Quản lý nhà nước dùng cái lưới một cỡ, cá bé thì lọt, cá lớn thì rách lưới

02/12/2017 07:50
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Tiến sĩ Trần Du Lịch: "Cải cách hành chính sẽ khó có hiệu quả nếu nền hành chính quốc gia còn chưa đồng bộ về thể chế, bộ máy tổ chức và con người".

Bộ máy hành chính không nên dập khuôn 

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 6 khoá 12 sáng 29/11, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã phân tích Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Ông Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên.

Quản lý nhà nước dùng cái lưới một cỡ, cá bé thì lọt, cá lớn thì rách lưới ảnh 1Phình to biên chế là do trên nói dưới không nghe, coi thường kỷ cương phép nước

Bên cạnh đó, số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều, chiếm tỷ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan trung ương còn nhiều...

Tiến sĩ Trần Du Lịch, 1 trong 15 chuyên gia tổ tư vấn của Chính phủ hôm 30/11 chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, phát biểu của ông Phạm Minh Chính đã nhìn thẳng vào sự thật thực, chỉ rõ sự bất cập trong tổ chức bộ máy hành chính ở nước ta hiện nay.

Vị Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng, việc thực hiện một nền hành chính quốc gia đồng nhất gây khó khăn trong việc tinh giản biên chế.

"Chúng ta thực hiện một nền hành chính quốc gia thống nhất chứ không nên thực hiện một nền hành chính đồng nhất, giữa Trung ương và địa phương; giữa các địa phương với nhau.

Bởi, đặc điểm mỗi địa phương (dân số, đô thị, nông thôn, hải đảo...) hoàn toàn khác nhau.

Tôi ví dụ đặc điểm tỉnh Sơn La hoàn toàn khác với tỉnh Hà Nam. Bởi vậy, một bộ máy hành chính của Sơn La không thể áp dụng cho Hà Nam và ngược lại.

Cải cách bộ máy hành chính không nên dập khuôn, có nghĩa là không nhất thiết địa phương nào cũng giống nhau mà có thể căn cứ vào đặc điểm, khối lượng công việc, quy mô đô thị, yêu cầu phát triển và thế mạnh của từng địa phương để tổ chức bộ máy quản lý cho phù hợp.

Không cần thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới cũng có cơ quan, tổ chức đó và không cần các địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau.

Một nền hành chính như vậy thì không thể quản trị hiệu quả được, trong khi đó không những biên chế không giảm được mà lại "phình" to ra.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, 1 trong 15 chuyên gia tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ. Ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, 1 trong 15 chuyên gia tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ. Ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.

Nhưng hiện nay chúng ta đồng nhất bộ máy quản lý hành chính nhà nước, không gắn với chức năng quản lý nhà nước trên cơ sở đặc điểm của từng địa phương.

Điều này sinh ra chỗ thừa, chỗ thiếu trong quản lý hoạt động nhà nước các cấp", Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Chồng chéo chức năng, nhiệm vụ 

Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh, việc cải cách hành chính sẽ khó có hiệu quả nếu nền hành chính quốc gia còn tồn tại sự không đồng bộ về thể chế, bộ máy tổ chức và con người.

"Một bộ máy tổ chức mà công vụ chồng chéo, không rõ đâu là nhiệm vụ của Trung ương, đâu là nhiệm vụ của địa phương, sẽ không bao giờ có hiệu quả.

Nhiều lần tôi đã nói trên diễn đàn Quốc hội rằng, chúng ta quản lý nhà nước theo kiểu đan một cái lưới cùng cỡ nhưng muốn bắt mọi loại cá. Cá bé thì lọt lưới, cá to thì rách lưới. 

Một cơ quan nhà nước có thể làm nhiều việc, nhưng một việc không thể giao cho nhiều đơn vị được.

Một nền hành chính phải dựa trên công vụ. Bộ máy nhà nước phải được tổ chức trên cơ sở thực thi công vụ. Công vụ gì thì bộ máy tương ứng", Tiến sĩ Trần Du Lịch nói. 

Ông Lịch cũng cho rằng, bộ máy hành chính kể cả hệ thống chính trị hiện nay quá cồng kềnh. Và nếu không mạnh dạn tinh giản và cải cách thì nền công vụ sẽ chồng chéo, dẫn đến rất khó khăn cho việc cải thiện tiền lương, đời sống người lao động.

"Không thể có chuyện một công vụ mà nhiều cấp cùng làm.

Quản lý nhà nước dùng cái lưới một cỡ, cá bé thì lọt, cá lớn thì rách lưới ảnh 34 triệu người đang nhận lương, phụ cấp từ ngân sách, chưa tính Công an, Quân đội

Tôi ví dụ nếu đã giao cho chính quyền địa phương thực hiện việc thanh tra môi trường tại các doanh nghiệp thì Bộ tài nguyên và Môi trường không nên trực tiếp xuống doanh nghiệp kiểm tra.

Bộ Tài nguyên và Môi trương chỉ nên làm nhiệm vụ thanh tra công vụ cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh tra môi trường của tỉnh, thành phố, xem họ làm đúng hay không, chứ không nên xuống cơ sở làm trực tiếp.

Nhưng thực tế, bây giờ chức năng, nhiệm vụ cứ chồng chéo giữa trung ương và địa phương. Do đó, muốn cải cách hành chính phải cải cách công vụ trước", Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, nếu thực hiện thành công việc cải cách công vụ, tình trạng "lạm phát" cấp phó sẽ tự nhiên giảm theo.

"Khi thêm cấp phó thì biên chế sẽ tăng theo, ngân sách sẽ "gánh" thêm nhiều người ăn lương.

Không thể để tình trạng sinh ra cấp phó để họp hành. Người dân trả lương và muốn anh làm việc/phục vụ cho họ chứ đâu cần anh họp hành suốt ngày.

Chuyện họp hành chỉ nên hiểu là phương tiện để thực hiện mục đích.

Cho nên, nếu thực hiện tốt vấn đề cải cách hành chính theo hướng nêu trên, chắc chắn những bất cập trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và vấn đề tinh giản biên chế sẽ được khắc phục", Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định.

QUỐC TOẢN