"Mỹ phải kiểm soát tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc"

05/07/2014 07:46
Hồng Thủy
(GDVN) - Mối nguy hiểm là chủ nghĩa xét lại đang gia tăng ở Trung Quốc nếu không được kiểm soát sẽ cơ bản làm thay đổi trật tự quốc tế ở châu Á theo thời gian.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Michele Flournoy.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Michele Flournoy.

Washington Post ngày 4/7 đăng bình luận của cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách giai đoạn 2009-2012 Michele Flournoy cho rằng, quyết định của chính quyền Obama mời Trung Quốc tham gia tập trận chung hải quân RIMPAC là động thái mới nhất Mỹ khuyến khích Bắc Kinh đóng vai trò hiệu quả hơn trên thế giới.

Cách tiếp cận này nằm trong chuỗi chính sách của Mỹ dựa trên ý tưởng, sự hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế và trật tự an ninh quốc tế không chỉ là lợi ích của Trung Quốc mà còn có lợi ích của Hoa Kỳ cũng như thế giới. Washington đã hỗ trợ Bắc Kinh gia nhập các tổ chức đa phương hàng đầu như Tổ chức Thương mại thế giới WTO, đồng thời đều đặn tăng cường quan hệ song phương với Trung Quốc qua nhiều kênh đối thoại, bao gồm Đối thoại Chiến lược và kinh tế họp tại Bắc Kinh trong tháng này.

Theo lý thuyết, kết quả những nỗ lực của Mỹ sẽ là sự đóng góp của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế sẽ tăng theo thời gian, duy trì hòa bình ổn định, chẳng hạn như tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp, điều này cuối cùng sẽ dẫn Trung Quốc đến chỗ hành xử có trách nhiệm và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Nhưng thật không may, đó không phải là những gì đang xảy ra. Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế 2 con số, hành vi của Trung Quốc đã ngày càng đáng chú ý trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều quan điểm từ Bắc Kinh dự đoán rằng, Mỹ đang suy giảm nhanh chóng và hân hoan với một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, đi liền với sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) ở Trung Quốc.

Flournoy bình luận, đặc biệt kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu khẳng định yêu sách lãnh thổ (vô lý, bất hợp pháp - PV) của mình một cách mạnh hơn ở Biển Đông và Hoa Đông, thay đổi hoàn toàn chủ trương "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình.

Song lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức rất rõ, rằng tăng trưởng kinh tế, nguồn gốc của tính bền vững trong hoạt động cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc phụ thuộc vào một môi trường khu vực ổn định. Kết quả là Bắc Kinh dường như đã thực hiện các bước (bành trướng lãnh thổ) một cách thận trọng hơn (với thủ đoạn tinh vi, nham hiểm) bằng cách dùng các tàu bán vũ trang (Hải cảnh, Hải tuần, Ngư chính) để chiếm các đảo và bãi đá, rặng san hô trên Biển Đông, đơn phương khẳng định quyền kiểm soát (bất hợp pháp) đối với vùng biển tranh chấp (thực tế có nhiều khu vực hoàn toàn không có tranh chấp, Trung Quốc vẫn nhảy vào tìm cách chiếm đoạt - PV).

Tàu Hải cảnh Trung Quốc liều lĩnh, hung hãn đâm thẳng vào mạn tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ngay trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam gần khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc liều lĩnh, hung hãn đâm thẳng vào mạn tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ngay trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam gần khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.

Gần đây nhất là hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) các căn cứ quân sự lộ thiên và hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí (trái phép) trong vùng biển tranh chấp đã được thiết kế để thay đổi hiện trạng lãnh thổ ở châu Á mà không có một phản ứng đủ mạnh nào từ Mỹ cũng như các nước láng giềng nào của Bắc Kinh. 

Cần lưu ý ở đây, giàn khoan 981 Trung Quốc đang hạ đặt bất hợp pháp trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn không phải là vùng biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược năm 1956, 1974 và kiểm soát bất hợp pháp từ đó tới nay) và hoàn toàn không có tranh chấp - PV.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, mối nguy hiểm là chủ nghĩa xét lại đang gia tăng ở Trung Quốc nếu không được kiểm soát sẽ cơ bản làm thay đổi trật tự quốc tế ở châu Á theo thời gian, đối chọi với sự ổn định cũng như lợi ích sống còn của Hoa Kỳ cũng như các đồng minh, đối tác của Mỹ.

Hành động hung hăng hơn của Trung Quốc cũng làm tăng nguy cơ một tính toán sai lầm có thể leo thang thành 1 cuộc khủng hoảng, thậm chí là xung đột, đối đầu.

Hoa Kỳ nên làm thế nào trong trường hợp này? Washington nên tiếp tục cam kết xây dựng một quan hệ đối tác bền vững với Bắc Kinh, bởi các nỗ lực từ bỏ điều này có khả năng thúc đẩy sự hung hăng cứng rắn của Trung Quốc và đi ngược lại một loạt các lợi ích kinh tế, an ninh của Mỹ.

Tuy nhiên Mỹ bắt buộc phải dừng các hành động gây mất ổn định của Trung Quốc lại. Điều này đòi hỏi rằng Mỹ thực hiện các bước đi thường xuyên và rõ ràng hơn trong việc thực thi luật pháp, gìn giữ trật tự ở châu Á trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hoa Kỳ có thể bắt đầu bằng cách hỗ trợ xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực, nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải để ngăn chặn các hành vi mạo hiểm, hỗ trợ các chính phủ kiểm soát tốt hơn bờ biển của họ.

Mỹ cũng nên giúp các nước đang phát triển khả năng phòng thủ để giữ vững lập trường của mình khi đối mặt với lực lượng quân sự đang tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc.

Các biện pháp quân sự cần được bổ sung bằng những nỗ lực ngoại giao để tiến tới xây dựng khung pháp lý quản lý các tranh chấp hàng hải. Đặc biệt Hoa Kỳ sẽ phải theo đuổi cơ chế quản lý khủng hoảng thay thế một khi Bắc Kinh tiếp tục tìm cách trì hoãn tiến trình đàm phán ký kết bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Hồng Thủy