cứ muốn được cưng chiều như đứa trẻ chập chững, nói gọn lại là cứ… không chịu lớn.

Việt Nam - giấc mơ 2035: Phần 3 - Vì sao tụt hậu? ảnh 3

Việt Nam - giấc mơ 2035

Con người, không ai hai lần tắm trên cùng một dòng sông và con người, cũng không thể ngắm lại bầu trời của đêm hôm trước dù rằng sao Bắc Đẩu vẫn là ngôi sao phương Bắc.

Nếu người Việt được khuyến khích, rằng sáng tạo là chìa khóa để đi đến thành công thì người ta sẽ không sợ sáng tạo, sẽ ham muốn sáng tạo và sự sáng tạo - như khẳng định trong Triết học Mác-Lênin - bao hàm trong nó quy luật phủ định của phủ định.

Để không bị tụt hậu, phải khuyến khích sáng tạo, muốn khuyến khích sáng tạo phải hình thành lớp công dân tự do, như cách đề cập trong Báo cáo:

Khi người dân Việt Nam ngày càng trở nên giàu có hơn, họ sẽ mong muốn tham gia thực chất hơn vào nền quản trị quốc gia, mong muốn có sự ảnh hưởng rõ nét hơn trong các chọn lựa chính sách công, và mong muốn có nhiều tự do hơn (về kinh tế, xã hội và chính trị) - điều mà người dân ở các quốc gia phát triển hơn đang có”.

Điều mà người viết lo ngại, là sau khoảng thời gian dài không sáng tạo, người Việt cần bao lâu để gột rửa sạch những “tập nhiễm xấu” đã di truyền “từ trước đến nay” và  bao lâu nữa để bắt kịp nhịp điệu sáng tạo của nhân loại?

Liệu chúng ta có thể hy vọng vào một phép màu, kiểu “thành nhân đãi khù khờ” rằng cứ làm theo những gì ý chí mách bảo, tự khắc chúng ta sẽ bắt kịp các nước, bởi theo quy luật thế nào cũng đến lúc các nước sẽ tụt lại bằng chúng ta?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.independent.co.uk/news/uk/home-news/ireland-is-the-best-country-in-the-world-according-to-good-country-index-9557358.html

Xuân Dương