Người vợ nén nỗi đau khi truy tìm kẻ đào trộm mộ chồng

15/02/2012 16:15
Tuệ Nhi/Hôn nhân Pháp luật
Vào 49 ngày mất của chồng, chị và gia đình đến mộ làm lễ nhưng nơi chôn cất đã bị kẻ xấu đào xới ngổn ngang.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Vào 49 ngày mất của người chồng vắn số, chị Thơ cùng gia đình đến mộ để làm lễ cúng thì phát hiện nơi chôn cất đã bị đào xới, san bằng, còn bia đá, bát hương bị vứt ngổn ngang. Đau đớn quặn lòng nhưng chị Thơ buộc phải để lực lượng chức năng khai quật thi thể, truy tìm manh mối kẻ đào trộm mộ. Kinh hoàng hơn, khi xác người quá cố được đào lên, phần vải quấn trên mặt của thi thể đã bị kẻ xấu rạch nát để tìm…vàng.

Giây phút đau đớn kinh hoàng, ám ảnh

“Sống cái nhà, già cái mồ”, thế nhưng người đàn ông vắn số Lương Trí Dũng (SN 1966, trú tại tổ vĩnh Lợi – Vĩnh Lộc – Chiêm Hóa – Tuyên Quang) chẳng được hưởng sự bình yên lẽ thường ấy, ngay cả khi đã nhắm mắt xuôi tay. Nếu người nằm xuống cảm thấy đau đớn một thì đối với người còn sống, đối với người vợ rất đỗi yêu thương của anh Dũng, nỗi đau ấy còn nhân lên gấp bội phần.

Chị Thơ – vợ của anh Dũng – kể lại câu chuyện đau lòng trong nghẹn ngào nước mắt: Vào ngày 13/1/2012, là 49 ngày mất của anh Dũng, chị Thơ cùng gia đình, họ tộc lên mộ để cúng thì phát hiện nơi chôn cất anh Dũng bị đào bới, san bằng. Ngay lập tức gia đình nạn nhân đa trình báo chính quyền địa phương và lực lượng công an đã có mặt để lập biên bản vụ việc.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận, ngôi mộ mới chôn bị đào xới, bia đá, bát hương bị vứt ngổn ngang, vùi dập. Ngoài ra, lực lương chức năng còn phát hiện một tấm gỗ nhỏ của chiếc quan tài có dấu hiệu bị cưa đục. Lo sợ bị mất xác người thân, chị Thơ cùng gia đình đành nén lòng, đồng ý cho lực lượng chức năng cho người đào chiếc quan tài lên khám nghiệm. Khi chiếc quan tài được đào lên, công an xác định mảnh gỗ nhỏ được phát hiện trước đó thuộc phần đầu của chiếc áo quan. Phần vải quấn mặt của tử thi bị kẻ xấu rạch ra. Chứng kiến những cảnh tượng ấy không ai có thể cầm được lòng mình. Anh Dũng mất đi khi tuổi đời còn khá trẻ, vốn đã thiệt thòi, đoản mệnh. Vậy nhưng, ngay cả khi tưởng như đã được yên nghỉ vĩnh viễn, thân xác người xấu số vẫn bị đào xới. Những người thân của anh, phần vì xót xa, phần cảm thấy hoang mang, lo lắng đã đề nghị không khám nghiệm tử thi và thực hiện các nghi thức tâm linh, chôn cất lại người xấu số.

Theo suy đoán của gia đình nạn nhân, có thể nạn nhân nhắm lấy dây chuyền vàng đeo ở cổ tử thi. Nhưng trên thực tế, số trang sức đeo cho người chết chỉ là mỹ ký, không có giá trị về mặt kinh tế. Hơn một tháng kể từ ngày sảy ra vụ việc, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Phú – trưởng Công an huyện Chiêm hóa –cho biết, hiện tại cơ quan điều tra đã khoanh vùng một số đối tượng và đang trong quá trình xác minh. Ngoài lực lượng Công an Huyện, còn có sự phối hợp của Công an thị trấn vĩnh Lộc để tiến hành điều tra, truy tìm thủ phạm.

Tâm sự đắng lòng của ngừi vợ bất hạnh

Trần sao âm vậy, cái quan niệm ấy đã thấm nhuần, ăn sâu trong suy nghĩ của những người Việt. Ở địa phương nơi chị Thơ sinh sống, có tục lệ mỗi khi khâm niệm phải có đầy đủ đồ trang sức để đeo cho người mất, có như thế mới được coi là chu đáo. Nhà nào giàu có, dư giả có thể đeo cho người đã mất những đồ trang sức bằng vàng thật. Những nhà điều kiện kinh tế khó khăn hơn, không thể mua vàng thật thì cũng cố sắm sửa một bộ trang sức mỹ ký, cốt sao để cho linh hồn người mất hiểu được tấm lòng người ở lại. Ngày anh Dũng mất, phận làm vợ, chị Thơ cũng muốn anh được đầy đủ nơi thế giới bên kia. Nhà không mấy dư giả nên chị Thơ đã sắm một bộ trang sức mỹ ký để anh Dũng mang theo. “Về mặt tâm linh, tôi cũng mong muốn cho anh được đầy đủ, không thiếu thốn gì. Ở địa phương tôi, hầu như đám ma nào người ta cũng thực hiện như thế, tức là sắm đầy đủ trang sức cho người đã khuất” – người vợ đau đớn, nấc nghẹn. Chị Thơ không thể ngờ rằng, việc làm ấy lại là căn nguyên của những bất hạnh mà gia đình chị phải chứng kiến sau này.

Sau lần chôn cất lại hài cốt của anh dũng, chị Thơ vẫn không khỏi băn khoăn. Dù đã cùng với gia đình, họ hàng thực hiện đầy đủ các nghi lễ tâm linh theo sự mách bảo của những “thầy cao tay ấn”, nhưng chị Thơ vẫn phân vân: “chưa biết như thế chồng tôi đã hài lòng chưa?” . Chị Thơ băn khoăn, bất an còn bởi, cho đến thời điểm hiện tại, kẻ táng tận lương tâm vẫn chưa được pháp luật vạch mặt, chỉ tên. Chị mong mỏi sự trừng trị đích đáng của pháp luật đối với kẻ đã khiến cho thân xác chồng chị bị đào xới không yên. Chị Thơ chia sẻ trong nước mắt: “Ai làm ác, người ấy phải chịu. Tôi tin cái quy luật nhân quả ở đời…”.

Nhớ lại ngày đám ma anh Dũng, chị Thơ không nhận thấy có điều gì bất thường. Ngày ấy, bà con hàng xóm đến chia buồn rất đông, ai cũng tiếc thương người đàn ông hiền lành, vắn số. chị Thơ không ngời, lẫn trong những người thực sự cảm thông, chia sẻ mất mát với gia đình chị hôm ấy,có lẽ đã nhen nhóm ý đồ trộm cắp đồ trang sức vì chúng ngỡ vàng thật: “Tôi nghĩ rằng, một kẻ không thể làm được việc đó, chắc ít nhất phải có hai người. Thực ra có thể chúng chỉ là thành phần cạn bã của xã hội, túng bấn mà làm liều chăng? Khi đưa áo quan của chồng tôi lên, gia đình chúng tôi cũng chẳng ai nỡ rạch hết lớp vải quấn ra để xem mất mát những gì, đau lòng thêm thôi! Chúng tôi đã chôn cất lại ngay sau đó”. Nhiều người thân trong gia đình nạn nhân cũng nhận định, có thể lúc khâm niệm cho anh Dũng, kẻ xấu đã thấy thi hài được đeo trang sức. Gia đình chị Thơ làm nghề buôn bán, có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến cho kẻ xấu nghĩ rằng họ giàu có và chôn…vàng thật.

Trước nghi vấn cho rằng, có sự thù oán nào đó mà gây ra hành động bất lương này, chị Thơ cho biết: “Hai vợ chồng tôi đều là những người làm việc tự do, chúng tôi có một quầy bán quần áo ở chợ. Cuộc sống của chúng tôi bình yên, chẳng có thâm thù với ai. Với bà con hàng xóm cũng chẳng điều tiếng gì nên không có chuyện trả thù như vậy”. Chị Thơ cho biết thêm, sau vụ việc đau lòng ấy, chị và gia đình cũng nhận thấy một số biểu hiện nghi vấn nên đã trình báo hết với co quan công an. Chị Thơ hi vọng, cơ quan công an sớm tìm ra thủ phạm để mọi người trong gia đình được yên lòng và chị tin, linh hồn người chồng xấu số của chị cũng mong mỏi điều đó.

Anh Dũng mất đi, để lại mọi ghánh nặng cơm-áo-gạo-tiền lên vai chị Thơ. Để lo cho cô con gái 15 tuổi một cuộc sống lo đủ, sau khi lo chu tất đám ma cho anh, chị Thơ phải nén đau buồn, tiếp tục những buổi chợ để bươn chải, mưu sinh. Lo về vật chất đã vậy, với cô con gái đang tuổi trưởng thành, chị Thơ vừa phải là mẹ, vừa phải là cha cho con. Thương mẹ vất vả, cô con gái của chị rất ngoan và học giỏi. Đó cũng là niềm hãnh diện, an ủi của chị Thơ nhưng chừng ấy vẫn chẳng thể khỏa lấp những bất an trong lòng chị: “Là người duy tâm nên mọi việc sảy ra với mộ phần của chồng tôi càng khiến tôi băn khoăn. Từ ngày ấy, tuy chưa thấy anh báo mộng gì cho tôi, chưa thấy điều gì bất thương trong gia đình nhưng tôi vẫn thấp thỏm. Tìm ra kẻ độc ác gây nên tội ấy, những khúc mắc mới phần nào được giải tỏa”- người vợ bất hạnh buồn rầu chia sẻ. Hy vọng, một ngày không xa, lực lượng cơ quan chức năng sẽ sớm tìm ra kẻ trộm, đem lại sự bình yên nơi xóm làng.

Điều 246: Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt:

Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Và theo quy định tại Điều 629 Bộ Luật Dân sự quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả thì: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại”.
Tuệ Nhi/Hôn nhân Pháp luật