Hình ảnh Việt Nam chẳng thể đẹp bất tận nếu còn những hành vi đáng xấu hổ

01/05/2018 06:09
Trần Phương
(GDVN) - Tài nguyên du lịch của Việt Nam đang trong top đầu các nước Đông Nam Á, nhưng đáng tiếc là khách du lịch cứ đến Việt Nam một lần rồi hầu như không quay lại.

Kể từ sau nghị quyết số 08- NQ/TW của Bộ chính trị, du lịch được xác định phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Nếu chỉ tính riêng năm 2016, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP…

Những con số đã đạt được rất đáng khích lệ, tuy nhiên, năm 2017, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam tại hội thảo "Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch", 80% khách du lịch không quay trở lại Việt Nam.

Con số thống kê đáng buồn trên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, thế nhưng, sắp bước vào mùa du lịch 2018, nạn trộm cắp, cướp đường lại một lần nữa là một trong những nghi ngại cho sự phát triển bền vững của du lịch cả nước.

Dù có nhiều nỗ lực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm cướp giật nhưng nạn trộm cắp vẫn hoành hành.

Không ít khách du lịch đến với Việt Nam để khám phá “vẻ đẹp bất tận” về đất nước và con người Việt Nam phải ngán ngẩm với nạn ăn cắp.

Năm 2017, câu chuyện nữ phượt thủ người Anh tên là Rita Rasimaite (26 tuổi) mất xe đạp tại Thành phố Hồ Chí Minh ngay khi hoàn thành chuyến xuyên Việt dài 3.600km đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

"Hãy giúp tôi với! Tôi đã đạp xe xuyên Việt trong vòng 2 tháng và sau khi hoàn thành hơn 3.600 km, tôi cũng đến được Sài Gòn vào tối hôm qua (19/7). Đáng lẽ, tôi đã phải ăn mừng cột mốc này thật lớn nhưng thay vào đó, sáng nay (20/7) tôi không thể nhịn được và bật khóc vì ai đó đã trộm mất chiếc xe đạp của tôi”, Rita đăng tải một status “cầu cứu” trên diễn đàn của người nước ngoài sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh

Rita Rasimaite chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội (ảnh chụp màn hình)
Rita Rasimaite chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội (ảnh chụp màn hình)

Nữ phượt thủ này đã đăng câu chuyện của mình lên mạng với hi vọng tìm lại được người bạn đường yêu quý của mình vì nó có ý nghĩa rất quan trọng với cô.

Rita đã mất thêm nhiều vật dụng gắn kèm trên xe. Trước đó, Rita đã từng bị mất trộm khi tới Nha Trang.

Sau đó, lực lượng chức năng đã sớm tìm ra chiếc xe đạp bị mất. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên nạn nhân của các vụ mất cắp là người nước ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2016, hình ảnh cô gái nước ngoài 22 tuổi là Alaa Mohammad Abdu Ali Aldoh (22 tuổi, người Ai Cập) ngồi khóc nức nở giữa phố khi bị cướp sạch tài sản ở trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã gây bức xúc dư luận.

Ngày 11/3/2016, chị Alaa Mohammad cùng người bạn đi bộ đến trước nhà số 36 Lương Hữu Khánh (phường Phạm Ngũ Lão, Q.1) thì bị 2 đối tượng đi trên xe gắn máy áp sát, giật chiếc túi xách rồi bỏ chạy. Bị cướp bất ngờ, nữ du khách hoảng sợ rồi khóc nức nở tại hiện trường.

Theo trình báo của nạn nhân, bên trong túi xách có 230 USD, 1 chiếc ví, 1 sạc pin điện thoại và 1 số giấy tờ cá nhân.

Cũng trong tháng 3/2016, nữ du khách có tên Katarzyna Regula quốc tịch Ba Lan cũng đã trở thành nạn nhân của vụ cướp giật điện thoại iPhone trên đường phố thành phố Hồ Chí Minh.

Vụ việc nữ du khách người Ba Lan hoảng loạn vì bị cướp iPhone ở Sài Gòn cũng gây xôn xao dư luận.

Hình ảnh Việt Nam chẳng thể đẹp bất tận nếu còn những hành vi đáng xấu hổ ảnh 2Cướp giật, "chặt chém" du khách: Xấu hổ tột cùng!

Chị Katarzyna tâm sự lúc xảy ra sự việc chị vô cùng hoảng loạn và khóc rất nhiều. Bạn tôi đã ở đây 2 hay 3 năm trước và gặp tình huống tương tự.

"Người bạn của tôi may mắn hơn khi đã giằng lại được túi xách từ tay tên cướp", nữ du khách cho biết.

Không chỉ cướp giật, việc “chặt chém” khi khách du lịch mua hàng đang trở thành thứ “đặc sản” đáng sợ ở các khu du lịch Việt Nam.

Chuyện ăn xin đeo bám, không có nhu cầu nhưng vẫn vẫn bị giám sát chặt trẽ hay  ăn bát phở, bát bún có giá trên trời không phải là chuyện hiếm mỗi khi đặt chân đến địa điểm du lịch của Việt Nam.

Rất nhiều vụ việc dư luận đã lên án nhưng mọi việc đâu vẫn hoàn đó.

Du lịch Việt Nam đang đứng trước rất nhiều vận hội mới khi Việt Nam có nhiều tài nguyên để trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn với vẻ đẹp bất tận.

Nữ du khách bàng hoàng khi bị cướp trên đường phố (Ảnh: Facebook)
Nữ du khách bàng hoàng khi bị cướp trên đường phố (Ảnh: Facebook)

Năm du lịch quốc gia 2018, với 50 chương trình văn hóa, thể thao và du lịch, cùng 42 sự kiện hưởng ứng của nhiều tỉnh thành trên cả nước từ đầu năm 2018 đến tháng 1/2019 đang kỳ vọng tạo lên sức bật mới cho ngành du lịch.

Thế nhưng sẽ khó có sức bật nếu những hình ảnh phản cảm, cướp bóc, chặt chém diễn ra như thời gian qua.

Chừng nào một loạt các vấn đề yếu kém và ý thức người dân chưa được nâng cao thì ngành du lịch khó có thể cải thiện trong mắt bạn bè quốc tế.

Đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017 của Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch đã phát biểu: “Làm thế nào để khách du lịch quay lại Việt Nam sớm nhất có thể, chứ không để tình trạng khách một đi không trở lại”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ: “Tôi vừa lấy điện thoại thông minh thì đọc được bài 7 nỗi sợ hãi khi đến du lịch Việt Nam chặt chém, cướp giật, mất vệ sinh…”.

Hình ảnh Việt Nam sẽ chẳng thể đẹp bất tận nếu còn những hành vi đáng xấu hổ như vậy.

Trần Phương