Cán bộ làm sai, xử được mấy người?

18/03/2017 08:48
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh, cần phải có quy định cấm cán bộ đương chức sở hữu cổ phần ở doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Kê khai tài sản, ai chịu trách nhiệm?

Một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên là đúng vào thời điểm các cơ quan chức năng đang vào cuộc kiểm tra, xác minh tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương và dư luận đang rất quan tâm tới tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng thì vào ngày 16/3 Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng.

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho biết, theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương về việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 thì qua xác minh tài sản, thu nhập của các cơ quan có thẩm quyền, không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Cán bộ làm sai, xử được mấy người? ảnh 1

Tướng Thước: Chủ tịch Đà Nẵng có nhiều tài sản thế?

Năm 2016 có tới 17 tỉnh không xử lý trường hợp tham nhũng nào như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Tình trạng này cho thấy ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng chưa cao, không thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng.

Trước đó vào năm 2015, báo cáo Thường vụ Quốc hội (sáng 21/9), Tổng thanh tra Chính phủ - ông Phan Văn Sáu cho biết, trong số hơn một triệu người hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập thì có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập và cũng chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Tuy nhiên, ngay tại thời điểm đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã dẫn lại nhiều báo cáo thẩm tra chứng minh kết quả của Thanh tra Chính phủ là không phù hợp thực tế.

Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực, mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai.

Và, tại thời điểm đó, Ban nội chính Trung ương cũng chỉ ra thực tế là một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích nhận lương hàng tỷ đồng/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập không phát hiện được.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng khóa XIII cho rằng, trên thực tế có những cán bộ giàu lên một cách chính đáng khi họ biết vận dụng năng lực sáng tạo và đó là điều cần ghi nhận, khuyến khích.

Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều cán bộ giàu lên nhanh chóng và rất bất thường, đó là những khối tài sản tăng lên hàng chục tỷ đồng, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng và chỉ bị bại lộ khi có cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Ông Nguyễn Bá Thuyền đề nghị phải công khai tài sản của cán bộ đương chức và kê khai tài sản phải áp dụng cả với vợ, con, người thân ruột thịt của cán bộ đương chức. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Bá Thuyền đề nghị phải công khai tài sản của cán bộ đương chức và kê khai tài sản phải áp dụng cả với vợ, con, người thân ruột thịt của cán bộ đương chức. ảnh: Ngọc Quang.

Câu chuyện thời sự mà dư luận quan tâm nhiều nhất những ngày qua là tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng dù đã kê khai trong hồ sơ, nhưng đã có cơ quan nào kiểm tra, đánh giá về bản kê khai ấy chưa? Tài sản được liệt kê hình thành từ những nguồn nào?

Đó là câu hỏi quan trọng và là bản chất cần phải làm rõ sau khi cán bộ đã kê khai tài sản.

Ông Thuyền chia sẻ: “Khi tham gia Quốc hội khóa XIII tôi đã nhiều lần phát biểu rất chân tình là sau khi cán bộ kê khai tài sản, phải có cơ quan nào đó làm rõ tài sản ấy là chính đáng hay bất minh?

Cán bộ làm sai, xử được mấy người? ảnh 3

“Không kiểm soát được quyền lực, còn nhiều cán bộ hư hỏng”

Đối với cán bộ đương chức khi đã kê khai tài sản thì phải công bố cho toàn dân biết để dân giám sát, đó cũng là cách thức nâng cao vai trò của nhân dân đối với cuộc chiến phòng chống tham nhũng

Còn nếu kê khai cứ để đấy, không ai kiểm tra, không công bố cho nhân dân biết thì mãi mãi chỉ là hình thức.

Tôi cũng đã kiến nghị là khi cán bộ đương chức kê khai tài sản thì phải kê khai cả tài sản của vợ, con thành niên và người thân ruột thịt trong gia đình.

Nhưng luật chỉ yêu cầu con chưa thành niên mới phải kê khai, nên tài sản của quan chức cứ chuyển cho vợ, con đứng tên, còn họ thì chẳng có gì cả”. 

Khống chế chi tiêu tiền mặt

Ông Nguyễn Bá Thuyền là một cán bộ công tác lâu năm trong ngành kiểm sát và nổi tiếng là một Đại biểu Quốc hội thẳng thắn, có nhiều phát biểu không ngại đụng chạm khi đề cập những vấn đề bổ nhiệm, đề bạt, kiểm soát quyền lực…

Trong một phát biểu về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, ông Thuyền đã đề xuất thành lập Ủy ban Điều tra chống tham nhũng độc lập ở Trung ương, (không chỉ là Ban chỉ đạo) và có toàn quyền điều tra cán bộ cao cấp có dấu hiệu vi phạm.

Đề nghị này của ông Thuyền nhận được sự tán đồng của nhiều Đại biểu Quốc hội khác.

Ông Thuyền đề nghị: “Cần phải sớm có quy định hạn chế chi tiêu tiền mặt, phải quy định những giao dịch ở mức tiền nào bắt buộc phải chi trả qua tài khoản, vì cứ để như hiện nay rất khó để kiểm tra nguồn gốc tài sản.

Ở các quốc gia chống tham nhũng hiệu quả đều phải áp dụng biện pháp này.

Cán bộ làm sai, xử được mấy người? ảnh 4

"Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần làm rõ tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng"

Như vậy thì khi anh có một khoản tiền mặt lớn do tham nhũng hay làm ăn phi pháp thì cũng không thể chi tiêu được.

Bây giờ ở ta tiền mặt xài vô tội vạ, trắng đen lẫn lộn thì chống tham nhũng vô cùng khó khăn và tất nhiên là vẫn còn diễn biến phức tạp”.

Theo ông Thuyền, sau hàng loạt sai phạm của cán bộ nhà nước bị bại lộ, hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng càng cho thấy cơ chế kiểm soát quyền lực đã lỗi thời và cần phải có những thay đổi mạnh mẽ.

Đây là vấn đề hết sức hệ trọng đã được Đại hội Đảng XII đặt ra, nhưng triển khai thực hiện như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất?

Ông Thuyền bày tỏ: “Về cơ chế phải tiếp tục phát huy tinh thần công khai, minh bạch về tài sản cán bộ, về quy trình bổ nhiệm cán bộ và phải quy trách nhiệm rõ ràng đối với những trường hợp phát hiện sai phạm.

Thí dụ như khi phát hiện cán bộ nào đó kê khai tài sản không đúng thì phải xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kiểm soát hồ sơ thông tin cán bộ. Phải tìm ra người chịu trách nhiệm thật sự chứ không thể đổ cho tập thể. 

Thứ hai là trước khi bổ nhiệm, đề bạt thì toàn bộ tài sản của cán bộ cũng phải được kiểm tra. Đến một thời điểm nào đó mà phát hiện đó là tài sản phi pháp thì phải xử lý với cá nhân, tổ chức đã thực hiện kiểm tra trước đó.

Tôi đã từng nói, quan thì thời nào cũng có lộc, nhưng phải hiểu rằng nó chỉ là tí chút thôi, chứ không phải là ăn chặn của dân. Thí dụ như sau khi anh nỗ lực làm việc rất tốt rồi, đúng với bổn phận và chức trách được giao và người dân ghi nhận, cảm ơn thì điều ấy cũng đáng quý.

Nhưng cái nguy hiểm bây giờ là nhiều cán bộ không chịu làm việc nếu không có lợi lộc riêng, thậm chí là họ còn vẽ ra đủ trò để moi tiền của người dân và doanh nghiệp. Tất cả những điều đó đang ngày càng làm suy giảm niềm tin của nhân dân với cơ quan công quyền”.

Kết thúc cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền bày tỏ, để hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói không với nhũng nhiễu tham nhũng thì tất cả cán bộ có chức vụ ở các bộ ngành, ở địa phương phải gương mẫu.

“Lãnh đạo của bộ, ngành mà lại sở hữu cổ phần của doanh nghiệp thuộc bộ, ngành quản lý là bất thường. Lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các sở, ngành mà sở hữu cổ phần doanh nghiệp hoạt động tại địa phương cũng sẽ gây ra những điều tiếng xấu.

Vì vậy, cần phải có quy định rõ về vấn đề này đối với cán bộ đương chức, ai đã sở hữu những cổ phần thuộc trường hợp ấy thì phải rút ra không được phép tiếp tục tham gia. Như vậy mới minh bạch và chống lạm dụng quyền lực”, ông Thuyền nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương từng dẫn thẳng ví dụ của bản thân để cho thấy việc kê khai rất hình thức mà không đi vào bản chất của vấn đề: "Một ví dụ như việc trả lương cho tài khoản mà mục đích của nó là để kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức.

Đây chính là một giải pháp phòng chống tham nhũng nhưng rồi cứ nêu ra vậy thôi, trên thực tế có ai kiểm soát gì đâu.

Có lần tôi vận động doanh nghiệp hỗ trợ mấy trăm triệu đồng ủng hộ cho các đối tượng chính sách và đồng bào vùng sâu, vùng xa, khó khăn của Ninh Thuận nơi tôi ứng cử, để chắc chắn thì tôi đề nghị họ làm cái văn bản để tôi giữ và nêu rõ đó là tiền từ thiện, phòng khi có cơ quan hỏi tôi tiền ấy đâu ra, nhưng từ khi tiền vào tài khoản, tôi chờ mãi mà chẳng có ai hỏi gì".

Ngọc Quang