Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lên tiếng về lễ kỷ niệm dự kiến chi trăm tỷ

29/06/2018 07:41
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - "Đặc biệt việc tổ chức lễ kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa cần tạo được sự đồng thuận của người dân địa phương".

LTS: Xung quanh câu chuyện tỉnh Thanh Hóa dự kiến chi cả trăm tỷ cho cho lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa, ngày 28/6, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ Văn hóaThể thao và Du lịch, kiêm người phát ngôn của Bộ này.

Phóng viên: Thưa ông, tỉnh Thanh Hóa vừa khiến dư luận giật mình vì con số khái toán hơn 100 tỷ đồng chi cho lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Một số người cho rằng, khoản dự chi được cho là quá lớn đối với một lễ kỷ niệm chỉ mang tầm địa phương và trong khi tỉnh này còn nhiều việc phải chi tiền hơn là “đầu tư” hoành tráng vào lễ kỷ niệm đó. Quan điểm của Bộ thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Thái Bình: Việc tổ chức ngày lễ kỷ niệm phải thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức thương, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2017 về chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Nội dung Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu:

“Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

Chỉ đạo, tổ chức lễ hội, tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí; phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để Bộ, ngành, địa phương do mình phụ trách và quản lý vi phạm quy định quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong lễ hội”.

Tái hiện cảnh Lê Lai đóng giả Lê Lợi liều mình cứu chúa trong lễ hội Lam Kinh. Ảnh: Quốc Toản.
Tái hiện cảnh Lê Lai đóng giả Lê Lợi liều mình cứu chúa trong lễ hội Lam Kinh. Ảnh: Quốc Toản.

Theo thông tin được biết, chuỗi các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa dự kiến gồm các sự kiện như: Tổ chức kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Lễ hội Lam Kinh năm 2018, tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Thanh Hóa, tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa 2019...

Tỉnh Thanh Hóa cần xác định nội dung hoạt động kỷ niệm đảm bảo ý nghĩa chính trị, văn hóa đồng thời tuân thủ đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị trên và căn căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương.

Nhiều người lo ngại về sự lãng phí và nếu không có sự lên tiếng của công luận thì rất có thể số tiền khái toán này vẫn được duyệt chi cho lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa?

Ông Nguyễn Thái Bình: Đây là hoạt động thuộc thẩm quyền của địa phương, tuy nhiên nó cũng là một vấn đề dư luận quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Danh xưng không phải thứ có thể "mài" ra để ăn được

Chúng tôi cũng đã có trao đổi nhanh với đại diện chính quyền địa phương về vấn đề này.

Theo ý kiến của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay chưa có quyết định cụ thể của tỉnh về kinh phí tổ chức.  

Thực tế cho thấy để đưa đến quyết định cuối cùng về các nội dung như trên, các địa phương, cơ quan phải có sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất trong tập thể lãnh đạo và đặc biệt là cần tạo được sự đồng thuận của người dân địa phương.

Vậy ông có lời khuyên nào cho địa phương trong việc tổ chức các lễ hội, lễ kỷ niệm nhằm tiết kiệm ngân sách, tránh lãng phí?

Ông Nguyễn Thái Bình: Các địa phương phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức lễ kỷ niệm, trong đó có Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2017 về chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm.

Đồng thời căn cứ thực tế tình hình của địa phương, của vùng để xác định quy mô và nội dung phù hợp để lễ kỷ niệm thực sự là hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào và là động lực phát triển kinh tế-xã hội đối với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)